Ngày 20/11 không hoa ở rốn lũ lịch sử

Nhà cửa sập, sách vở trôi, trường lớp ngập trong bùn lầy… là hình ảnh buồn trong dịp lễ tri ân thầy cô giữa vùng lũ dữ Bình Định và Quảng Ngãi.
Ngổn ngang trường học sau trận lũ. Hiện ở Bình Định có 195 phòng học bị hư hại, 60 phòng bị ngập nặng.

Về các trường học nằm ở vùng rốn lũ những ngày này chỉ thấy cảnh xác xơ, tiêu điều bao phủ. Nhiều dãy hành lang phòng học bị vùi sâu trong bùn non, bàn ghế xiêu vẹo, các lớp học chỉ còn là mớ hỗn độn. Hàng loạt bàn ghế của thầy trò cũng bị cuốn trôi theo trận "đại hồng thuỷ" lớn nhất từ xưa đến giờ, hôm 16/11.

Giữa đống ngổn ngang, cô Huỳnh Thị Thanh Thủy - giáo viên trường mầm non Hòa Nghi, Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn cho biết, năm ngoái trường vừa được Sở giáo dục đầu tư hơn 40 triệu động mua sắm dụng cụ, thiết bị và những vật dụng phục vụ cho công tác giảng day. Cô trò mừng chưa lâu thì nay lũ vào cuốn đi hết.

“Tất cả vật dụng của hai lớp mần non đều tan vào biển lũ hết rồi. Có dọn xong cũng chẳng còn mấy thứ để cho các em học. Tất cả đều bề bộn, chẳng biết khi nào lớp mới mở lớp lại được. Nước lũ đã rút, nhưng các em cũng chưa thể tới trường khi gia đình ai cũng ngổn ngang trăm mối”, cô Thủy rưng rưng nói.

Phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, là một trong những nơi bị lũ trận lũ lịch sử tàn phá nặng nề nhất. Cho đến hết ngày 19/11, tất cả các trường học trên địa bàn phường đều phải đóng cửa, chưa thể dọn dep. Điện, nước mất, công tác khắc phục vẫn vô vàn khó khăn.

Lớp học của trẻ mầm non ngập ngụa bùn, toàn bộ đồ dùng hư hỏng hết.

Ông Võ Kim Chung, Hiệu trưởng trường THCS Nhơn Hòa cho biết, học sinh của trường đã phải nghỉ học từ chiều thứ 6 tuần trước, ít nhất cũng phải vài ngày nữa mới có thể quay lại trường. Công tác khắc phục hậu quả sau lũ gặp nhiều khó khăn vì không có điện nước trong khi hàng chục phòng học bị ngập bùn, dọn không xuể.

“Ngày 19/11, lãnh đạo trường huy động toàn bộ cán bộ công nhân viên đến dọn dẹp. Nhà nào cũng có lũ, cũng đổ nát, nhưng ưu tiên cho việc học của con em nên cán bộ giáo viên trường phải gác việc nhà, lo việc trường trước”, ông Chung nói.

Đằng sau những đống đổ nát còn là sự mất mát, thiếu thốn, đói khát… , ngày đến trường của các bạn học sinh cũng khó có thể vui. Huỳnh Thị Ý Nhi, học sinh lớp 7, thôn Liêm Trực, phường Bình Định (thị xã An Nhơn) buồn bã nói: “Nhà ngập nước, trường cũng ngập bùn… Chưa biết bao giờ bọn mình mới được đi học nữa. Mà giờ sách vở cũng bị cuốn trôi hết rồi, mẹ không còn gì để bán, lấy đâu tiền mua lại sách vở cho con...”.

“Mất hết rồi, trắng tay rồi chẳng còn gì nữa. Cả nhà trông vào mớ thóc, con gà, con vịt… để có cái ăn và lo cho con đi học. Giờ lũ về cuốn trôi hết, đến ruộng rau cũng tan tành. Nhà chỉ còn lại ít thóc lúa, đậu… nhưng đều bị lên mầm vì ngâm nước mấy hôm rồi, không biết lấy gì cho con đi học”, một phụ huynh lo lắng.

Bé Võ Dịu Linh lật hong từng trang sách.

Thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước (Bình Định) quanh năm sống chung với nước lũ. Học sinh nơi đây thường phải đi học trước các vùng khác cả tháng mới theo kịp chương trình. Nhưng cơn lũ lịch sử năm nay lại khiến cho con đường đến trường của các em càng thêm gian nan. Hiện Diêm Vân vẫn còn bị cô lập giữa biển nước, mọi di chuyển qua lại đều bằng ghe, thuyền nên các em chưa biết khi nào mới có thể đến trường.

Ngoài hiên một ngôi nhà xộc xệch, hong từng trang sách, Võ Diệu Linh, học sinh lớp 2 trường tiểu học Phước Thuận tại thôn Diêm Vân mắt đỏ hoe, lẳng lặng không nói nên lời.

Theo Vnexpress

Theo Đăng lại