Nga sẽ biến Kaliningrad thành tử huyệt của NATO?

Những động thái liên tiếp tăng quân đến Baltic và đông Âu của NATO có thể sẽ khiến Nga nổi giận và biến Kaliningrad-vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của nước Nga, trấn giữ huyết mạch trọng yếu của eo biển Baltic thành mũi dao đâm vào tim NATO.

NATO ngày càng xiết chặt vòng vây quanh Nga

Sau cuộc họp với Bộ trưởng quốc phòng 28 nước thành viên Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tại Brussels ngày 5-2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố, khối này đã quyết định sẽ tăng cường tới 30.000 quân vào mục đích kiềm chế Nga, tăng gấp hơn 2 lần so với con số 13.000 quân hiện nay.

Số lượng quân này thuộc lực lượng phản ứng nhanh của NATO, được biên chế tương đương 6 lữ đoàn, được triển khai đóng quân các quốc gia Đông Âu cũ bao quanh Ukraine, ngay sát nách biên giới Nga, bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva (Lithunia), Ba Lan và Romania.

Các lữ đoàn phản ứng nhanh này được biên chế 5.000 lính tinh nhuệ, gồm lính thủy quân lục chiến, lính dù và các đội đặc nhiệm dưới sự chỉ huy của 50 sĩ quan. Khi cần thiết lực lượng này sẽ được triển khai trong vòng hai ngày, 25.000 quân còn lại sẽ tập trung đến yểm trợ trong khoảng thời gian một tuần.

Trước cuộc họp, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lưu ý: các bộ trưởng quốc phòng của khối phải "đồng ý về một yếu tố quan trọng trong kế hoạch phòng thủ tập thể của NATO", tập trung nhấn mạnh vào vai trò của 3 nước vùng biển Baltic, bao gồm Estonia, Lithunia, Latvia, cùng với Ba Lan.

"Đây là phản ứng của chúng tôi với các hành động từ phía Nga trong khoảng thời gian qua, nó hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ quốc tế của khối", ông Stoltenberg nói và cho các phóng viên biết rằng, riêng Anh sẽ triển khai 1.000 lính và 4 máy bay chiến đấu đa năng Typhoon tham gia vào lực lượng này.

Nga đang tăng cường thực lực quân sự đáp trả mối đe dọa từ NATO

"Ở Ukraine, bạo lực ngày càng tồi tệ và khủng hoảng trở nên sâu sắc hơn. Moscow tiếp tục bỏ qua các quy tắc quốc tế và hỗ trợ các lực lượng ly khai đông nam Ukraine". Bởi vậy, các lữ đoàn này sẽ có khả năng nhanh chóng bảo vệ khu vực Đông Âu "để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga".

Từ giữa năm 2014, NATO đã tăng đáng kể hoạt động quân sự của mình tại Đông Âu với lý do lo ngại các hành động quân sự của Nga, sau khi bùng nổ khủng hoảng Ukraine. Moscow đã phủ nhận hoàn toàn mọi cáo buộc của Brussels liên quan đến việc ủng hộ lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine.

Phản ứng về vấn đề này, đại diện của Nga tại NATO Alexander Grushko thẳng thừng tuyên bố, quyết định gần đây của khối này về việc thành lập thêm các trung tâm chỉ huy ở 6 nước đông Âu sẽ dẫn đến những biến chuyển lớn về chiến lược quân sự, nhằm đảm vệ an ninh quốc gia của Nga.

Đồng thời, ông Grushko cũng cảnh báo một hậu quả khôn lường nếu NATO quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine chống lại lực lượng ly khai miền đông. Hiện NATO chưa đưa ra quyết định về vấn đề này nhưng khá nhiều quốc gia thành viên chủ chốt như Đức, Pháp… đã lên tiếng phản đối.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định vào hôm 3-2 rằng Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine và theo đuổi một giải pháp hòa bình về vấn đề xung đột. Tuy nhiên, các quan chức và chính khách Mỹ lại có quan điểm trái ngược và đang hối thúc chính quyền Tổng thống Obama hỗ trợ các loại vũ khí sát thương cho Ukraine.

Vị trí chiến lược quan trọng của Kanilingrad đối với cả Nga và NATO

Vào hôm 3-2, người đại diện của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Denis Pushilin cho biết họ đã tìm thấy các vỏ đạn pháo của NATO ở Horlivka. Ngoài ra, ông Pushilin cũng nhận định rằng quân đội Ukraine đang sử dụng chiến thuật chiến đấu của Mỹ khi đối đầu với lực lượng li khai trong khu vực.

Trước đó, lực lượng ly khai Donetsk cũng tuyên bố vũ khí Mỹ-NATO đã hiện diện ở Donbass và đưa ra bằng chứng là các loại súng trường M-16, súng ngắn Browning, áo giáp NATO cùng một số quân trang khác mà họ thu được sau trận đánh khốc liệt ở sân bay Donetsk. 

Vị trí chiến lược quan trọng của Kanilingrad

Hành động tăng quân của NATO và viễn cảnh Washington cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, sẽ khiến Moscow có những phản ứng quyết liệt làm gia tăng căng thẳng. Một là Nga có thể công khai viện trợ vũ khí hạng nặng cho ly khai Donbass - được cho là thân Nga, nhưng điều đáng ngại hơn là Moscow sẽ biến Kanilingrad thành tiền đồn chống Mỹ-NATO.

Đại diện của Nga tại NATO Alexander Grushko khẳng định, việc khối này mở thêm nhiều căn cứ quân sự ở đông Âu và thành lập trung tâm huấn luyện chung tại Gruzia là hành động làm gia tăng căng thẳng địa chính trị và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Nga. Moscow sẽ có những phản ứng đáp trả thích đáng với những mối đe dọa này.

Ngày 6-2, Cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Anders Fogh Rasmussen đã đưa ra một nhận định khá lo lắng là nhiều khả năng Nga sẽ can thiệp vào các nước Baltic như một phép thử đối với cam kết phòng thủ tập thể của NATO.

Ông Rasmussen nói: "Ông Putin muốn khôi phục vị thế siêu cường trước đây của Nga. Rất có khả năng ông ta sẽ can thiệp vào khu vực Baltic như một biện pháp để thăm dò Điều 5 trong Hiệp ước Washington. Theo đó, các nước NATO cam kết phối hợp hành động trong trường hợp một quốc gia thành viên bị tấn công.

Hệ thống phòng không S-300 Nga trong cuộc diễn tập ở Kaliningrad

Điều này khá phù hợp với tuyên bố của Đại diện Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương -ông Alexander Grushko đưa ra ngày 6-2 rằng, các mối quan hệ giữa Moscow và liên minh quân sự này "gần như đã đóng băng", sau khi NATO tiếp tục gia tăng sức ép về phía đông nhằm đối phó với Nga .

Nhằm đối phó với sức ép của NATO, rất có thể trong thời gian tới Nga sẽ tăng cường binh lực tới Kanilingrad - vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của nước Nga, trấn giữ huyết mạch trọng yếu của eo biển Baltic. Với vị thế địa-chính trị trọng yếu, Kanilingrad sẽ trở thành con bài quan trọng phá thế bao vây của phương Tây ở đông Âu và Baltic.

Trước khi trở thành vùng lãnh thổ tách rời của Nga ở châu Âu sau Thế chiến II, Kaliningrad, hay còn được biết tới cái tên Konigsberg, từng là vùng lãnh thổ thuộc Đức. Tại Hội nghị Postdam, Konigsberg trở thành một phần lãnh thổ của Liên bang Xô viết, sau khi các quốc gia đồng minh thỏa thuận chia nhau châu Âu.

Mặc dù đóng vai trò như một khu vực quân sự khép kín dưới thời Xô Viết, song Kaliningrad (đặt tên năm 1946) - thủa ban đầu vẫn còn mang đậm yếu tố lịch sử Đức. Nhưng do chính sách trục xuất người Đức và di dân người Nga và Ukraine tới của Liên Xô, yếu tố lịch sử Đức đã dần biến mất.

Hiện nay, người Đức chỉ chiếm 0,8% với trên tổng số 940.000 cư dân tại vùng lãnh thổ tách rời này của Nga, ít hơn rất nhiều so với tỷ lệ 77,9% người Nga, 8,0% người Belarus, 7,3% người Ukraine và 1,9% Lithunia. Điều này là một trong những lý do khiến hiện nay Đức cũng không bao giờ còn nhắc tới "vùng lãnh thổ đã mất" nữa.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskabder-M của Nga đã được triển khai ở Kanilingrad

Với đường biên giới trên bộ giáp Nga và Belarus - quốc gia đồng minh và là địa điểm đặt rất nhiều hệ thống vũ khí tối tân của Nga, dải bờ biển chịu sự khống chế của Hạm đội Baltic của Nga, các quốc gia NATO là Lithuania, Estonia, Litva và Ba Lan đã và đang chịu sức ép rất lớn về mặt quân sự từ Moscow.

Kanilingrad: Mũi dao đâm vào tim NATO

Kaliningrad nằm xen giữa và tiếp giáp với Ba Lan và Lithuania, như một mũi dao đâm vào giữa 2 quốc gia thành viên NATO này, đồng thời là trọng điểm trấn giữ eo biển Baltic, có vị thế chiến lược hết sức quan trọng. Bất cứ một động thái quân sự nào ở khu vực này cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến các nước xung quanh.

Ngày 20-1 vừa qua, Tổng Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov tuyên bố: “Trong năm 2015, những nỗ lực chính của Bộ Quốc phòng sẽ tập trung vào việc tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang để đáp ứng với các kế hoạch xây dựng quân đội. Trong đó, trọng tâm sẽ là Crimea, Kaliningrad và Bắc Cực”.

3 khu vực địa-chính trị quan trọng này mới xuất hiện lần đầu tiên trong Học thuyết quân sự mới của nước Nga, được Tổng thống Nga V. Putin phê duyệt vào ngày 26-12-2014 vừa qua, sau những biến động chính trị lớn ở Ukraine, khiến sức ép của Mỹ và NATO đối với Nga đang ngày một gia tăng.

Kaliningrad là nơi đồn trú của Hạm đội Baltic - một yếu tố cấu thành trọng yếu của Quân khu phía Tây, có Bộ tư lệnh đặt tại thành phố Baltiysk. Hạm đội này có khả năng khống chế hoàn toàn khu vực eo biển Baltic với lực lượng chủ chốt là Lữ đoàn tàu mặt nước 128, Lữ đoàn tàu đổ bộ 71, Lữ đoàn tàu tên lửa 36, Lữ đoàn tàu ngầm 123.

Lực lượng không quân Nga ở khu vực này có các căn cứ không quân Chernyakhovsk và Donskoye. Cả hai căn cứ không quân trên đều có vai trò rất quan trọng, là địa điểm xuất phát của lực lượng máy bay trinh sát, chiến đấu, ném bom, đảm nhận nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, ngăn chặn hoạt động theo dõi trên không ở vùng Baltic của NATO.

Lực lượng đổ bộ của hải quân đánh bộ Nga trong một cuộc tập trận

Gần đây nhất là vào năm 2012, phương Tây đã phát hiện các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander được triển khai ở Kaliningrad. Ngoài ra, có những báo cáo chưa rõ ràng về việc Nga “có thể đã triển khai vũ khí hạt nhân đến Kaliningrad”, sau khi Mỹ tuyên bố về kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Cezch và Ba Lan.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine bùng nổ, Mỹ và NATO tăng cường binh lực đến khu vực Baltic và Ba Lan để kiềm chế Nga. Đáp trả lại, Moscow đã đơn phương chấm dứt một thỏa thuận với Lithuania vốn cho phép cả hai nước giám sát lực lượng vũ trang của nhau vào tháng 5-2014.

Thỏa thuận này là một phần trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, theo đó Lithuania có thể tự do tiếp cận với tất cả các đơn vị vũ trang Nga ở Kaliningrad và ngược lại, Moscow được phép giám sát tất cả các lực lượng quân sự của Vilnius.

Như vậy, những cơ chế hợp tác và giám sát lẫn nhau giữa Nga và NATO đã bị hủy bỏ, dẫn tới những căng thẳng tiếp theo khi cả hai bên đều liên tiếp tăng cường các hoạt động diễn tập đáp trả lẫn nhau trong năm 2014.

Đặc biệt là Nga đã huy động tới đây cả máy bay ném bom tiền tuyến Su-34 và máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, đồng thời tăng cường cho Hạm đội Baltic tới hơn 20 chiến hạm, lực lượng phòng không cũng được bổ sung sức mạnh với các hệ thống tên lửa tối tân S-300 và S-400.

Tuy các các quan chức quân sự và học giả Moscow nhiều lần khẳng định rằng Kaliningrad không phải là mối đe dọa với các quốc gia láng giềng (toàn bộ thuộc NATO), nhưng với những động thái mới nhất của phương Tây và cả của Nga, có thể khẳng định chắc chắn rằng Kanilingrad sẽ là mũi dao sắc nhọn đâm vào tim NATO nếu khối này tằng cường binh lực đến đông Âu để uy hiếp Moscow.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo baodatviet.vn