Nên tăng số lượng đại biểu chuyên trách

TP - Quốc hội khóa tới (khóa XIII) cần được cải tiến theo hướng tăng số lượng đại biểu chuyên trách; giảm đại biểu từ các cơ quan hành pháp, tư pháp; có thể xây dựng cơ quan độc lập xây dựng và trình dự luật, tạo điều kiện để cá nhân đại biểu có thể trình dự luật.
TS Đinh Xuân Thảo
Sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội đi bầu cử Quốc hội khóa XII . Ảnh: Minh Hoàn - Hồng Vĩnh

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chia sẻ với Tiền Phong nhân quá trình chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, chuẩn bị kiến nghị về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIII.

Khuyến khích đại biểu và ủy ban thuộc Quốc hội trình dự luật

Công tác xây dựng luật nhiệm kỳ XII này có những tiến bộ nào, thưa ông?

Công tác xây dựng pháp luật vừa qua có nhiều tiến bộ. Về mặt số lượng, Quốc hội khóa XII đã thông qua 64 luật, 11 nghị quyết có chứa đựng quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 15 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật.

Đây là một số lượng văn bản pháp luật rất lớn so với những khoá trước và so với thời gian hoạt động của Quốc hội khoá này.

Một điểm mới nữa là giảm đáng kể luật khung và tình trạng luật chờ nghị định.

Ông có nói đến việc là từ trước đến nay chưa có đại biểu nào trình dự án luật để Quốc hội xem xét và thông qua. Tại sao lại có chuyện này, thưa ông?

Lâu nay chúng ta thường xây dựng bộ luật, đạo luật đồ sộ. Như vậy, việc nghiên cứu chuẩn bị rất công phu và rất tốn kém, và phải có bộ máy thực hiện. Mặt khác, thông thường các cơ quan quản lý và điều hành xã hội xuất phát từ thực tiễn mới hiểu rõ phải làm thế nào và họ đưa ra điều luật dựa trên thực tế đó.

Tất nhiên, Quốc hội trong quá trình hoạt động cũng có thể đề xuất đưa ra các dự luật phù hợp. Chẳng hạn hoạt động giám sát - chức năng riêng của Quốc hội nên Quốc hội hiểu rõ nhất thì đại biểu Quốc hội hoặc cơ quan của Quốc hội có thể soạn thảo và trình một dự án luật về lĩnh vực này.

Xu hướng là Quốc hội sẽ đi sâu vào từng lĩnh vực riêng, chuyên sâu để giám sát cho nên tôi tin rằng sắp tới các ủy ban sẽ chủ trì soạn thảo và trình những dự luật trong lĩnh vực của mình.

Có phải do quá đồ sộ, hàn lâm, kinh viện và phải dựa vào hướng dẫn thực hiện bằng các văn bản dưới luật nên luật được thông qua chậm đi vào cuộc sống, thưa ông?

Đúng như vậy. Luật nước ta nhìn chung đi vào cuộc sống rất chậm, tuổi thọ lại không cao. Điều đó có nhiều nguyên nhân.

TS Đinh Xuân Thảo .

Lý do là trong quá trình nghiên cứu xây dựng luật, khâu tổng kết đánh giá làm chưa kỹ, hoặc cơ quan soạn thảo mới chỉ chú ý đến một số nội dung có tính phổ biến của lĩnh vực đó chứ chưa nghiên cứu sâu sắc và toàn diện. Do đó, khi ban hành luật có một số quy định đi vào cuộc sống nhanh, nhưng có nội dung quy định lại rất khó thực hiện.

Tuy vậy, cũng cần phải thấy thực tế rằng ngay cả ở các nước phát triển có lịch sử lập pháp lâu đời, việc xây dựng luật pháp cũng có bước đi, lộ trình. Có thể nói nước ta hiện nay đang trong giai đoạn vừa ban hành luật mới, vừa bổ sung, sửa đổi luật đã có.

Nên dành chỗ cho đại biểu chuyên trách

Theo ông có nên giảm số lượng đại biểu là quan chức cơ quan hành pháp, tư pháp trong Quốc hội?

Ở nhiều nước, nếu đã là nghị sĩ thì thôi là thành viên chính phủ và ngược lại. Điều đó đảm bảo sự khách quan cơ chế thực thi quyền lực. Ở nước ta, luật không quy định bắt buộc các thành viên chính phủ phải là ĐBQH, nhưng thông thường ở các khóa, thành viên Chính phủ đa số là ĐBQH, và Thủ tướng luôn luôn là đại biểu Quốc hội.

Nghề gì cũng cần có thời gian, cũng phải có đào tạo. Một hai năm đầu của nhiệm kỳ còn bỡ ngỡ, khi quen rồi lại đến lúc kết thúc nhiệm kỳ và bầu người mới vào. Điều đó rất lãng phí

Điều này có mặt thuận là các đại biểu Quốc hội làm ở cơ quan hành pháp, tư pháp sẽ đóng góp tích cực trong hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, sẽ có mặt không thuận trong thực hiện chức năng giám sát.

Từ đặc điểm đó, để tăng số đại biểu chuyên trách, có ý kiến kiến nghị nên giảm bớt số đại biểu kiêm nhiệm làm việc tại cơ quan hành pháp và tư pháp.

Ông nghĩ sao khi có đại biểu phàn nàn rằng họ yêu cầu thông tin từ một bộ, ngành cụ thể, nhưng không được đáp ứng?

Hiến pháp cũng như luật xác định rất rõ là ĐBQH được quyền yêu cầu cung cấp thông tin. Trong nhiệm kỳ vừa rồi, yêu cầu của ĐBQH cũng được đáp ứng khá nhanh và có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức hữu quan.

Tuy nhiên, yêu cầu cung cấp thông tin của các cơ quan Quốc hội nói chung hay Viện Nghiên cứu lập pháp nói riêng, tức là dưới danh nghĩa cơ quan, gửi đến cơ quan hay cá nhân cơ quan hành pháp, chưa được đáp ứng thật sự nghiêm chỉnh, kịp thời và đầy đủ.

Có phải vì thế mà một số đại biểu khi phát biểu hay chất vấn trong nghị trường lấy thông tin chủ yếu qua báo chí, thậm chí hỏi để biết thông tin chứ họ không chủ động về thông tin đó?

Điều đó thực sự cũng có. Những đại biểu hay phát biểu thường chủ động tìm hiểu sâu thông tin. Họ nắm rất chắc thông tin mới phát biểu trên hội trường. Nhưng cũng có đại biểu thiếu thông tin và nguồn chủ yếu của họ là dựa trên báo chí.

Vì thế, chất vấn hay phát biểu của họ lại trở nên thiếu tự tin và để biết thêm thông tin là chính. Điều này cho thấy cơ chế cung cấp thông tin là một mặt, nhưng mặt khác bản thân ĐBQH chưa có điều kiện tìm hiểu thông tin.

Lại quay về vấn đề năng lực ĐBQH?

Đúng vậy. Việc tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII cũng cần nêu vấn đề đó. Thực tế, ĐBQH kiêm nhiệm là nhiều, chuyên trách lại ít (chưa đến 1/3 tổng số ĐBQH). Trong số đại biểu kiêm nhiệm lại có nhiều cơ cấu với đầy đủ các thành phần dân tộc, phụ nữ, giới tính... Cho nên phải nói năng lực làm đại biểu của một số đại biểu cũng đáng bàn.

Đại biểu phải có năng lực mới nhìn nhận được thực trạng vấn đề đó. Hướng mà tổng kết nhiệm kỳ vừa rồi có đề nghị là nâng cao tiêu chuẩn chất lượng ĐBQH để hoạt động hiệu quả, trong đó có cả kinh nghiệm, trình độ học vấn.

Về độ tuổi, có người đề nghị nên chọn đại biểu có độ tuổi từ 40 trở lên để đảm bảo kinh nghiệm và độ từng trải, sẽ thuận lợi trong hoạt động đại biểu trước cử tri cũng như tại nghị trường. Tuy nhiên điều này cần tiếp tục nghiên cứu.

Ngoài ra, cần có hướng chuyên nghiệp hóa ĐBQH. Nghề gì cũng cần có thời gian, cũng phải có đào tạo. Một hai năm đầu của nhiệm kỳ còn bỡ ngỡ, khi quen rồi lại đến lúc kết thúc nhiệm kỳ và bầu người mới vào. Điều đó rất lãng phí.

Cho nên cần tăng số đại biểu tái cử, đại biểu chuyên trách. Các đại biểu có năng lực, kinh nghiệm tất nhiên sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Các ý kiến tích cực mà ông vừa nói liệu có được thực hiện trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa tới không, thưa ông?

Những điều tôi vừa nêu, trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ sẽ được đề cập để kiến nghị cố gắng thực hiện. Tuy nhiên không thể cùng một lúc giải quyết mọi thứ bởi còn phải cân nhắc nhiều điều, cần có quá trình chuyển đổi phù hợp.

Xin cám ơn ông.

Hải Hà
Thực hiện

Theo Báo giấy