> Nỗi lo của người nhiều ruộng
Luật Đất đai. Ảnh: Xuân Phú.
Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, xung quanh vấn đề làm thế nào để người dân tích cực sản xuất và tạo hiệu quả cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhu cầu cao, diện tích giảm
Đất nông nghiệp nói chung đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp do phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa. ĐBSCL là vựa lúa của đất nước, vậy xin PGS cho biết tình hình sử dụng đất nông nghiệp hiện như thế nào?
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT trong 10 năm (2000-2009) diện tích đất lúa ở ĐBSCL giảm 217,8 ngàn ha, riêng trong 5 năm (2005-2009) giảm 34,8 ngàn ha.
Nguyên nhân chủ yếu do chuyển đất lúa sang đất phi nông nghiệp và nội bộ ngành nông nghiệp. Nhu cầu lương thực cao trong khi diện tích giảm đã làm gia tăng vòng quay của đất lúa từ 1,9 năm 2000 đến 2,1 năm 2009. Tốc độ gia tăng vòng quay đất lúa ở ĐBSCL cao hơn so với trung bình cả nước (1,8).
Nhìn chung đất nông nghiệp được người dân đang khai thác khá hiệu quả, ngày càng có khuynh hướng thâm canh, tuy vậy phí sản xuất càng ngày càng tăng, suy thoái tài nguyên và môi trường sản xuất ngày càng nhiều thì cũng gấy bất lợi cho nông dân.
Quỹ đất nông nghiệp tại ĐBSCL cũng đang bị quá trình biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng. Ông đánh giá như thế nào về đất nông nghiệp tại ĐBSCL trước hiện tượng thiên tai này?
Đất nông nghiệp của ĐBSCL có thể chia theo 3 vùng sinh thái khi nó liên quan đến ảnh hưởng của BĐKH chủ yếu do tác động của mặn vùng ven biển, theo cửa sông và hệ thống kinh rạch, vùng giữa bị ngập úng và vùng thượng nguồn bị lũ lụt.
Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, trong đó ĐBSCL do cao trình thấp nên đây là vùng dự báo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trước tình hình đất nông nghiệp bị thu hẹp mà nhu cầu lương thực ngày càng tăng, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nhằm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, rõ ràng Việt Nam cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc quản lý sử dụng nguồn tài nguyên đất của mình nhằm đem lại lợi ích cao nhất?
Theo kịch bản về biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên Môi trường, cứ 10 năm thì nước biển dâng khoảng 5cm, đến năm 2070 thì mực nước biển dâng cao khoảng 69cm và 100 cm vào khoảng năm 2100. Dẫn đến hậu quả khoảng 9,3 % đất đai sẽ bị ngập và khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng.
Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là việc mặn xâm nhập. Hiện nay mặn đã xâm nhập vào đất liền khoảng 30-50km rồi và ảnh hưởng khoảng 1,7 triệu ha đất bị nhiễm mặn hằng năm.
Hiện nay Chính phủ cũng đang có nhiều giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu. Trước mắt, cần các tác động của khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp để giảm thiểu tác động và từng bước thích ứng. Chẳng hạn biện pháp giống cây trồng chịu mặn, kháng hạn, quản lý thủy lợi, hệ thống canh tác thích hợp, nâng cao sinh kế nông dân,...
Về mặt quản lý, việc liên kết vùng và tham gia “4 nhà” đã được viện/trường chú tâm và đang đề xuất Chính phủ phê duyệt, vừa nâng cao sản xuất lúa, tăng thu nhập nông dân đồng thời ứng phó biến đổi khí hậu tại vùng trọng điểm an ninh lương thực quốc gia.
Trong các số gần đây, báo Tiền Phong phản ánh những bất cập trong quản lý đất đai, khai thác đất nông nghiệp dẫn đến người dân thiếu đất canh tác, phải đi thuê đất đai, không chủ động được nguồn tài nguyên đất đã ảnh hưởng sản lượng, chất lượng của nông sản và đời sống của nông dân. Ông nhận xét về vấn đề này ra sao?
Ở ĐBSCL vấn đề bất cập trong quản lý đất đai cần có những tổng kết và nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, các bất cập quản lý vĩ mô như sở hữu đất đai, thời hạn sử dụng đất, vấn đề khai thác đất nông nghiệp liên quan chặt chẽ đến hiệu quả sử dụng đất.
Nông hộ sử dụng hiệu quả đất đai sẽ sở hữu đất tốt hơn so với nông hộ có trình độ quản lý kém, làm ăn không có kĩ thuật và thiếu hiệu quả dẫn đến phải bán hay cầm cố đất.
Thực tế trong nhiều năm qua, các chương trình hỗ trợ vốn tín dụng, kỹ thuật nông nghiệp thông qua chương trình khuyến nông, sản lượng nông sản và chất lượng của nông sản được gia tăng rất có ý nghĩa.
Tuy nhiên tiến trình phân hóa và tích tụ đất đai trong nông thôn vẫn xảy ra. Điều này như là lẽ đương nhiên vì nó tùy thuộc nhiều vào trình độ quản lý và canh tác ở mức độ cá thể.
Vấn đề là giải quyết phát triển kinh tế nông thôn, đào tạo nghề, mở rộng dịch vụ, công nghiệp ở vùng nông thôn để chuyển dịch lao động do tiến trình phân hóa và tích tụ đất đai tạo ra.
Làm được điều này cũng sẽ dẫn tới được lợi ích cả đôi bên, hiệu quả sản xuất sẽ tăng lên khi quy mô đất đai gia tăng trong khi nhóm người bán đất trong quá trình tích tụ đất đai đời sống của họ vẫn tốt hơn nếu họ cứ tiếp tục sản xuất nông nghiệp khi trình độ quản lý và kỹ thuật kém không theo kịp yêu cầu của thị trường.
Muốn khai thác tối ưu phải có chủ sở hữu
Việc quản lý đất nông nghiệp chưa hiệu quả thời gian qua gây ra không ít phức tạp trong đời sống nông thôn như kiện tụng xảy ra nhiều, quỹ đất nông nghiệp thường xuyên bị đe dọa xâm hại… đòi hỏi phải có những điều chỉnh. Nhiều ý kiến cho rằng cần sớm xác lập quyền sở hữu đất nông nghiệp cho nông dân.
Vấn đề đang nằm ở chỗ vênh nhau giữa hình thức và nội dung của quyền sở hữu đất đai. Tại ĐBSCL hầu như không có miếng đất nông nghiệp nào là không có chủ sở hữu.
Nội dung là như vậy, trong khi hình thức theo luật đất đai thì họ chỉ sở hữu trong thời hạn hiện nay là 20 năm, sau đó sẽ làm thủ tục để tiếp tục sử dụng tiếp, và nếu cứ như thế thì chẳng qua là đất đó đã thuộc sở hữu của họ, của con cháu họ vì luật đã công nhận quyền thừa kế.
Điều gây ra bất cập là quyền trưng dụng, thu hồi đất được giao cho các cấp chính quyền quản lý thực hiện quyền này, và nhiều bất cập đã xảy ra như mọi người đã biết thông qua các vụ khiếu kiện ngày càng nhiều.
Do vậy, để giải quyết những bất cập này thì nên chọn một trong 2 giải pháp một cách rõ ràng đó là hoặc xác lập quyền sở hữu đất vĩnh viễn, hoặc quy định nghiêm ngặt quyền thu hồi đất và thực hiện việc thu hồi đất của các cơ quan quản lý nhà nước.
Người nông dân sở hữu đất nông nghiệp đảm bảo cho việc đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đồng thời tránh việc người nông dân mất đất, không còn tư liệu sản xuất dẫn đến bất ổn xã hội. Theo ông, việc cho người dân được quyền sở hữu đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng tích cực như thế nào đến người nông dân ĐBSCL?
Như tôi đã nói, xác lập quyền sở hữu đất đai ban đầu cho người dân không liên quan quá trình mất đất của họ, vì nếu họ có sở hữu nhưng do quản lý kém, làm ăn không hiệu quả thì họ vẫn phải bán đất.
Tuy nhiên, về nguyên tắc khai thác đất đai tối ưu cũng như các loại tài nguyên khác, thì mọi tài nguyên phải có chủ sở hữu.
Trong trường hợp đất nông nghiệp, người sử dụng đất trực tiếp và lâu dài (do tính thừa kế) thì tốt hơn hết là nên giao quyền sở hữu lâu dài (hay vĩnh viễn) cho người nông dân. Điều này sẽ tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất tối ưu vì các lý do sau đây: thứ nhất, người dân sẽ quản lý tốt hơn và linh động trong chọn lựa kiểu sử dụng đất trên vùng sinh thái được quy hoạch và khuyến cáo của nhà nước cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai là họ sẽ đầu tư tốt hơn cho sản xuất lâu dài mà không sợ rủi ro do việc thu hồi đất nếu có xảy ra như trong điều kiện hiện nay. Thứ ba là họ sẽ giảm thiểu chi phí xã hội do các bất cập, khiếu kiện xảy ra khi không xác lập quyền sở hữu và lũng đoạn trong việc thu hồi đất.
Thứ tư, thực hiện quan điểm của Đảng về lo cho đời sống nông dân, nhất là việc thực hiện chính sách “tam nông” sẽ hiệu quả hơn.
Một khi người nông dân sở hữu tư liệu là đất đai, thì vấn đề đất công do nhà nước quản lý cũng là vấn đề được quan tâm. PGS có ý kiến gì về vấn đề này?
Nhà nước cũng là một chủ thể và đất công cũng là một tài nguyên nhà nước cần phải có. Vấn đề là quản lý, khai thác và cơ chế để giám sát việc sử dụng đất công có hiệu quả cho lợi ích quốc gia.
Không thể giao hết nguồn tài nguyên đất đai cho các cá thể.
Cám ơn ông.
Trong trường hợp đất nông nghiệp, người sử dụng đất trực tiếp và lâu dài (do tính thừa kế) thì tốt hơn hết là nên giao quyền sở hữu lâu dài (hay vĩnh viễn) cho người nông dân.
PGS có những kiến nghị gì về nghiên cứu khoa học đối với việc quản lý đất nông nghiệp nói chung và đất nông nghiệp tại ĐBSCL trong thời gian tới?
Theo tôi, có một số vấn đề liên quan cần nghiên cứu sớm:
(1) Thời hạn sử dụng đất liên quan đến tâm lý đầu tư sản xuất, hiệu quả sản xuất đất nông nghiệp như thế nào?
(2) Thực trạng quy mô đất đai, tích tụ đất đai và vấn đề mất đất ở ĐBSCL. Giải pháp cho sinh kế bền vững của nhóm người mất đất?
(3) Quy mô đất đai sản xuất tối ưu ở ĐBSCL đối với những vùng chuyên canh lúa, vùng đa dạng sản xuất và quy mô nông hộ nhỏ.
(4) Các dạng liên kết đất đai như cánh đồng mẫu lớn: hiệu quả kinh tế và xã hội.
(5) Giá trị cơ hội đất nông nghiệp trong sản xuất và giá thành sản phẩm có ý nghĩa như thế nào trong nâng cao thu nhập của người sản xuất.
(6) Nâng cao sức sản xuất của nông dân.
Trần Nguyễn Anh thực hiện