Theo báo cáo của Tổ chức cố vấn chuyên nghiên cứu về chiến tranh RAND Corporation, với những gì NATO đang có hiện nay thì tổ chức này không thể bảo vệ được các khu vực lãnh thổ của những nước thành viên dễ bị tổn thương nhất. Nếu phải đối đầu với Nga ở Baltic thì dù có nhiều quân hơn và sở hữu nhiều vũ khí hơn thì NATO và Mỹ vẫn sẽ là bên thua trận.
Trong nhiều cuộc tập trận giả định diễn ra trong năm 2014 và 2015, các lực lượng của Nga dễ dàng tiến công vào các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania. Quân đội các nước này với sự giúp sức của Mỹ cũng không đủ khả năng để ngăn cản bước tiến của Nga. Chỉ trong vòng từ 36 đến 60 giờ đồng hồ, quân đội Nga đã “gõ cửa” thủ đô Tallinn của Estonia và thủ đô Riga của Latvia.
Bản báo cáo của RAND cũng chỉ ra rằng việc NATO có thể bị Nga hạ gục nhanh chóng “sẽ khiến liên minh này có ít sự lựa chọn, và tất cả đều là những lựa chọn tồi”.
RAND đưa ra 3 lựa chọn mà Mỹ và NATO có thể có nếu muốn đối đầu với Nga. Đầu tiên, Mỹ và các đồng minh NATO có thể tìm cách thực hiện một cuộc tấn công đẫm máu. Điều này sẽ châm ngòi cho những leo thang căng thẳng từ phía Nga bởi Moscow coi đó là một mối đe doạ trực tiếp đến Nga.
Lựa chọn thứ 2 mà Mỹ và NATO có thể xét đến là đe dọa thực hiện những đòn trả đũa toàn diện, trong đó có việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Lựa chọn thứ ba sẽ là tạm thời thừa nhận thất bại và sau đó khởi động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Moscow.
Tuy nhiên, báo cáo của RAND cho rằng NATO có thể tính toán trước những bước đi giúp liên minh này giảm bớt “thiệt hại” khi phải đối đầu với Nga. Ví dụ, NATO có thể triển khai 7 sư đoàn đóng tại khu vực Baltic, trong đó có 3 sư đoàn bọc thép hạng nặng được hậu thuẫn bởi các đơn vị không quân và pháo binh. Điều này sẽ giúp ngăn chặn viễn cảnh các nước Baltic nhanh chóng bị Nga chiếm đóng.
Cũng theo bản báo cáo trên, NATO đã bị bao vây bởi một nước Nga đang nổi lên mạnh mẽ và ngày càng khó đoán. RAND cho biết, Nga đã tăng cường chi tiêu quân sự sau khi đồng ý cho sáp nhập bán đảo Crimea.
Trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm nhập của Nga vào vùng Baltic, Mỹ và các đồng minh không có đủ quân hay xe tăng, xe bọc thép để làm chậm lại bước tiến của lực lượng thiết giáp Nga, hai tác giả của bản báo cáo, ông David Shlapak và Michael Johnson, nhận định.
Tuy nhiên, theo bản báo cáo của nhóm cố vấn nói trên, có những bước đi tính toán từ trước mà Mỹ và Liên minh Châu Âu có thể thực hiện để giúp họ tránh được một thất bại bẽ bàng trước Nga và tăng cường phòng thủ sườn phía đông của NATO cũng như cho Nga thấy rõ rằng nước này sẽ không có được chiến thắng dễ dàng. Một lực lượng như vậy sẽ tiêu tốn của NATO ít nhất là 2,7 tỷ USD mỗi năm.
Trước đó ngày 2/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố kế hoạch đưa thêm vũ khí hạng nặng và phương tiện bọc thép đến các khu vực ở Đông Âu nhằm trang bị đầy đủ vũ khi cho hai sư đoàn đang đóng tại biên giới phía đông của NATO. Một khoản ngân sách trị giá 3,4 tỉ USD đã được Nhà Trắng phê duyệt dành cho các hoạt động của lực lượng Mỹ ở Đông Âu.