Nạn hát hò

TP - Lại rộ lên cuộc chiến với nạn karaoke tự phát khắp vỉa hè, thôn xóm, đến nỗi từ báo chí đến cấp lãnh đạo quản lý nhiều nơi phải gọi đó là những “hung thần”. Thành phố Hồ Chí Minh đang quyết dẹp “hung thần” karaoke tự phát, không biết có giải quyết triệt để được không? 
Quan sát, thấy rằng người Việt đa phần thường hát hò trong và sau khi nhậu nhẹt. Tức là phải có tý men trong người, nhu cầu thể hiện cá nhân mới xuất lộ. Còn bình thường hay “lẫn” vào đám đông, ít bày tỏ quan điểm, chính kiến kể cả lúc họp hành, thảo luận rất cần phát biểu.

Trong khi ngay từ các bộ lạc xa xưa đến các dân tộc hiện nay, hát múa chỉ diễn ra trong các lễ hội, những sự kiện mang tính cộng đồng. Thời xưa, có khái niệm “lễ nhạc”. Lễ nhạc không chỉ có chốn cung đình, vương phủ, mà ngay với quần chúng bình dân, lễ nhạc vẫn luôn hiện hữu. Trong những hội hè, những nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng. Làng xã luôn có những chiếu chèo, chòi hát (bài chòi), có gánh đờn ca tài tử, người hát có người xem người nghe hào hứng tán thưởng. Trong nhạc có lễ, mang ý nghĩa tôn trọng, hòa hợp giữa âm nhạc và người thưởng thức. Chứ đâu có cảnh từng nhóm người xúm nhau nhậu nhẹt nhếch nhác rồi lôi loa ra vỉa hè “gào thét” tra tấn bao nhiêu người khác thâu đêm suốt sáng. 

Chứng tỏ mức độ văn minh hơn hẳn của những cư dân sống nơi rừng núi, so với đông đảo thị dân vẫn tự cho mình đã “phát triển”.

Karaoke loa kéo “tra tấn” lẫn nhau đang ngày một rộ lên rộng khắp, có lẽ còn cần nhìn nhận dưới khía cạnh tâm lý học. Tâm lý con người thời hiện đại. Bởi ngẫm thấy đó không hẳn là thứ âm nhạc “tươi vui thời thái bình” theo quan niệm của Nguyễn Trãi. Có lẽ đa phần chúng ta đang mắc phải căn bệnh “hàm ca” (uống rượu say sưa hát hò) chăng? Kiểu ngậm ngùi “Cảm hoài” thời xưa của Đặng Dung “Thế sự du du nại lão hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” (Sự đời dằng dặc mà ta đã già rồi, biết làm sao đây/ Mênh mông trời đất thu vào trong cuộc rượu hát nghêu ngao). Hay như Nguyễn Khuyến “Bệnh nhãn kiêm chi trần nhiễu thậm/ Bế môn bất xuất diệc hàm ca” (Mắt mờ lại thêm bụi quẩn mù mịt/ Đóng cửa chẳng ra ngoài lại hát say)?

Tâm thế con người thời hiện đại dù được sự hỗ trợ không còn thiếu thứ gì bởi đủ thứ phương tiện công nghệ, nhưng vẫn báo hiệu nỗi chông chênh không tránh khỏi. Với những bất ổn đã và đang tấn công vào loài người. Và một trong những phản ứng của người Việt chúng ta, là mượn công dụng của những chiếc loa kéo.

Nếu vậy, vấn đề sẽ không đơn giản chỉ là quản lý, là xử phạt hay tịch thu những phương tiện gây ô nhiễm tiếng ồn. Mà vấn đề sâu xa đằng sau tiếng ồn ấy, là gì? “Phương thuốc” nào để chữa?