Tốn hơn 20 triệu đồng chỉ để mua nước "chưa sạch"
Cuối tháng 10/2022, Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (Thôn Đông Phượng - xã Cẩm Lĩnh) đã bắt đầu diễn ra tình trạng thiếu nước để sinh hoạt và sản xuất. Do đặc thù công việc của gia đình làm đậu phụ tươi để buôn bán và chăn nuôi gia súc, suốt 8 tháng nay gia đình ông phải chấp nhận mua nước sinh hoạt từ một số gia đình chở nước bán trên địa bàn xã.
Vào những dịp cao điểm như tháng 6 vừa qua, mỗi ngày gia đình ông phải mua 3 đến 4 xe nước với mức giá 200.000 nghìn/ 3 khối nước. Gần đây, do trời mưa nhiều nên gia đình tiết kiệm tiền mua nước bằng cách sử dụng chung nước giếng của hàng xóm. “Đến bây giờ gia đình đã phải mất đến hơn 20 triệu chỉ để mua nước", con trai ông Hùng chia sẻ.
Chung tình trạng với nhà ông Hùng, nhà ông Phùng Bể (Thôn Đông Phượng - xã Cẩm Lĩnh) cũng phải mua số lượng lớn nước để phục vụ sinh hoạt. “Thiếu nước lâu, nước rửa rau phải tận dụng để tưới cây, một nước cũng phải rửa hai loại rau. Đợt cao điểm, nhà tôi còn phải gọi trước mấy ngày để đặt sẵn, nhiều khi cãi nhau vì không mua được nước.” ông Bể nói.
Tại địa bàn xã Cẩm Lĩnh, anh Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) là một trong 6 người có dịch vụ chở nước sinh hoạt phục vụ cho nhu cầu mua nước của người dân địa phương và một số xã lân cận. Do nhu cầu cao của người dân, bên cạnh công việc cố định là vận chuyển vật liệu xây dựng, vài năm gần đây, cứ đến mùa khô là anh làm thêm cả công việc chở nước. Anh Tuấn cho biết, trung bình mỗi ngày chở khoảng 20 xe nước; có thời điểm phải làm việc từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu trên địa bàn xã.
“Nguồn nước thiếu thốn phải đi xa mới có, công việc mệt nhọc thức khuya dậy sớm, tôi cũng cố gắng nhưng nhiều gia đình gọi nước 3,4 ngày mới chở được", anh Tuấn bộc bạch. Như trong chính xóm của anh Tuấn có khoảng gần 70 hộ dân thì có tới hơn 80% gia đình hết nước sinh hoạt.
Ghi nhận tại địa phương, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt đã diễn ra từ trước Tết Nguyên Đán. Mức giá mua nước cũng tuỳ vào thời điểm khan hiếm nước nhưng đa số giao động từ 150.000 đến 250.000 đồng/3 khối nước. Không chỉ riêng địa bàn xã Cẩm Lĩnh mà một số xã lân cận như Phú Sơn, Bằng Tạ, Vô Khuy,... cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Vì đâu nên nỗi?
Điều đáng nói là tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra, khi mà người dân xã Cẩm Lĩnh cùng các địa phương lân cận lại đang nằm giữa hai công trình cấp nước có quy mô lớn nhất miền Bắc. Tuy nhiên, do chưa thể đấu nối đường ống nước nên suốt thời gian qua, người dân lại không được sử dụng nước máy.
Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Phùng Công Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh cho biết, do lượng mưa ít, nguồn nước không đảm bảo dẫn đến việc thiếu nước trên địa bàn xã do đặc thù sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm tại địa phương.
Theo ông Tuyên, Công ty Cổ phần Quảng Tây đã bắt đầu triển khai hệ thống nước sạch trên địa bàn xã với việc thí điểm ở 4 thôn là Đông Phượng, Ngọc Nhị, Tân An, Cẩm Tân. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống nước sạch đang được triển khai với các thủ tục được đẩy nhanh tiến độ, bước tiếp theo là lắp công tơ và từng bước đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, ông Đỗ Mạnh Hưng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt có diễn ra trong thời gian qua do thời tiết nắng nóng. Về việc đảm bảo nguồn nước sạch lâu dài cho người dân, ông Hưng cho hay đã có kế hoạch triển khai. Tuy nhiên một số xã còn phải chờ xin cơ quan chủ quản của Bộ như Bộ Nông nghiệp, Cục Thuỷ lợi... để cấp nước qua sông và qua đê.
Theo ông Hưng, vấn đề này đang được tích cực đẩy mạnh nhưng chưa làm được. "Hiện huyện đang cho triển khai lắp đồng hồ nước để ngay khi xin được thoả thuận sẽ chỉ cần cấp đấu nối là người dân có nước sử dụng ngay. Còn lại một số xã miền núi ở xa trung tâm thì phải tới tháng 8 năm nay mới có thể thực hiện", ông Hưng thông tin.
Trước tình trạng hết nước trên, một số người dân cho rằng, ngoài việc nước ngầm cạn kiệt do thời tiết nguyên nhân do dự án nạo vét dòng sông Tích đi qua địa bàn xã cũng làm mực nước ngầm tại xã bị ảnh hưởng.