Myanmar háo hức chờ dân chủ

TP - Cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên của Myanmar trong 25 năm diễn ra hôm qua trong bầu không khí vui vẻ, tuy vẫn còn một số quan ngại khi nước này đang đứng trước ngưỡng cửa thời kỳ dân chủ.
Một cô gái cười tươi khi bỏ lá phiếu tại điểm bầu cử.

Đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi được dự báo giành phần lớn số phiếu ủng hộ. Nhưng những di sản còn sót lại của thời kỳ quân chủ khiến bà Suu Kyi không có cơ hội trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử, ngay cả khi Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng áp đảo, giới quan sát nhận định. Khoảng 30 triệu người đủ điều kiện đi bỏ phiếu để bầu ra 664 nghị sĩ trong tổng số hơn 6.000 ứng viên của trên 90 đảng.

Đã xuất hiện một số lo ngại về tính công bằng của cuộc bầu cử sau khi các nhà hoạt động ước tính có đến 4 triệu người không thể đi bỏ phiếu. Trước thềm bầu cử, NLD nói rằng, một số lượng lớn phiếu thừa được phát ở một số khu vực, thậm chí một gia đình nhận được 38 phiếu, Reuters đưa tin. Mâu thuẫn tôn giáo giữa nhiều tín đồ Phật giáo theo chủ nghĩa dân tộc và nhóm Hồi giáo thiểu số ở Myanmar cũng ảnh hưởng đến ý nghĩa bầu cử. Trong số những người không được phát phiếu bầu có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Rohingya không có quốc tịch. Việc bỏ phiếu tại khoảng 600 điểm làng, chủ yếu thuộc bang Shan, bị hoãn vì cuộc chiến chưa dứt giữa các nhóm vũ trang người thiểu số với quân đội. Con số thương vong ở bang này đang tăng lên khi nhóm SSA cho rằng, quân đội đang thực hiện chiến dịch tấn công liên tục để ép họ ký một hiệp ước ngừng bắn trên toàn quốc, AP đưa tin.

Tuy nhiên, các cử tri vẫn hân hoan với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên từ khi chính phủ bán dân sự thay thế chế độ quân chủ năm 2011. “Tôi đã làm bổn phận của mình để tạo ra sự thay đổi, cho sự trỗi dậy của dân chủ”, Reuters dẫn lời bà Daw Myint - một giáo viên 55 tuổi ở Yangon. Chiếc xe chở bà Suu Kyi nhích qua đám đông phóng viên chen nhau chụp ảnh bên ngoài điểm bỏ phiếu ở Yangon - nơi nữ chính trị gia 70 tuổi giành giải Nobel Hòa bình đến để bỏ phiếu. Khuôn mặt bà Suu Kyi không biểu lộ cảm xúc trong khi nhóm vệ sĩ vất vả dẹp đường. “Chiến thắng! Chiến thắng!”, đám đông ủng hộ reo vang khi người phụ nữ với bông hoa cài trên tóc bước vào trong.

Một số cử tri bày tỏ lo ngại quân đội liệu có chấp nhận kết quả bầu cử nếu đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng. Tại thủ đô Naypyitaw, Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing hôm qua nói rằng, sẽ không có việc tái chạy đua như trong cuộc bầu cử tự do cuối cùng năm 1990, khi bà Suu Kyi giành chiến thắng nhưng quân đội phớt lờ kết quả. Bà Suu Kyi chịu quản thúc tại gia trong suốt 20 năm tiếp theo và được trả tự do năm 2010. Trả lời câu hỏi về cảm xúc nếu NLD giành chiến thắng lần này, ông Min Aung Hlaing nói: “Nếu người dân lựa chọn họ, không có lý do gì chúng tôi không chấp nhận”.

Quyền lực vững chắc của quân đội

Các điểm bỏ phiếu đóng cửa lúc 4h chiều qua (giờ địa phương), nhưng giới chức Myanmar cho biết chưa thể có bức tranh tổng thể trước sáng 9/11. Theo giới quan sát, ngay cả khi cuộc bầu cử được coi là tự do và công bằng thì 1/4 ghế ngồi trong nghị viện vẫn nằm trong tay các quan chức quân đội không cần qua bầu cử. Để lập chính phủ mới và lựa chọn tổng thống, NLD phải giành được 2/3 số ghế, nhưng Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền cần ít số ghế hơn nhiều để giữ được sự hậu thuẫn của quân đội trong quốc hội.

Ngay cả khi NLD chiến thắng, quân đội vẫn giữ lại quyền lực đáng kể với quyền nắm giữ những vị trí cấp bộ trưởng chủ chốt. Hiến pháp cho phép quân đội nắm quyền kiểm soát chính phủ trong những trường hợp cụ thể, và quân đội cũng nắm nền kinh tế thông qua quyền sở hữu các công ty.

An ninh được thắt chặt trong ngày bầu cử, với 40.000 cảnh sát được huấn luyện đặc biệt canh giữ tại các điểm bỏ phiếu, trong khi nhiều nhà hàng và chợ ở cố đô Yangon phải đóng cửa. Wa Gyi, chủ một quầy bán đồ ăn đi động, nói rằng, ông được yêu cầu phải nghỉ bán trong ngày hôm qua. “Chúng tôi thấy không sao. Đó là đóng góp của chúng tôi cho sự trỗi dậy của nền dân chủ”, Reuters dẫn lời ông Wa Gyi.