Mỹ - Nga đối thoại 'hạ nhiệt' Ukraine

TP - Hai ngoại trưởng Nga và Mỹ hôm qua gặp mặt tại Pháp nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao giảm căng thẳng ở Ukraine. Trong khi đó, Thượng viện Nga cân nhắc biện pháp tịch thu tài sản của các công ty Mỹ và châu Âu để đối phó nỗ lực trừng phạt Nga của phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) nói rằng, phương Tây nêu gương xấu khi ủng hộ biểu tình bạo lực ở Kiev. Ảnh: Independent

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng cấp Mỹ John Kerry đêm 5/3 (theo giờ Việt Nam) tại Paris, bên lề hội nghị về tình hình Li-băng. Cuộc gặp ở Paris được đánh giá là cơ hội để các bên tìm giải pháp cho khủng hoảng ở Ukraine. NATO và Nga cũng có các cuộc đối thoại tại Brussels.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ muốn các nhà quan sát độc lập đến điểm nóng Crimea và Kiev đối thoại trực tiếp với Mátxcơva. Họ cũng cho rằng, Nga sẽ kêu gọi những khu vực nói tiếng Nga có nhiều đại diện hơn trong chính phủ mới của Ukraine.

Hôm qua, Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng, đại diện Nga đã không xuất hiện tại một cuộc họp với Ukraine ở Paris, nên ông “không lạc quan” về triển vọng cuộc gặp Kerry-Lavrov. “Nếu chúng tôi không đạt được tiến bộ nào thì sẽ phát sinh chi phí và hậu quả”, ông Hague ngụ ý các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp dụng với Nga.

Ngày 5/3, hãng tin Nga Ria-Novosti dẫn lời ông Andrei Klishas, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật - Hiến pháp của Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), cho biết, các luật sư nước này đang nghiên cứu xem dự luật tịch thu tài sản của các công ty Mỹ và châu Âu có phù hợp với hiến pháp hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa được đề cử là ứng viên cho giải Nobel Hòa bình 2014. Giám đốc Viện Nobel Na Uy, ông Geir Lunderstad, cho biết, tổng cộng 278 ứng viên, trong đó có 47 tổ chức, được đề cử cho giải Hòa bình năm nay. Tuy nhiên, cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ được tính đến khi lựa chọn ứng viên xứng đáng nhất.

Một cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4/3 nói rằng, chính quyền nước này sẽ đưa ra khuyến cáo bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, nếu các công ty và cá nhân ở Nga bị phương Tây áp biện pháp trừng phạt.

Theo số liệu của Kho bạc Mỹ vào cuối năm 2013, đầu tư từ Nga vào trái phiếu chính phủ Mỹ có tổng trị giá 139 tỷ USD trong tổng số 5.800 tỷ USD nợ của chính phủ Mỹ trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tuần này, các quan chức Mỹ và châu Âu cảnh báo rằng, hành động của Nga ở Ukraine có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt kinh tế và phong tỏa tài sản. Ngoại trưởng Kerry nói với báo chí rằng, Mỹ và các đồng minh đang chuẩn bị “cô lập Nga”.

Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) hôm 5/3 xác nhận đã đưa 35 quan sát viên quân sự từ 18 quốc gia châu Âu tới Ukraine theo yêu cầu từ Kiev. Mỹ và Anh thông báo có cử đại diện tham gia lực lượng này. Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, EU sẽ cung cấp cho Ukraine khoản hỗ trợ tài chính trị giá 15 tỷ USD.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso nói rằng, gói viện trợ nhằm giúp “một chính phủ cam kết, hòa nhập và cải cách xây dựng lại tương lai ổn định và thịnh vượng cho Ukraine”. Gói hỗ trợ này sẽ được cung cấp trong 2 năm từ ngân sách của EU và các tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở ở EU.

Ngày 5/3, ông Alexei Miller, lãnh đạo tập đoàn khí đốt Nga Gazprom (nhà sản xuất khí thiên nhiên lớn nhất thế giới), thông báo, khoản tiền mua khí đốt mà Ukraine nợ tập đoàn này sắp tăng thêm 440 triệu USD lên tổng số 2 tỷ USD. Tại một cuộc họp chính phủ Nga, ông Miller nói với Tổng thống Putin rằng, ông đã nhận được thông báo từ đối tác Ukraine là Ukraine không thể thanh toán tổng số nợ tính đến tháng 2, Ria-Novosti đưa tin.

Nga không kiểm soát Crimea

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mới đây nhấn mạnh sự khác biệt giữa Nga với các nước phương Tây, rằng phương Tây đã nêu gương xấu khi hỗ trợ người biểu tình mà một số trong đó giờ đã trở thành thành viên nội các sau nỗ lực “đảo chính bằng vũ lực”. Phát biểu tại Madrid sau khi đối thoại với Ngoại trưởng Tây Ban Nha, ông Lavrov nói rằng, Nga sẽ không cho phép đổ máu ở Ukraine, rằng người dân Ukraine và Crimea tự quyết định họ có muốn các giám sát viên quốc tế hay không.

Theo một số báo cáo chưa được xác minh, lực lượng Nga đã chiếm quyền kiểm soát hai địa điểm phòng thủ tên lửa trên bán đảo Crimea. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm 5/3 nói rằng, việc phương Tây cho đăng báo những bức ảnh chụp thiết bị quân sự và binh sĩ ở Crimea với chú thích họ đến từ Nga là “hành động gây hấn”.

Ông Shoigu nói rằng, không có thông tin nào cho thấy những người phong tỏa các cơ sở quân sự ở Crimea được trang bị vũ khí và không có dấu hiệu nào cho thấy những người mặc quân phục không huy hiệu ở Crimea liên quan đến quân đội Nga, hãng thông tấn Nga Itar-Tass đưa tin. Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng, Mátxcơva không có quyền dẹp “các lực lượng tự vệ” đang bảo vệ những địa điểm trọng yếu ở Crimea.

Hôm qua, cờ Ukraine lại tung bay trên tòa nhà chính quyền ở thành phố Donetsk của Ukraine, thay thế cờ Nga 5 ngày qua. Những người làm việc trong tòa nhà này từng phải sơ tán vì có đe dọa đánh bom. Trong bài phát biểu đầu tiên kể từ khi nhận chức Thủ tướng tạm quyền của Ukraine, ông Arseney Yatsenyuk, nói với hãng thông tấn Mỹ AP rằng, Crimea vẫn phải thuộc về Ukraine, nhưng có thể sẽ được trao thêm quyền tự quyết.

Ngày 5/3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo sẽ phóng thêm hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong tháng này, sau khi tên lửa RS-12M Topol mang theo một đầu đạn tiên tiến được phóng thành công từ miền nam nước Nga hôm 4/3.

Kênh truyền hình PressTV phát bằng tiếng Anh có trụ sở ở Iran mới đây phát chương trình phỏng vấn ông Scott Rickard, từng là nhà phân tích tình báo Mỹ, về khủng hoảng ở Ukraine. Ông Rickard nói rằng, Mỹ và phương Tây đạo diễn phong trào biểu tình bạo lực lật đổ chính phủ Ukraine từ mấy năm trước. “Bạn biết không, phương Tây, chỉ tính riêng chính phủ Mỹ thôi, đã đầu tư hơn 5 tỷ USD (cho việc đạo diễn cuộc nổi dậy)…, để đạt mục đích kinh tế và địa chính trị”, ông Rickard nói. Theo ông này, phương Tây nỗ lực lôi kéo Ukraine và một số cựu thành viên Xô-viết về phía NATO và đưa họ vào EU.

Theo báo chí phương Tây ngày 5/3, Quốc hội Ukraine đã xem xét việc nước này tái khởi động việc gia nhập NATO. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói rằng, Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hợp tác quân sự với Ba Lan và các nước Baltic để bày tỏ ủng hộ Ukraine.

Việt Nam mong Ukraine sớm ổn định Ngày 5/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước những diễn biến vừa qua tại Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình tại Ukraine và mong muốn Ukraine sớm ổn định, mọi vấn đề được giải quyết trong khuôn khổ pháp luật, vì lợi ích của nhân dân Ukraine, vì hòa bình, phát triển tại khu vực và trên thế giới. Việt Nam hết sức quan tâm và đề nghị Ukraine có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng và tài sản cho cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm ăn tại Ukraine”.