Ông Hagel tuyên bố: “Chúng ta đang tiến vào một kỷ nguyên mà sự thống trị của Mỹ trên biển, bầu trời, không gian và đặc biệt là không gian mạng khó duy trì lâu dài… Không có gì bảo đảm xu hướng vượt trội của chúng ta trong tương lai. Trong các trận chiến tương lai, quân đội của chúng ta có thể phải đối mặt kho vũ khí tân tiến, những đột phá công nghệ cản trở các công nghệ tiên tiến của chúng ta, giới hạn tự do hành động và đẩy mạng sống của người Mỹ vào nguy hiểm”.
Mỹ đang phải vật lộn với nhiều thách thức an ninh quốc gia từ khủng hoảng Ukraine, những hiểm họa chưa từng có nổi lên ở Trung Đông, đến tình trạng căng thẳng ở biển Đông.
Theo The Diplomat, ý đồ của chiến lược quân sự mới là nhằm giữ cho Mỹ thế thượng phong quân sự trong bối cảnh ngân sách quốc phòng bị cắt giảm. Một trong các giải pháp của chiến lược là tăng cường sức mạnh của các đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.
Trang tin Defense News đưa tin, Nhật Bản lên kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hệ thống phòng thủ hiện tại của Nhật Bản nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa nào, bao gồm hạm đội trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ cung cấp.
Nhật Bản đang xem xét bổ sung hệ thống phòng thủ khu vực pha cuối tầm cao (THAAD), đồng thời nâng cấp các hệ thống Aegis và tên lửa tối tân PAC-3. Nhật Bản cũng đang xem xét các hệ thống cảnh báo sớm trong không gian. THAAD là một chủ đề nhạy cảm ở Đông Bắc Á khi cũng liên quan cả đồng minh Hàn Quốc, thiết lập một thỏa ước phòng thủ tay ba nhằm đối phó Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ mua thêm hai khu trục hạm tối tân mang tên lửa dẫn đường lớp Atago. Các tàu này sẽ gia nhập hải quân Nhật Bản giai đoạn 2020-2021. Quan trọng hơn sẽ là 42 chiến đấu cơ F-35 cùng 3 máy bay tiếp dầu trên không cho phép Nhật Bản có khả năng phát động các cuộc tấn công phủ đầu.
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn ở biển Đông, chính quyền Philippines vừa quyết định chi 2 tỷ USD cho quốc phòng từ nay đến năm 2017. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã thông báo quyết định trên nhằm bắt Philippines theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự trước tình hình phức tạp trên biển Đông và nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan nổi lên trong nước.
Bộ Quốc phòng Philippines dự định mua sắm các hệ thống tên lửa phòng không, máy bay vận tải C-130T Hercules, máy bay tuần tra tầm xa, máy bay cường kích, trực thăng chống ngầm, tàu hộ tống và xuồng đổ bộ. Quân đội Philippines cũng bổ sung đạn dược, khí tài thông tin và hệ thống nhìn đêm.
Kể từ năm 2010, chi phí quốc phòng của Philippines liên tục tăng. Gần 4 năm qua, nước này thông qua tổng cộng 46 chương trình mua sắm, trong đó có các máy bay cường kích FA-50 Golden Eagle, trực thăng đa nhiệm Bell 412 và UH-1 Iroquois, trực thăng tiến công hạng nhẹ AW109 và tàu tuần tra.