Mỹ cảnh giác tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông

TP - Trung Quốc vừa công bố kế hoạch hành động chiến lược phát triển tài nguyên (2014-2020), trong đó có khả năng khai thác dầu khí tại khu vực tranh chấp ở biển Đông trong vòng 6 năm tới, sản xuất 10 triệu tấn dầu mỗi năm. Mỹ đang giám sát kỹ các động thái trên, trang tin Đa Chiều của Hoa kiều đưa tin.

Trung Quốc đang cải tạo, mở rộng đá Chữ Thập. Ảnh: IHS Jane’s

Từ cuối năm 2013, Trung Quốc đã gấp rút tăng tốc các dự án cải tạo, xây đảo nhân tạo ở biển Đông. Những hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17/11 cho thấy bãi đá Chữ Thập hiện có diện tích 1,3 km2. Tuần báo Anh Jane’s Defence Weekly gần đây công bố hình ảnh vệ tinh ghi nhận Trung Quốc đã mở rộng đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất ở Trường Sa. Theo Đa Chiều, diện tích mở rộng đổ bê tông sẽ được sử dụng làm đường băng. Quân đội Trung Quốc cũng đang xây dựng một cầu cảng mới phía đông đá Chữ Thập đủ khả năng đón tàu chở dầu cỡ lớn và các chiến hạm. 


Theo Đa Chiều, từ các dự án xây đảo nhân tạo, động thái xây dựng sân bay, cũng như việc mời thầu khai thác dầu khí, có thể thấy việc giải quyết tranh chấp một cách xây dựng dường như không có trong nghị trình của Trung Quốc. 

Theo Đa Chiều, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực và những động thái mới đây thể hiện Trung Quốc đang thúc đẩy kế hoạch khai thác tài nguyên ở biển Đông. Năm 2009, Philippines, Malaysia và Việt Nam phản đối bản đồ 9 đoạn Trung Quốc nộp cho Liên Hợp Quốc mà Bắc Kinh sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với hầu như toàn bộ biển Đông. Tháng 8, Mỹ kêu gọi “đóng băng” mọi hành động phá vỡ hiện trạng khu vực. Ngày 21/11, Washington lại kêu gọi Trung Quốc ngừng cải tạo đá Chữ Thập. 

Ngày càng cứng rắn

Trang tin Đa Chiều cho rằng, quân đội Trung Quốc hiện nay thường xuyên kiểm soát khu vực và một sân bay đang được xây dựng sẽ gia tăng hỗ trợ đường không. Biển Đông quan trọng với Trung Quốc cả về phương diện chiến lược quân sự lẫn phương diện tài nguyên và nguồn lợi hải sản. Những động thái cứng rắn của Bắc Kinh từ năm ngoái đến nay đã được lên kế hoạch từ lâu. Ngay từ năm 2006, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu phát triển giàn khoan nước sâu có thể khai thác dầu khí ở độ sâu 3.000m. 

Theo Đa Chiều, sau Đại hội Đảng lần thứ 18, Trung Quốc càng thúc đẩy mạnh mẽ mục tiêu trở thành cường quốc biển. Bộ Chính trị chỉ đạo tăng tốc nghiên cứu chiến lược biển. Thăm Hy Lạp tháng 6, Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu tiên phác thảo tầm nhìn chiến lược biển của Trung Quốc. Thăm Mỹ trong thời điểm Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa Việt Nam, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy tuyên bố: “Việc khoan dầu gần quần đảo Hoàng Sa phải tiếp tục”. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh lớn tiếng: “Không có chỗ thương lượng” về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực.
Các vụ va chạm gần đây giữa chiến hạm và chiến đấu cơ của Mỹ và Trung Quốc trong vùng cho thấy Bắc Kinh đang củng cố yêu sách chủ quyền ngày càng cứng rắn hơn trước.

Dù luôn khẳng định cam kết phát triển hòa bình từ khi tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc có vẻ không ngần ngại dùng vũ lực để khẳng định yêu sách chủ quyền ở biển Đông, trang tin Đa Chiều nhận định.