Mua theo nhóm có 'chìm' dần?
> Khách hàng của Nhóm mua khóc dở mếu dở
> Tân CEO Nhóm Mua từ nhiệm
> 'Nhóm Mua' bị điều tra, khách hàng mua voucher tính sao?
Trong giai đoạn vừa qua đã bung ra rất nhiều website mua theo nhóm, sau đó cũng "chết" rất nhiều...
Sau biến cố tại công ty Nhóm Mua, rất nhiều khách hàng mua theo nhóm đã bị nhà cung cấp dịch vụ từ chối tiếp nhận voucher (phiếu giảm giá).
Và hiện tại, dù Nhóm Mua thông báo hoạt động trở lại hôm 24-12-2012, nhưng cũng còn không ít khách hàng chưa thể biết chính xác những cửa hàng nào chấp nhận sử dụng lại voucher tại công ty mua theo nhóm được cho là có thị phần và thương hiệu lớn nhất tại Việt Nam này.
Một câu hỏi được đặt ra, liệu mô hình mua theo nhóm ở Việt Nam có "chìm" dần khi mà rủi ro lớn nhất của mô hình này chính người tiêu dùng lại phải gánh chịu?
Trả lời câu hỏi trên của PV, ông Nguyễn Thế Tân, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam (VC Corp), một đơn vị cũng có website đang hoạt động theo mô hình mua theo nhóm, nói:
Trước hết phải xác định bản chất mua theo nhóm xuất phát từ mô hình Groupon (Mỹ) đang bị biến đổi, không còn gọi mua theo nhóm nữa mà là mô hình bán lẻ giảm giá.
Mục đích chính của mô hình đầu tiên là nhà cung cấp bán hòa hoặc bán lỗ, để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Nhưng gần đây, mô hình đã biến đổi. Ngoài việc nhà cung cấp sử dụng chương trình khuyến mại bán lỗ hoặc bán hòa để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, còn nhiều trường hợp khác như khách sạn, spa… không đủ công suất nên người ta bán lấp chỗ trống, nhờ vậy giá giảm rất nhiều.
Thực chất ở đây không phải bán để giới thiệu dịch vụ mà bán hàng tồn kho, và các nhà cung cấp có sản phẩm ở dạng tồn kho cũng xả hàng, thậm chí bán thấp hơn giá thành để thu hồi vốn. Vì thế đã và đang xuất hiện nhiều hàng hóa trên mô hình mua theo nhóm.
Đứng từ góc độ của thị trường thì mô hình này phát triển từ dịch vụ, gồm cả hàng hóa và đang chuyển hướng sang là bán lẻ, giảm giá. Bản thân người dùng có lợi và nhà cung cấp có lợi. Vì thế, về bản chất lợi ích của các bên gồm cả người tiêu dùng, các nhà cung cấp và các website sàn giao dịch đều được lợi cả.
Hai điểm yếu
Nhưng cách thức mua bán dịch vụ, hàng hóa của mô hình mua theo nhóm dường như đang đẩy mọi rủi ro về phía người tiêu dùng đấy chứ?
Thực ra khách hàng có bị đẩy về mình nhiều rủi ro hay không là do cách kết cấu hợp đồng của từng công ty.
Nhiều công ty có cách kết cấu hợp đồng là thanh toán bằng phiếu giấy. Khách hàng sẽ mua một phiếu giấy của công ty mua theo nhóm, sau đó cầm phiếu giấy đó đến sử dụng dịch vụ hàng hóa của nhà cung cấp, nhà cung cấp mới gom toàn bộ phiếu giấy đó lại và thanh toán. Thời gian gom phiếu càng lâu thì việc thanh toán càng chậm.
Trong đó, nhiều kết cấu hợp đồng giữa công ty và nhà cung cấp quy định thời hạn sử dụng phiếu là hai tháng, và như thế hai tháng anh mới gom phiếu đi thanh toán một lần, nghĩa là nhà cung cấp cho công ty mua theo nhóm đó nợ trong vòng hai tháng, vì thế, rủi ro của nhà cung cấp sẽ bằng tổng giá trị trong vòng hai tháng.
Tuy nhiên, cũng có công ty thực hiện kết cấu hợp đồng hơi khác, chỉ 7 ngày sau khi khách hàng mua voucher, công ty mua theo nhóm sẽ thanh toán cho nhà cung cấp 20% tổng số tiền và 20 ngày sau sẽ thanh toán tiếp với tổng cộng là 80% số tiền đã thu được từ khách hàng. Với hệ thống là phiếu điện tử nên cứ đến đúng ngày, hai bên mở hệ thống ra đối soát với nhau và chuyển tiền.
Vì thế, rủi ro của nhà cung cấp trong khoảng thời gian này rất nhỏ, chỉ bằng 20% tổng giá trị đơn hàng, thời gian gặp rủi ro chỉ 10-15 ngày và giá trị rủi ro tối đa là 20%. Với kết cấu hợp đồng này, nhà cung cấp sẽ không có động lực từ chối đẩy rủi ro cho khách hàng, vì bản chất họ cầm được khoản tiền 80% rồi, không lý do gì lại không cho khách hàng sử dụng dịch vụ, hàng hóa.
Việc các công ty mua theo nhóm giữ lại 20% là để đảm bảo nhà cung cấp phục vụ khách hàng, vì nó có thể còn rủi ro ngược lại nếu nhà cung cấp cầm 100% tiền và từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì lúc đấy đi đòi tiền rất khó. Mỗi thành phần đều có sự ràng buộc lẫn nhau.
Như vậy, tùy từng công ty, nếu kết cấu hợp đồng của công ty với nhà cung cấp tương đối lành mạnh thì thị trường sẽ được chấp nhận và người tiêu dùng sẽ không bị đẩy rủi ro về. Chính cách kết cấu hợp đồng sẽ tạo an toàn hơn cho khách hàng.
Tất nhiên, không có mô hình nào là hoàn hảo. Mô hình mua theo nhóm cũng có những điểm yếu và hạn chế nhất định.
Cụ thể những điểm yếu đó là gì, thưa ông?
Có hai điểm yếu quan trọng.
Thứ nhất, do dễ làm, dễ gia nhập cho nên sinh ra hàng trăm website hòa nhập, tham gia thị trường. Khi có quá nhiều như thế thì đồng nghĩa với việc có website có chất lượng kém, làm ăn không đàng hoàng, và từ đấy gây ảnh hưởng xấu tới thị trường, giống như đầu số SMS một thời. Đó là điểm bất lợi cho thị trường.
Trong giai đoạn vừa qua đã bung ra rất nhiều website mua theo nhóm, sau đó cũng "chết" rất nhiều. Thị trường đang trong giai đoạn sàng lọc, số lượng website giảm bớt nhiều, nhiều công ty không làm ăn được, không dễ như họ tưởng và tự rời khỏi thị trường.
Điểm yếu thứ hai của mô hình là, bản chất website đứng ra thu tiền trước của người tiêu dùng sau đó thanh toán lại cho nhà cung cấp, trong thời gian người tiêu dùng không dùng dịch vụ ngay. Vì vậy, các sàn giao dịch được nắm vốn trước và khi đó tạo ra rủi ro cho người tiêu dùng cũng như voucher.
Trong trường hợp công ty làm ăn không cẩn thận hoặc hợp đồng với nhà cung cấp với lộ trình thanh toán không được tốt thì lập tức, khi công ty gặp khó khăn về tài chính sẽ đẩy rủi ro về nhà cung cấp (voucher). Và khi nhà cung cấp gặp rủi ro về tài chính (chưa nhận được tiền từ công ty mua theo nhóm) thì hành động đầu tiên là đẩy rủi ro cho người tiêu dùng, tức người tiêu dùng sẽ không được chấp nhận thanh toán để sử dụng dịch vụ, hàng hóa.
Điểm dở thứ hai và là điểm yếu chính của mô hình.
Mình cứ làm tốt...
Sau những “sự cố” trên thị trường mua theo nhóm thời gian qua, niềm tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử nói chung và mua theo nhóm nói riêng, vốn vẫn mong manh liệu có dễ vỡ hơn?
Sau khi nhiều công ty mua theo nhóm đóng cửa, chắn chắn lòng tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử sẽ giảm, điều đó cũng sẽ gây bất lợi cho ngành thương mại điện tử.
Theo tôi, những công ty còn lại nếu tiếp tục làm ăn nghiêm túc, có chất lượng thì sớm muộn cũng lấy lại được uy tín cho thị trường. Mình cứ làm tốt thì cuối cùng thị trường cũng thừa nhận, tuy có nghi ngờ băn khoăn nhất định.
Điều đó, nghĩa là theo ông, thị trường mua theo nhóm cửa vẫn rộng mở?
Thị trường mua theo nhóm vẫn bền vững vì “đánh” đúng vào nhu cầu giảm giá. Trong khi, giảm giá là nhu cầu chung của tất cả các doanh nghiệp và sàn giao dịch thương mại khai thác nhu cầu giảm giá đấy. Còn nhu cầu của người tiêu dùng thì lúc nào cũng có rồi. Vì thế tính bền vững của mô hình là lâu dài.
Đây là một thị trường quan trọng, giúp doanh nghiệp xả hàng tồn kho, giới thiệu sản phẩm mới, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp khai thác hết công suất của những điểm còn chỗ trống.
Hiện tại thị trường chưa phát triển hết quy mô và nó sẽ bứt phá sau đó mới giảm xuống. Vì chưa hết quy mô nên chưa chững lại và đi xuống. Tất nhiên, sẽ có một số công ty làm ăn kém bị đào thải khỏi thị trường, những công ty tốt sẽ tiếp tục được duy trì bởi đây là thị trường bền vững. Nếu nhiều công ty làm ăn tốt, nghiêm túc thì thị trường sẽ bền vững hơn, ngược lại người tiêu dùng có thể sẽ quay lưng lại với thị trường.
Vậy để thị trường mua theo nhóm ở Việt Nam phát triển với đúng tiềm năng, theo ông cần hội tụ những yếu tố như thế nào?
Các doanh nghiệp mua theo nhóm muốn làm ăn, phát triển trước hết phải tập trung vào chất lượng. Hiện nay nhiều doanh nghiệp chạy đua chiếm thị phần và bằng mọi giá, dẫn đến rủi ro, một số đơn vị làm suy giảm chất lượng, một số công ty khác lại dùng quá nhiều tiền để cạnh tranh và bị lỗ.
Muốn phát triển thì phải lành mạnh, trong đó công ty phải đảm bảo chất lượng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng và phải có một lợi nhuận tổi thiếu. Còn quá nhiều công ty như hiện nay để lâm vào tình trạng bán lỗ để chiếm thị phần, hoặc kiếm lợi nhuận từ chất lượng thấp thì đều là những yếu tố phá hủy thị trường.
Vừa rồi tôi có làm việc với Sở Công Thương Hà Nội và đưa một số ý kiến về mua theo nhóm để làm thế nào đảm bảo cho người tiêu dùng.
Tôi cho rằng, thứ nhất, trong lúc bán hàng thông tin phải được minh bạch tối đa giúp người dùng hiểu được sản phẩm để mua, hiểu và nhận biết được tất cả các rủi ro phát sinh, để lường được mặt lợi mặt hại, cũng như biết trước được sản phẩm mua sẽ như thế nào.
Và thứ hai, nếu có những quy định tốt để hai bên doanh nghiệp và sàn giao dịch bán lẻ giảm giá ký với nhau hợp đồng và cấu trúc hợp đồng tốt, đảm bảo rủi ro cho người tiêu dùng là tối thiểu thì sẽ tạo nên sự lành mạnh, phát triển cho thị trường.
Còn xu hướng chuyển dịch giữa dịch vụ sang bán lẻ, giảm giá sẽ phát triển theo hướng như thế nào, theo ông?
Đây là xu hướng quốc tế hóa, nhưng ở Việt Nam diễn ra rất nhanh. Quốc tế bây giờ cũng đang dịch chuyển rất nhiều. Nhiều công ty mang tính chất giảm giá nên đã đổi thuật ngữ. Ngày càng xuất hiện nhiều công ty chuyên bán lẻ, giảm giá cho sản phẩm và đã tăng trưởng rất nhanh. Bản thân Groupon gốc bây giờ cũng chuyển sang bán sản phẩm, trước dịch vụ là chính.
Tỷ trọng bán lẻ, giảm giá hàng hóa hiện phải chiếm tới gần 50% trong tổng doanh thu, dịch vụ vẫn là chính. Dù vậy, xu hướng mua theo nhóm sẽ là bán lẻ, giảm giá.
Theo VnEconomy