Đến nay, trên 330 nhà bị hư hỏng hoặc di dời khẩn cấp (Sơn La 48 nhà, Thái Nguyên 33 nhà, Hà Giang 97 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Lào Cai 30 nhà, Điện Biên 142 nhà); 556 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại...
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng cho biết, do mưa lũ về lớn nên hồ thuỷ điện Lai Châu đã mở 5 cửa xả đáy chiều qua 18/8. Đến 9 giờ sáng nay (19/8), cao trình ở thượng lưu hồ thuỷ điện Lai Châu đạt 294,82 mét, ở hạ lưu đạt 208,35 mét.
Lưu lượng nước về hồ đạt 4.766 m3/giây, lưu lượng xả đạt 4.869 m3/giây, trong đó lưu lượng chạy máy phát điện đạt 1.574 m3/giây, lưu lượng xả tràn qua 5 cửa xả là 3.295 m3/giây.
Về cơn bão số 4, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng nay (19/8), bão số 4 đã đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22 giờ hôm nay, áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), sau đó suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, từ ngày 20/8 đến 22/8, ở khu vực Đông Bắc có mưa to, phổ biến 50-150 mm/đợt, có nơi trên 150 mm/đợt. Từ chiều 20/8 đến ngày 22/8 ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa to đến rất to, phổ biến 100-200 mm/đợt, có nơi trên 250 mm/đợt. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to phổ biến 40-80 mm/đợt.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, lũ thượng lưu hệ thống Sông Hồng-Thái Bình lên 2-6 mét, lũ trên sông Lô báo động 2-3, sông Cầu, sông Thương báo đông 1. Khu vực Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Phú Thọ sẽ có mưa to đến rất to.
Tại cuộc họp với ứng phó với bão và tình hình mưa lũ ngày 19/8, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu cơ quan khí tượng thuỷ văn tiếp tục theo dõi và thông tin kịp thời.
Ông Hoài lưu ý về việc thông tin chính thức về thiếu hụt nguồn nước tháng 10 và lũ kết thúc sớm để có giải pháp điều hành hồ chứa. Đối với các tỉnh ven biển tập trung kiểm đếm tàu thuyền trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Ở các tình miền núi, ông Hoài yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn. “Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra”, ông Hoài nói.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý những địa phương trong vùng mưa lũ, cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ trên các sông để đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa.