Mưa lũ gây thiệt hại lớn ở nhiều nơi

TP - Vụ vỡ đê xảy ra vào khoảng bốn giờ sáng ngày 23-4 tại xã Tân Hội (TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã làm thiệt hại tài sản của hơn 300 hộ dân, làm 200 ha lúa trong thời kỳ trổ bông mất trắng. Tuy nhiên, tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp nhiều tuyến đê cũng đang trong tình trạng báo động, nguy cơ vỡ đê là rất cao.
Dân và quân xã Thường Thới Tiền mang vác vật dụng đi bảo vệ đê bao cứu lúa

> Bão số 4 tiến vào bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi

Trong khi đó, tại hai địa phương này xuất hiện hàng chục điểm sạt lở đang tấn công vào nhà dân và những tuyến đường giao thông.

Dân và quân xã Thường Thới Tiền mang vác vật dụng đi bảo vệ đê bao cứu lúa.
 

Tại huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), có trên 2.600ha lúa thu đông đang bị nước lũ uy hiếp từng giờ. Trên kênh Tứ Thường hiện lũ đổ về rất mạnh, mực nước mấp mé bờ đê chỉ khoảng 30cm trên con đê chung giữa hai xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2. Một số nơi khác, mặt đê cũng chỉ còn cao hơn khoảng 0,5m và đang có hiện tượng nước rò rỉ qua thân đê.

Ông Hồ Văn Số, Trưởng công an xã Thường Thới Tiền cho hay, trong suốt hơn nửa tháng nay, chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ lực lượng để ứng trực 24/24 giờ để gia cố đê bao. Đồng thời vận động người dân đóng góp gạo, thức ăn và một tổ nấu nướng phục vụ cho những người tham gia bảo vệ đê. Hiện số người tham gia bảo vệ đê đã lên đến gần 1.000 người.

Trong khi đó, tuyến đê Tha La (xã Vĩnh Tế, TX.Châu Đốc, An Giang) đã xảy ra sạt lở từ trung tuần tháng 9-2011, với chiều dài tổng cộng đến nay trên 7 km. Sạt lở xảy ra càng mạnh sau khi xả lũ tại cống Tha La và Trà Sư. Nhiều đoạn trên tuyến đê Tha La nước đang dâng cao chảy xoáy vào thân đê rất mong manh, dễ vỡ đe dọa hơn hai ngàn ha lúa.

Trên tuyến QL N1 từ Tịnh Biên (An Giang) đi TX.Hà Tiên cũng đã xảy ra nhiều điểm sạt lở nguy hiểm ven kinh Vĩnh Tế, đe dọa cắt đứt tuyến đường huyết mạnh này. Đặc biệt tại đoạn đường đi qua xã An Nông huyện Tịnh Biên đã có hơn 300m sạt lở liên tiếp tấn công vào sát mé đường N1.

Lưu lượng nước lũ hiện nay ở sông Mekong đang đổ về rất mạnh. Trong vòng 15 ngày tới, dự báo nước lũ sẽ tràn về ĐBSCL với đỉnh điểm là 4,9 m tại Tân Châu và hơn thế nữa, các địa phương không nên lơ là trong công tác ứng phó phòng chống lũ. Lũ có thể vượt mức báo động 5, chỉ thua với đỉnh lũ năm 2.000 là 10cm. Ở Đồng Tháp học sinh ở các trường bị ngập phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tại Quảng Nam, trong ngày 25-9, mưa trên địa bàn Quảng Nam đã giảm, mực nước các sông đã xuống. Riêng mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) lên mức báo động 2 đã xuống mức báo động 1. Mưa lớn tại các huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My đã ngớt, tuy nhiên, nguy cơ lũ quét và sạt lở vẫn rất cao.

Ông Lê Ngọc Kích, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: Còn 14/20 hộ dân thuộc thôn 6 xã Trà Dơn chưa nhận tiền đền bù và chưa chịu di dời khỏi lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. Đây là mối lo ngại lớn nhất của huyện khi tình hình mưa lũ đang diễn ra phức tạp. Trong khi đó, thủy điện sông Tranh 2 đã đóng đập tích nước với cao trình 175m, theo dự báo trong vòng chưa đầy 1 tuần nước lũ sẽ ngập các hộ dân trên.

Tại TT-Huế - Mưa lớn xảy ra nhiều ngày qua tại tỉnh TT- Huế đã gây ách tắc nhiều tuyến giao thông trọng yếu trên địa bàn như Quốc lộ 49A, 49B, đường Hồ Chí Minh và nhiều tuyến tỉnh lộ.

Theo Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện A Lưới, đường Hồ Chí Minh đoạn qua đèo Pê Ke (xã Hồng Vân) đi A Tép (xã A Roàng) xuất hiện nhiều vết nứt gãy nguy hiểm cắt ngang đường.

Theo Báo giấy