Ông nhìn nhận, đánh giá gì về những nội dung tuyên thệ cũng như phát biểu sau khi nhậm chức của tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang?
Tôi cũng như nhiều vị đại biểu khác thấy rất xúc động khi Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước đã thực hiện nghi thức tuyên thệ. Với bài phát biểu tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, chúng tôi rất chú ý. Lời tuyên thệ ấy đã thể hiện được ý chí rất mạnh mẽ trong việc cam kết trước Quốc hội cũng như người dân trên cả nước về đối nội, đối ngoại. Với tư cách là nguyên thủ quốc gia, trách nhiệm vô cùng to lớn, Chủ tịch nước đã thể hiện quyết tâm rất rõ ràng trước Quốc hội, trước nhân dân.
Đăc biệt, Chủ tịch nước đã đề cập đến nội dung mà chúng tôi rất quan tâm khi cam kết, thể hiện quyết tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang để hoàn thành trách nhiệm cao cả trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Đồng chí Trần Đại Quang là một lãnh đạo Đảng cao cấp, đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác về lực lượng vũ trang, có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn toàn có thể đảm đương được nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả của mình.
Nhiều đại biểu còn băn khoăn về vai trò của Chủ tịch nước trong việc thống lĩnh lực lượng vũ trang, dù được quy định trong Hiến pháp, nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Ông kỳ vọng gì về điều này khi chúng ta vừa có tân Chủ tịch nước?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn. Ảnh: Như Ý
Trước hết, chúng tôi hy vọng trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch nước sẽ phát huy thành tích, kết quả đã đạt được của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Tôi mong muốn trong nhiệm kỳ Quốc hội tới sẽ có Luật về Chủ tịch nước để cụ thể hóa tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước. Tôi ví dụ như Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang, quy định này rất quan trọng, được đề cập trong Hiến pháp, tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện còn nhiều khía cạnh khiến Chủ tịch nước chưa thực hiện được. Hiến pháp mới đã quy định cụ thể hơn một bước về chức năng của Chủ tịch nước trong việc phong, thăng, giáng, tước các tướng lĩnh lực lượng vũ trang, nhưng quy trình lại do bên Chính phủ chuẩn bị, còn Chủ tịch nước chỉ thực hiện quyết định, ra quyết định.
Với tư cách là thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước phải có quyền hạn trong việc họp hội đồng tướng lĩnh để bàn về những vấn đề quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước. Hay Chủ tịch nước có quyền hạn như thế nào trong việc quyết định đầu tư, xây dựng về chiến lược, cơ sở vật chất cho lực lượng vũ trang… Tất cả những vấn đề này cần hiện thực hóa bằng luật cụ thể.
Cá nhân ông và nhiều đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Theo ông, điều này có cần phải có chế định cụ thể?
Điều này tôi cũng đã đề cập một cách khái quát, và sau đó đại biểu Lê Như Tiến đã nói rõ hơn về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tôi được biết, Chủ tịch nước cũng như phó chủ tịch nước còn nhiều băn khoăn, mong muốn, thấy rõ nhất là trong các buổi tiếp xúc cử tri, nhưng quyền hạn và trách nhiệm về điều này lại rất khó xác định. Tuy là người đứng đầu thật, nhưng Chủ tịch nước lại không phải người đứng đầu cơ quan phòng chống tham nhũng, điều này cũng cần cụ thể hóa vào trong luật.
Một vấn đề được nhiều người quan tâm là công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhất là trong tình hình biển Đông hiện nay. Về điều này, ông gửi gắm và kỳ vọng gì vào tân Chủ tịch nước?
Khi phát biểu đánh giá nhiệm kỳ Quốc hội, tôi cũng đánh giá một trong những điểm sáng nhiệm kỳ Quốc hội XIII là đã có vai trò to lớn trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước bằng lời nói, hành động, tuyên bố của mình trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong những cuộc gặp gỡ với các nguyên thủ quốc gia thế giới, Chủ tịch nước đã góp phần quan trọng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt trên cương vị nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tôi rất hy vọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ tiếp tục thể hiện được quyết tâm này. Có lẽ đây cũng là kỳ vọng, khát khao của cử tri và nhân dân cả nước. Chủ tịch nước phải là người thể hiện được ý chí, quyết tâm cháy bỏng của nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta.
Tôi cũng mong muốn sau này Chủ tịch nước sẽ là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta biết nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay có những ông vua, tuy không trực tiếp điều hành, nhưng lại là biểu tượng của dân tộc, của khối đại đoàn kết toàn dân.
Ở nước ta, trong các nhiệm kỳ trước, chúng ta đã thấy, ví dụ như Bác Hồ, Bác Tôn bao giờ cũng xuất hiện như biểu tượng của sự thống nhất của đất nước, dân tộc. Nhìn vào vị đứng đầu đất nước, vào nguyên thủ quốc gia, người ta thấy được niềm tin vào tương lai của đất nước. Trong nhiệm kỳ này, chúng ta cũng phải thấy được một Chủ tịch nước như vậy.
Cảm ơn ông.
Một số công việc trọng tâm
Thưa Chủ tịch, là nguyên thủ quốc gia trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đồng chí sẽ tập trung giải quyết những công việc gì để hoàn thành tốt nhất trọng trách được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin cậy giao phó?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi sẽ nỗ lực, đem hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Đảng phân công, tập trung một số công việc trọng tâm sau:
- Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
- Phối hợp chỉ đạo thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phục vụ mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
- Chú trọng cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo cho các tầng lớp nhân dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Trích từ bài Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN )