ĐB Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: Không được sợ mất cán bộ
Đứng trước lá cờ Tổ quốc, bàn tay đặt lên Hiến pháp đưa ra những lời tuyên thệ có giá trị rất lớn lao. Nó nhắc nhở các chức danh lãnh đạo suốt nhiệm kỳ rằng, đã tuyên thệ về điều đó thì phải nỗ lực mà thực hiện. Quốc hội, nhân dân đã ghi nhận lời tuyên thệ đó thì cũng có trách nhiệm giám sát xem việc thực hiện ra sao.
Do đó, trong kỳ họp Quốc hội này, tôi mong muốn Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ tuyên thệ chống tham nhũng, lãng phí mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Khi Thủ tướng đã tuyên thệ như thế thì chắc chắn Thủ tướng sẽ tìm mọi giải pháp để đấu tranh và đẩy lùi thực trạng tham nhũng, lãng phí vốn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, muốn đấu tranh với tham nhũng hiệu quả thì phải thực hiện từ trên xuống và từ trong ra ngoài. Đặc biệt, không được sợ mất cán bộ, vì có làm gương thì mới tạo ra sức mạnh răn đe và phòng ngừa vi phạm.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Giá mà xử lý cán bộ sớm…
Khi thảo luận về báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi nói: Giá mà Thủ tướng sớm xử lý kỷ luật một số vụ có lẽ tình hình tham nhũng, lãng phí sẽ cải thiện hơn. Thực tế, hiện nay có một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ, công quyền tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng xảy ra ở khu vực kinh tế, Nhà nước, gây thất thoát và lãng phí hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng, có nguyên nhân từ việc chúng ta không xử lý ngay từ đầu, dẫn đến sai phạm nhỏ biến thành lớn.
Vì thế, tôi mong rằng, quản lý hành chính Nhà nước trong nhiệm kỳ tới đây phải được thực thi một cách nghiêm khắc hơn. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế nên sự đụng chạm đến “lợi ích” là rất lớn.
Điều đó, đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải có bàn tay sắt để bảo vệ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chính phủ phải sẵn sàng xử lý, trừng trị, điều chuyển, thay đổi cán bộ. Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các thứ trưởng, bộ trưởng, phó chủ tịch, chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi cũng ủng hộ và mong muốn các chức danh lãnh đạo Nhà nước sau khi được bầu hãy tuyên thệ mạnh mẽ về phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, nếu lãnh đạo sẵn sàng tuyên bố: “Tôi không tham nhũng” thì càng tốt hơn. Căn cứ vào đó, tập thể, Quốc hội, quần chúng nhân dân sẽ giám sát, và điều đó chắc chắc sẽ tạo ra những sự thay đổi, hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình): Thời điểm cải cách
Chính phủ nhiệm kỳ mới trên cơ sở sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19, xây dựng chương trình hành động tổng thể cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho cả nhiệm kỳ 5 năm và trình ra Quốc hội. Đây cũng là thời điểm thích hợp để Quốc hội có thể xem xét một nghị quyết về chương trình hành động cải cách như thế và đảm bảo tính đồng bộ, khả năng thực thi cao hơn, đồng thời tăng cường vai trò giám sát thúc đẩy cải cách thể chế của Quốc hội. Tôi nghĩ làm được điều này Quốc hội sẽ chung tay được với Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách, vượt qua được lực cản của các nhóm lợi ích và sự trì trệ cố hữu của một số cơ quan hành chính, tạo ra làn sóng cải cách lần thứ hai trong nền kinh tế nước ta.
Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách: Kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách
Trong 5 năm qua, áp lực đối với việc quản lý tài chính ngân sách rất lớn, đặc biệt trong việc giảm thu để hỗ trợ tăng trưởng. Nợ công của chúng ta tăng cao, đáng chú ý là nợ Chính phủ đã lên đến 50,3% GDP, vượt mức Quốc hội cho phép (50% GDP). Trong tình hình đó, tôi đề nghị trong thời gian tới, việc thực thi chính sách tài khóa thắt chặt phải trở thành một chỉ tiêu chung, phải được quán triệt trong các chương trình hành động của Chính phủ. Hơn lúc nào hết, giảm tỷ lệ bội chi, giảm dư nợ công là một vấn đề cấp bách, một nhiệm vụ trọng tâm.
Trước mắt, tôi đề nghị phải rà soát lại chính sách thu, điều chỉnh cơ cấu thu cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, giảm dần tỷ lệ chi thường xuyên, tăng cường chi đầu tư phát triển và chi trả nợ, từng bước làm lành mạnh hóa ngân sách Nhà nước. Đặc biệt Chính phủ phải tập trung vào đổi mới, cải tiến quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp, xác định rõ vai trò của Nhà nước là Nhà nước kiến tạo.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Tinh gọn bộ máy
Chính phủ cần phải rút kinh nghiệm và xây dựng tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước ở các cấp, làm sao cho tinh gọn, hiệu quả, thực sự phục vụ nhân dân hơn. Các bộ trưởng, thành viên Chính phủ được Quốc hội được bầu cũng cần phát huy tốt nhất tính năng động, lợi thế tuổi trẻ và sức bật mới, dám nghĩ dám làm, dám đề xuất những gì có lợi cho dân, cho nước. Đồng thời cần chấn chỉnh bộ máy ngay trong bộ, ngành của mình và tăng cường kiểm tra ở các địa phương. Trên cơ sở đó mạnh dạn đề xuất kỷ luật cán bộ các cấp các ngành không làm đúng vai trò công vụ của mình. Chỉ cần nâng cao tính kỷ luật, xử lý nghiêm một số trường hợp sẽ có tác dụng răn đe. Về tân Thủ tướng Chính phủ tới đây, tôi tin và cũng kỳ vọng sẽ tập trung ưu tiên cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật về công vụ.
____________
Văn Kiên - Luân Dũng (ghi). Ảnh: Như Ý