Lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), theo ý kiến của Ủy ban Pháp luật, dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 3 kỳ họp Quốc hội và 1 lần lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, ngay tại Kỳ họp thứ 8 tới đây, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này đối với những vấn đề chung có tính chất nguyên tắc, làm cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện để công bố lấy ý kiến nhân dân.
Nhấn mạnh rằng, đây là bộ Luật gốc, có tầm quan trọng đối với toàn xã hội, chỉ sau Hiến pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu UBTVQH thảo luận kỹ, cần làm rõ sẽ lấy ý kiến dân về vấn đề gì, chứ không thể đưa cả Bộ Luật ra lấy ý kiến.
Về quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì Tòa án nhân dân không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp chưa có điều luật thì Tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm “Tòa án và các cơ quan khác bao giờ cũng giải quyết theo Hiến pháp, do vậy phải tôn trọng nguyên tắc “giải quyết bất kỳ sự việc gì phải theo pháp luật”. Còn những vấn đề gì mà dân khiếu kiện chưa có quy định thì các cơ quan phải có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung vào luật.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lại cho rằng tòa án dứt khoát phải là cơ quan bảo vệ quyền lợi của công dân, giải quyết mọi xung đột quyền lợi. Theo ông, ngay trong quan hệ xã hội, dân sự, người dân chỉ thực sự viện đến tòa án khi họ đã xử lý mọi cách mà không thể giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tinh thần chung bộ luật phải tính toán quy định nhằm mở rộng dân chủ trong quan hệ dân sự, “bớt hình sự đi”, làm thế nào phát huy sự thỏa thuận, thiện chí, bình đẳng, hòa giải, tự quyết định.
Băn khoăn về quy định hình thức sở hữu
Về hình thức sở hữu, Dự thảo quy định hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết cơ quan này tán thành, cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu, bởi vì, việc quy định hình thức sở hữu theo cách liệt kê như Bộ luật Dân sự hiện hành không bảo đảm tính ổn định do các chủ thể này luôn thay đổi, biến động theo sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, có bao nhiêu hình thức sở hữu, thì hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, chỉ quy định hai hình thức sở hữu như dự thảo là không hợp lý. Loại ý kiến thứ hai tán thành với dự thảo. Ngoài ra, còn có một số ý kiến đề nghị giữ quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành vì đã sử dụng ổn định trong nhiều năm qua.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Chỉ quy định hai hình thức sở hữu như dự thảo là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất “nhiều hình thức sở hữu” của nền kinh tế Việt Nam, không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp... Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng ngoài quy định sở hữu chung và riêng thì Bộ luật Dân sự cần quy định cả sở hữu toàn dân.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban pháp luật đề nghị cân nhắc việc bỏ 3 loại văn bản gồm thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước, vì các cơ quan này là các cơ quan nhà nước được quy định trong Hiến pháp, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan này được ban hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.