Tư nhân thi hành án dân sự, liệu có ổn?

Ông Lê Xuân Hồng
Ông Lê Xuân Hồng
TP - Thừa phát lại hiểu nôm na đó là các công dân có đủ điều kiện thi hành án dân sự, được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của giám đốc sở Tư pháp địa phương, đang được thí điểm ở một số tỉnh, thành.

Nhiều người lo ngại, liệu cơ chế cho tư nhân thi hành án có ổn? Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp.

Nhiều người còn mơ hồ về chế định thừa phát lại, vậy phải hiểu như thế nào cho chính xác, thưa ông?

Cần hiểu đây là một chủ trương cải cách tư pháp liên quan đến công tác thi hành án dân sự, sau đó được thể chế hóa thành các văn bản luật, nhất là việc ban hành Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong đó có việc xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự. Thừa phát lại (thừa hành viên) hiểu nôm na là các công dân đủ điều kiện theo luật định, được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành trực thuộc T.Ư nơi thực hiện thí điểm.

Các thừa phát lại sẽ được thực hiện các công việc về thi hành án dân sự (xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự); tống đạt giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự cho đương sự và lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và các quan hệ pháp lý khác).

Thông qua những công việc trên, mô hình thừa phát lại thể hiện là một thiết chế nghề nghiệp độc lập, vừa làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp (hỗ trợ tòa án), vừa thực hiện các công việc về thi hành án dân sự theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức.

Tư nhân thi hành án dân sự, liệu có ổn? ảnh 1

Do bế tắc trong thi hành án, đòi nợ..., nhiều người từng phải nhờ đến “xã hội đen”, dẫn đến vi phạm pháp luật. Ảnh: Bắc Hà

Không ít người hoài nghi về tính khả thi của mô hình, bởi có thể hình dung, đó là việc cá nhân đi làm việc cho Nhà nước, nhất là việc cưỡng chế thi hành án, vốn rất nhiều vấn đề nổi cộm. Ông đánh giá thế nào về mô hình này?

Thừa phát lại là một chế định mới, còn trong giai đoạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, do đó còn nhiều mới mẻ từ cơ chế lãnh đạo, công tác quản lý nhà nước đến mô hình tổ chức, hoạt động, phạm vi công việc, ảnh hưởng nhất định đến quá trình tổ chức thực hiện.

Tôi đơn cử như trường hợp ở tỉnh Bình Dương, một số cơ quan (công an, viện kiểm sát) trong quá trình thực hiện đã cho biết, họ chưa nhận được chỉ đạo từ cấp trên. Cụ thể, Văn phòng thừa phát lại Thủ Dầu Một và Dĩ An đã được cấp phép từ tháng 2/2014, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp con dấu để đi vào hoạt động, vì công an tỉnh chưa nhận được văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về mẫu dấu văn phòng thừa phát lại.

Câu chuyện về nhận thức cũng là điều đáng bàn. Nói đến thừa phát lại, nhận thức của xã hội, cơ quan, tổ chức, người dân, thậm chí một bộ phận cán bộ, công chức ở các cơ quan tư pháp còn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc đề nghị bổ nhiệm thừa phát lại, thành lập Văn phòng thừa phát lại phụ thuộc vào nguyện vọng, nhu cầu hành nghề và sự tự nguyện nộp hồ sơ đề nghị của người có đủ điều kiện bổ nhiệm, do đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ của việc bổ nhiệm thừa phát lại, thành lập văn phòng thừa phát lại tại địa phương.

Ngoài ra, biên chế phòng bổ trợ tư pháp tại các sở Tư pháp hiện rất ít, chỉ 3 - 4 người nhưng phải đảm đương lĩnh vực bổ trợ tư pháp kể cả chứng thực và bồi thường Nhà nước nên việc triển khai chế định Thừa phát lại có lúc có khó khăn. Công việc của thừa phát lại đa dạng và phức tạp, trong khi phần lớn cán bộ, công chức được phân công phụ trách lĩnh vực này lại chưa được tập huấn đầy đủ.

Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất chính là việc chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật chặt chẽ, đầy đủ, qua đó sẽ tạo hành lang pháp lý để các văn phòng thừa phát lại đi vào thực tế, không gặp trở ngại.

Ông có lo ngại các vụ cưỡng chế do các Văn phòng thừa phát lại tiến hành? Họ sẽ làm gì nếu gặp phải các tình huống “nóng”?

Các nhà làm luật cũng đã nghĩ đến điều này. Trên thực tế hoạt động, khi ký kết các hợp đồng thi hành án, các thừa phát lại phải dự liệu được mọi tình huống, và chủ động trong công việc. Nếu gặp những tình huống dễ phát sinh căng thẳng, cần đến sự hỗ trợ từ các lực lượng, như công an chẳng hạn. Họ sẽ phải lập kế hoạch cưỡng chế, trình Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện, nơi mình thi hành và tới Cục trưởng Cục thi hành án ở địa phương đó để vị này ra quyết định cưỡng chế.

Cảm ơn ông!

Đã có 12 tỉnh, thành phố lập văn phòng thừa phát lại

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến tháng 3/2014, trên cả nước đã có 12 tỉnh, thành phố thành lập được văn phòng thừa phát lại. Trong số này, TPHCM được chọn là địa phương làm thí điểm đầu tiên, và đã có những thành quả nhất định, do đó Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan lên kế hoạch mở tiếp 4 văn phòng thừa phát lại, nâng tổng số văn phòng tại TPHCM lên 12.

Theo đánh giá sơ bộ kết quả của 5 văn phòng thừa phát lại TPHCM, qua 2 năm thí điểm đã tống đạt 103.218 văn bản với tổng chi phí thu được hơn 6,5 tỷ đồng; tổng số vi bằng đã lập và đăng ký là 5.020, tổng doanh thu hơn 9,5 tỷ đồng; thực hiện 147 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành xong 26 vụ việc...

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...