Theo Bộ NN&PTNT, kết quả giám sát năm qua cho thấy, vấn đề ATTP đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP của các nhóm sản phẩm chủ lực.
Đáng lưu ý, trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ được lấy không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol (năm 2016 vẫn phát hiện 0,44% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol).
Tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh là 0.63% (21/3341 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,76). Tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh là 0,89% (27/3.002 mẫu, giảm so với năm 2016 là 1,07%). Tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV là 0.6% (4/667 mẫu, giảm so với năm 2016 là 2,05%).
Trong khi đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33% (17.303/17.778 cơ sở), tăng so với năm 2016 (91%). Tuy nhiên, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C (không đạt yêu cầu) được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 48,23%, giảm so với năm 2016 (57%).
Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16% (6.294/6.756 cơ sở) (tăng so với năm 2016 là 89,9%), tuy nhiên tỷ lệ các cơ sở loại C được tái kiểm vẫn còn thấp (13,42%).
Trong năm, công tác thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm phát huy hiệu quả do được chú trọng đầu tư, tăng cường năng lực và đổi mới phương thức tổ chức thực hiện. Theo đó, thay vì thanh tra theo kế hoạch là chủ yếu như trước đây, đã chuyển thanh tra, kiểm tra đột xuất là chủ yếu.
Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra cao điểm theo chuyên đề, dựa trên đánh giá rủi ro và diễn biến của thực tiễn sản xuất, kinh doanh... Từ đó đã góp phần giải quyết dứt điểm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm thiểu lạm dụng hóa chất kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đưa tạp chất vào tôm, tiêm thuốc an thần cho gia súc trước khi giết mổ...
Đối với vật tư nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất trên 5.000 cơ sở, phát hiện 746 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và xử phạt 214 cơ sở với tổng số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 34.538 cơ sở, phát hiện và xử phạt 6.309 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp gần 50 tỷ đồng.
Về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất trên 2.500 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 1,9 tỷ đồng. Các địa phương cũng triển khai kiểm tra gần 17.270 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP với tổng số tiền xử phạt 24,8 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TPHCM), xử phạt hành chính 320 triệu đồng và tiêu hủy hơn 3.000 con heo.
Hãy cùng các nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ những vấn đề về đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông sản năm qua, và những vấn đề đặt ra trong năm 2018 và thời gian tới.
Ông Nguyễn Như Tiệp: Đảm bảo vệ sinh ATTP là nhiệm vụ quan trọng của ngành, nhằm đảm bảo hai mục tiêu là xuất nông sản an toàn trong nước và phục vụ xuất khẩu. Trong 2 năm liền, 2016 -2017, Bộ NN& PTNT đã thực hiện cao điểm về vệ sinh ATTP, mục tiêu là giảm thiểu tồn dư vi sinh, ô nhiễm hóa chất trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển chuỗi nông sản an toàn và tăng xuất khẩu.
Trong đó, với giảm thiểu tồn dư trong các sản phẩm nông lâm thủy sản, theo kết quả giám sát đã đạt được chỉ tiêu đề ra. Chỉ duy nhất chỉ tiêu về ô nhiễm vi sinh trong các loại thịt vẫn còn 30%.
Năm qua, Bộ đã tiếp tục vận động và hỗ trợ nhân rộng các liên kết, hình thành các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn. Đã xây dựng 764 chuỗi cung ứng, trong đó có 382 chuỗi xác nhận sản phẩm được kiểm soát theo sản xuất an toàn. Nhiều đơn vị liên kết theo chuỗi được hình thành như Vinmart, đã kết hợp với hơn 1.000 HTX, hoặc như Ba Huân đã liên kết sơ chế các sản phẩm trứng. Hoặc Liên minh HTX liên kết với hàng trăm HTX sản xuất nông sản an toàn.
Về xuất khẩu cũng đã tháo gỡ được nhiều rào cản kĩ thuật của nhiều thị trường xuất khẩu. Kết quả cuối năm đạt được trên 36,3 tỷ USD. Đắc biệt là ngoài thị trường truyền thống, chúng ta cũng đã mở ra được nhiều thị trường mới như xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ với 63 doanh nghiệp, một số sản phẩm như vải, nhãn sang Úc, xoài sang Nhật. Sắp tới sẽ tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Năm 2017 chúng ta đã có chuyển biến tích cực, vậy năm 2018, vấn đề về ATTP sẽ được tăng cường và tập trung vào những lĩnh vực gì, khâu nào?
Ông Nguyễn Như Tiệp: Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad):
Bộ NN&PTNT xác định vấn đề vệ sinh ATTP là vấn đề trọng tâm và kết quả là đã đạt được nhiều tiến bộ. Mặc dù các mẫu tồn dư năm 2017 có giảm so với năm 2016 nhưng theo đánh giá vẫn ở mức cao so với khu vực và các nước tiên tiến. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vẫn cao.
Do vậy, năm 2018, Bộ tiếp tục xác định đây là năm hành động về vệ sinh ATTP. Trong đó, 4 nội dung sẽ tập trung là:
Một là, hoàn thiện về mặt thể chế. Nội dung này đã tiến hành trong năm 2017 và có những thành tích đáng kể, đồng thời sẽ tiếp tục trong năm 2018, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở, cá nhân tổ chức sản xuất nông sản an toàn.
Hai là, tổ chức sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn. Năm 2018 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành 2 nghị định quan trọng, là Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và phát triển hợp tác xã. Những nghị định này là cơ sở để hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp có hành lang pháp lý để sản xuất ra các sản phẩm an toàn. Đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra để xử lý vi phạm.
Ba là tiếp tục tăng cường thanh tra và kiểm tra.
Và bốn là nhân rộng chuỗi kinh doanh thực phẩm an toàn trên cả nước.
Thời gian qua, chúng thay đổi phương thức thanh kiểm tra, thay vì thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch như trước đẩy, nay đã chuyển mạnh sang thanh, kiểm tra đột xuất. Cách làm đó đã có hiệu quả thế nào?
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT: Năm 2017 là năm thành công của ngành với sự vào cuộc 3.776 cuộc thanh kiểm tra 52.807 tổ chức cá nhân.
Qua thanh tra kiểm tra đã xử phạt gần 80 tỷ đồng các cá nhân, tổ chức vi phạm. Riêng thanh tra Bộ đã triển khai 22 cuộc thanh tra đột xuất, ban hành 51 quyết định xử phạt và chuyển cơ quan điều tra 1 vụ vi phạm, xử phạt gần 3 tỷ đồng.
Nhìn chung, lĩnh vực thanh tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP đã chuyển dần từ thanh tra chủ động, báo trước sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các lĩnh vực như kiểm tra nước mắm, tiêm vào heo thuốc an thần, tạp chất bơm vào tôm.
Ngoài ra, chúng ta còn phát hiện ra hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật cao có trong các nông sản ... Nhờ triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, thanh tra kiểm tra chuyên ngành nhằm phát hiện các vụ vi phạm về ATTP đã có hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, năm 2017, qua thanh tra kiểm tra, chất cấm Sanbutamol, vốn là một loại chất tạo nạc dùng vô tội vạ trước đây đã không còn sử dụng.
Cũng cần lưu ý rằng, nếu nói thời gian qua các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật, và sức răn đe chưa cao, bắt đầu từ ngày 1/1/2018 tới, những hành vi liên quan đến đến vấn đề vi phạm về ATPT sẽ bị xử lý hình sự và có sự vào cuộc mạnh tay của các cơ quan chức năng có liên quan.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất phát hiện các vụ vi phạm về ATTP có một số khó khăn đó là sự đối phó, che giấu các hành vi vi phạm rất tinh vi. Ví dụ như các vụ bơm tạp chất, thường bố trí bơm ở phía trong sâu, ngõ xóm, hẻo lánh, các ngôi nhà, các khu bơm tạp chất thường đóng kín của, điều này đã gây ra không ít khó khăn cho việc thanh tra, kiểm tra.
Do vậy, các đoàn kiểm tra cần có thời gian theo dõi, xem xét và quyết định nhanh. Ngoài ra, còn có những khó khăn như lực lượng tham gia công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện các vụ vi phạm về ATTP còn mỏng, năng lực hạn chế. Thời gian tới, cần tăng cường lực lượng cũng như năng lực thanh tra, kiểm tra của cán bộ.
Còn trong dịp Tết cận kề là thời điểm người dân có nhu cầu sử dụng với lượng lớn thực phẩm, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tổ chức thế nào, người dân lưu ý gì khí sử dụng thực phẩm tron dịp Tết?
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad):
Bộ NN&PTNT vừa hành chỉ thị về việc tăng cường đảm bảo vệ sinh ATTP cho trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết nguyên đán. Dịp Tết với việc nhiều chủng loại thực phẩm sẽ tăng mạnh, bao gồm cả sản phẩm nội địa và xuất khẩu.
Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường 2 nhiệm vụ trọng tâm là thanh, kiểm tra xử lý vi phạm và đẩy mạnh thông tin truyền thông. Truyền thống định hướng, vận động người sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản tuân thủ quy định về vệ sinh ATTP, không vì nhu cầu gia tăng ngày Tết mà sử dụng nguyên liệu không đảm bảo. Cùng đó, tăng liều lượng thông tin giới thiệu quảng bá sản phẩm, cơ sở sản xuất an toàn; hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm an toàn.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra với những cơ sở sản xuất tiêu dùng sản phẩm nhiều trong ngày tết như giò, chả, nem, thủy sản chế biến.
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT:
Về công tác thanh tra, kiểm tra, sẽ tập trung vào việc sử dụng các chất cấm và các chất ngoài danh mục và đặc biệt là hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng tôi rất mong có được thông tin phản hồi của người dân và các cơ quan chức năng để chúng tôi xử lý và răn đe nghiêm các vụ việc vi phạm về ATTP.
Ông Hoàng Trọng Thủy: Trong dịp nghỉ lễ Tết, các cửa hàng, siêu thị đều đóng cửa, giá thực phẩm tăng cao, chính vì vậy hầu hết các gia đình đều có tâm lý chọn cách tích trữ các sản phẩm đông lạnh trước đó vài ngày.
Nguyên tắc cơ bản là lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ, không hỏng mốc, và có mùi khó chịu.
Người dân cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.
Tuy nhiên, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ hạn sử dụng thực phẩm, chọn các thực phẩm có thời gian lưu giữ ngắn hạn, bởi thời gian đông lạnh càng kéo dài, càng đồng nghĩa với số lượng chất bảo quản thực phẩm được lưu giữ trong thực phẩm.
Đối với mâm cơm Tết cơ cấu 20% rau củ, quả, 30% là thịt còn lại là các thành phần khác. Ở khu vực nông thôn được ăn thực phẩm tươi nhiều hơn, ở khu vực thành phố dự trữ nhiều hơn. Trước đây ăn ngon, ăn theo vị thì giờ đây người ta không chỉ ăn ngon mà phải theo an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, khi phát hiện loại thực phẩm nghi ngờ là hàng nhái, hàng giả cũng như các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo ATTP, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp kiểm tra, giám sát và kịp thời ngăn chặn.