Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Việt Nam tham gia các hiệp định luân chuyển tự do LĐ có chuyên môn, sẽ góp phần quan trọng cho việc dịch chuyển LĐ theo chiều sâu giữa nhóm trình độ cao và khu vực kinh tế với nhau.
Theo bà Hương, LĐ nước ngoài trình độ cao vào nước ta làm việc là điều tốt. “Đừng lo người ta lấy chỗ làm của mình, vì 1 người có trình độ cao có thể gián tiếp tạo ra rất nhiều việc làm khác. Nếu họ vào làm ngành nào đó tốt lên, các mối liên hệ trước sản xuất (cung ứng) và sau sản xuất (bán lẻ) sẽ tăng lên, gián tiếp tạo ra thêm việc làm mới”, bà Hương nói.
Tuy vậy, bà Hương cũng cảnh báo, đội ngũ LĐ phổ thông, người làm ngành dịch vụ sẽ chịu sức ép. “Việc làm của người nghèo và người thu nhập thấp ở khu vực dịch vụ (bán hàng quán), LĐ giản đơn có thể mất hoàn toàn”, bà Hương nói. Do đó, việc quan trọng là đào tạo nghề cho những LĐ có nguy cơ mất việc để họ chuyển sang các ngành dịch vụ ở mức cao hơn, hoặc sang làm công nhân công nghiệp.
Ra nước ngoài không dễ
Với thị trường LĐ các nước thành viên AEC, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đây sẽ là cơ hội cho LĐ trình độ cao Việt Nam được đi làm việc tại các quốc gia trong AEC. Theo đó, Việt Nam có lợi thế lớn nhất là lực lượng LĐ trẻ và dồi dào. Chất lượng LĐ đang được nâng lên, trong đó LĐ qua đào tạo nghề chiếm 30%. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế Việt Nam chủ yếu nông nghiệp, tỷ lệ LĐ tham gia vào thị trường chính thức thấp (chỉ khoảng 30%). Đặc biệt, gần một nửa LĐ trong lĩnh vực nông nghiệp chưa qua đào tạo.
“Để có thể đi làm việc trong cộng đồng AEC, người LĐ phải thông thạo ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh), bằng cấp được thừa nhận, tay nghề đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực quy định của các quốc gia tiếp nhận”, ông Nam nói. Theo ông Nam, đây là những thách thức đối với LĐ Việt Nam để có thể nắm bắt cơ hội đi làm tại thị trường các nước ASEAN.
Theo ông Nam, để nắm bắt cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, ngoài bằng cấp, ngoại ngữ, người LĐ cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các chương trình việc làm để chuẩn bị và tìm kiếm cơ hội tại các nước AEC.
Thứ trưởng LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, khi AEC hình thành, nhiều người lo ngại việc làm trong nước bị LĐ nước ngoài cạnh tranh. Trong khi đó, LĐ trong nước khó có cơ hội đi làm việc tại các nước trong khu vực khi chất lượng đào tạo chưa được cải thiện nhiều. “Quan ngại nhất vẫn là chất lượng và LĐ dù qua đào tạo vẫn thất nghiệp”, ông Diệp nói.
Theo kế hoạch, ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành, sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển, thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.