Minh bạch trong tổng hợp ý kiến

TP - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Phước Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) tại buổi họp bàn kế hoạch của Chính phủ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, do Bộ Tư pháp chủ trì, tổ chức hôm qua (2-1).

> Bộ Chính trị chỉ thị tổ chức lấy ý kiến nhân dân
> Từ 2-1-2013: Lấy ý kiến nhân dân dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi

Bộ Tư pháp có trách nhiệm làm thường trực của Ban chỉ đạo Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai Kế hoạch của Chính phủ về tổ chức lấy kiến.

Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc lấy ý kiến.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các cơ quan này, xây dựng Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến, trình Ban chỉ đạo Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, cho ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Cũng theo dự thảo Kế hoạch, khi góp ý, trong mỗi quy định cụ thể cần đánh giá về phạm vi, ưu điểm, hạn chế của từng nội dung được sửa đổi; những nội dung tán thành, không tán thành và lý do của việc tán thành hoặc không tán thành; những nội dung cần sửa đổi, hướng sửa đổi và lý do của việc sửa đổi; những nội dung cần bổ sung mới hoặc đưa ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

“Sẽ có nhiều người dân, cán bộ, lãnh đạo về hưu đóng góp những ý kiến tâm huyết. Họ trăn trở, nghiên cứu kỹ để đóng góp ý kiến thì chúng ta phải tiếp thu như thế nào? Tôi cho rằng việc tổng hợp các ý kiến phải thực sự minh bạch, nội dung tiếp thu, giải trình phải rõ ràng”- ông Thọ đề xuất.

Theo Báo giấy