Hạn, mặn gay gắt
Chuyên gia sinh thái - ThS. Nguyễn Hữu Thiện là thành viên Nhóm chuyên gia nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long (ABCD Mekong). Nhóm chuyên gia ra mắt năm 2017, thực hiện nghiên cứu và đề xuất giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp. Ông Thiện nhận định, từ tháng 6/2023, hiện tượng El Nino đã được dự báo tác động tiêu cực tới khí hậu các tỉnh miền Tây trong mùa khô này, kéo dài tới khoảng tháng 5-6/2024. Hiện, bán đảo Cà Mau đã cạn kiệt nước, kéo theo tình trạng sụt lún đất, đê điều, đường sá.
Bên cạnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, theo ông Thiện, các tỉnh miền Tây còn chịu sự sụt giảm nước, phù sa từ lưu vực sông Mê Kông. Vị chuyên gia này đưa ra con số có tới 45 đập nước lớn nhỏ (kể cả đập thủy điện) trong lưu vực sông này, đặt ở tất cả các quốc gia Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Hiện, tổng mực nước các đập chứa này còn khoảng 26 tỷ m3 (bằng 55% tổng dung tích thiết kế), thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ Tết tới nay, lượng nước sông Mê Kông liên tục giảm, vị chuyên gia trên đưa ra kết luận, chắc chắn tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn các địa phương ven biển miền Tây sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, chỉ kém mùa khô lịch sử xảy ra năm 2016, 2020.
Tình trạng xâm nhập mặn tại các địa phương khu vực miền Tây phụ thuộc rất nhiều vào nước sông Mê Kông, nước sông nhiều sẽ đẩy mặn ra biển và ngược lại. Tuy nhiên, nước sông lại phụ thuộc vào việc đóng - xả của các đập thủy điện phía thượng nguồn trong giai đoạn các tháng tới. “Nếu mặn không gay gắt thì vùng cửa sông Cửu Long có thể thích ứng được bằng cách lấy nước ngọt trong những giờ nước ròng (triều thấp), khi nước mặn lùi ra phía biển trong vài giờ”, ông Thiện nói. Vị chuyên gia này cũng đồng thuận việc nghiên cứu xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước ngọt từ thượng nguồn về vùng nhiễm mặn để xử lý cấp nước sinh hoạt. Phải có các giải pháp dài hạn, thì tương lai vùng ven biển miền Tây mới không còn lo lắng, tốn kém cho việc tìm nước ngọt mỗi mùa khô.
Riêng vùng bán đảo Cà Mau (Bạc Liêu, Cà Mau và một phần Hậu Giang, Kiên Giang) ít nhận được nước sông Cửu Long. Nguồn nước ngọt vùng này chủ yếu tới từ mưa, nên khi nắng khô, không mưa, nước ngọt sẽ thiếu và mặn xâm lấn, vùng này sẽ thiếu nước ngọt từ đầu tháng 2 tới tháng 5-6/2024, khi mùa mưa tới.
Nỗi lo tăng theo số đập thượng nguồn
Dự án Giám sát đập Mê Kông (MDM), và Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Hoa Kỳ) trong báo cáo mới đây đã đưa ra thông tin, dự án đập thủy điện Tuoba (Thác Bạt, Trung Quốc, công suất 1.400MW) mới hoàn thành trên dòng chính sông Mê Kông. Đập này bắt đầu tích nước từ đầu tháng 2/2024, thường các đập lớn tương đương phải mất 1 năm để tích đủ nước theo cao trình thiết kế. Việc đập Thác Bạt tích nước sẽ làm giảm lượng nước về vùng hạ lưu, trong đó có sông Cửu Long mùa khô năm nay, khiến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn vùng này càng thêm nghiêm trọng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, tình trạng sụt lún đất trên địa bàn mùa khô năm nay do mực nước trong các kênh, rạch, ruộng đồng xuống thấp, tạo chênh lệch độ cao lớn với mặt đường. Nếu khu vực có kết cấu đất không tốt, đường sá chất tải lên trên sẽ sạt trượt, sụt lún nền. Cùng đó, một số khu vực thi công hệ thống thủy lợi, thực hiện nạo vét lòng kênh sâu hơn mức trung bình, dẫn tới mất chân đế, dễ sạt trượt đất trên bờ cao.
Ông Sử dẫn các dự báo đều chung nhận định, mùa khô năm nay sẽ kéo dài, khốc liệt hơn các năm trước. Tỉnh Cà Mau đã và đang tiến hành khảo sát, đánh giá, đề ra các biện pháp cho từng tình huống, kêu gọi người dân áp dụng các biện pháp gia cố để giữ đất. Việt Tâm
Vừa thực hiện 2 chuyến khảo sát các tỉnh ven biển khu vực miền Tây trong mùa khô năm nay, PGS.TS Lê Anh Tuấn giảng viên khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ) đã ghi nhận tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay gay gắt hơn trung bình các năm trước. Nắng nóng, thêm gió mạnh làm nước bốc hơi nhanh và khô hạn thêm gay gắt ở các địa phương ven biển. Dù vậy, một tín hiệu tích cực được TS. Tuấn ghi nhận là người dân vùng hạn, mặn đã chủ động hơn trong tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Các cống ngăn mặn cũng góp phần giảm mặn vào nội đồng khi triều lên (triều lên cao sẽ đóng cống ngăn nước biển tràn ngược vào các cửa sông). Đặc biệt, các địa phương ven biển đã điều chỉnh giảm trồng lúa vụ Đông Xuân, nếu trồng cũng chủ động xuống giống sớm để tránh thiếu nước, khi mùa khô tới cũng là lúc lúa vào vụ thu hoạch, nên giảm thiệt hại. Nhiều vùng nhiễm mặn vào mùa khô đã chuyển đổi sang cây trồng khác phù hợp, hoặc nuôi tôm, vừa thích ứng với hạn mặn, vừa cải thiện thu nhập so với trồng lúa.
Từ chuyến đi thực tế của mình, ông Tuấn đề xuất, nên ưu tiên các nguồn nước ngọt cho con người sinh hoạt, sau đó tới sản xuất. Với cây trồng, chuyên gia này gửi lời khuyên, người dân có thể phủ rơm vào gốc cây trồng để giữ ẩm, giảm bay hơi, lót bạt chống thấm để trữ nước ngọt, dùng túi chứa nước. Đặc biệt, vùng nguy cơ xâm nhập mặn bà con nên kiên quyết không tiếp tục xuống giống lúa vụ tiếp theo để tránh thiệt hại. Đối với cây ăn trái giá trị kinh tế cao như sầu riêng, nếu hạn mặn gay gắt, người dân chủ động cắt tỉa cành để cây giảm hút nước, chấp nhận giảm thu hoạch một mùa để cứu cây sống chờ vụ sau.
Giải pháp ứng phó
Tại chương trình làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ngày 12/3, ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đề xuất, Trung ương nghiên cứu dẫn nước từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn về vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm giải quyết nhu cầu nước ngọt cho mùa hạn, mà không tốn kém nhiều. Việc dẫn nước ngọt này có thể lợi dụng địa hình cao khơi một dòng kênh, hoặc dùng hệ thống ống dẫn nước từ hệ thống sông này về Long An, Tiền Giang với khoảng cách chỉ vài chục cây số. Giải pháp này còn giải quyết được thực trạng nguồn nước sông Mê Kông ngày càng cạn kiệt và bị phụ thuộc rất nhiều vào các nước thượng nguồn.
Ông Hiệp cho rằng, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần xác định công tác phòng chống hạn mặn là việc làm thường xuyên. Do đó, cần thêm nhiều giải pháp để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguồn cung nước ngọt cho các nhà máy nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất…
Phương án dẫn nước ngọt thô từ thượng nguồn về cung cấp cho nhà máy nước vùng bị nhiễm mặn đã có, như Dự án trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải dẫn nước từ khu vực Đồng Tháp cấp cho nhà máy nước tại Tiền Giang, Long An, Bến Tre (vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng). “Chúng tôi dự kiến khởi công xây dựng trạm bơm và hệ thống ống dẫn nước tới các tỉnh trong năm nay, hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang gặp khó trong ký hợp đồng tiếp nhận nước thô với các nhà máy xử lý nước địa phương, dù các thỏa thuận nguyên tắc đã được địa phương và các công ty cấp nước ký với nhà đầu tư trước đó. Điều này xuất phát từ việc chưa có văn bản pháp lý quy định cụ thể về cách tính giá nước thô”, ông Lều Mạnh Huy, Phó Tổng giám đốc Cty DNP Water (nhà đầu tư), nói. Nhật Huy