Mẹ xin cô giáo cho con từ xuất sắc xuống loại khá

“Dù bài thi Toán này của con có thể bị trừ 1, 2 điểm, có thể ảnh hưởng tới kết quả chung đi nữa thì sẽ tốt cho con hơn nhiều về sau này", trích bức thư của người mẹ gửi cô giáo.
Tình trạng này hiện nay rất phổ biến ở các trường tiểu học, THCS trên cả nước.

Gửi thư cho cô giáo xin trừ điểm của con

Vừa qua, sau khi các trường tiến hành tổng kết năm học, những câu chuyện “cười ra nước mắt” về thành tích học tập của học sinh như lớp có 50 bạn thì 49 học sinh giỏi, hay đội sổ vẫn được nhận giấy khen xuất sắc, khiến dư luận một lần nữa bức xúc về bệnh thành tích của ngành giáo dục.

Tình trạng này rất phổ biến ở các trường tiểu học, THCS trên cả nước. Ví dụ, năm học 2013 -2014, quận Cầu Giấy (Hà Nội) có 93,97% học sinh cấp tiểu học xếp loại học lực giỏi (tăng 0,17% so với năm học trước). Hay trường THCS Nguyễn Tri Phương (thành phố Huế) có 1.040/1.267 học sinh đạt thành tích học tập giỏi toàn diện.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Tình trạng này khi con tôi đang học tiểu học vẫn thường xuyên diễn ra. Thậm chí, đến nay khi cháu đã học cuối cấp hai thì một lớp chỉ vài bạn là học sinh tiên tiến, đa phần đều được loại giỏi”.

Trong quá trình nghiên cứu và tư vấn, Tiến sĩ Vũ Thu Hương gặp rất nhiều trường hợp học sinh được các giáo viên đánh giá không đúng với năng lực, dù chỉ ở mức khá nhưng các em đều được xếp loại giỏi.

Vừa qua, một bà mẹ có con đang học lớp 4 tại Hà Nội đã gửi thư cho Tiến sĩ Hương và chia sẻ về câu chuyện của con mình. Vị phụ huynh này cho biết con thường xuyên mắc những lỗi sai ngớ ngẩn khi làm bài tập. Vì thế khi thi cô giám thị đã trừ điểm bài làm của con. Nếu theo kết quả này, con sẽ không được đánh giá là học sinh xuất sắc.

Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm lớp đã mang bài thi này lên kiện ban giám hiệu để “giành giật” lại 0,75 điểm cho học sinh của mình. Và cuối cùng, cậu bé này vẫn được hai điểm 10 Toán, Tiếng Việt và tiếp tục nhận giấy khen xuất sắc.

Buồn vì cách làm này, người mẹ này đã gửi thư cho cô giáo: “Năm nay con mới chỉ 10 tuổi, học lớp 4. Trước mắt con chặng đường học tập còn rất dài và con sẽ còn phải trải qua nhiều kỳ thi với rất nhiều bài thi nữa còn khó khăn và căng thẳng hơn nhiều.

Nếu con được nâng đỡ lần này, con sẽ không rút ra được bài học cho mình, con sẽ không nhớ lỗi sai đã mắc và có thể sẽ lặp lại. Vì vậy, mặc dù rất cảm kích tấm lòng của cô, nhưng bố mẹ con có nguyện vọng muốn xin cô cứ trừ điểm bài đó theo đúng quy định. Dù bài thi Toán này của con có thể bị trừ 1, 2 điểm, có thể ảnh hưởng tới kết quả chung đi nữa thì sẽ tốt cho con hơn nhiều về sau này cô ạ”.

Tiến sĩ Hương nhớ lại: “Người mẹ ấy tâm sự rất vui mừng nếu như con được xếp loại khá. Bởi như vậy cô giáo mới đánh giá chính xác sức học của con”.

Bảng điểm đẹp của con vẫn khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

49/50 học sinh giỏi là không hợp lý


Trước tình trạng một lớp có đến 98% học sinh giỏi, Tiến sĩ Hương cho rằng kết quả này của các trường hoàn toàn không hợp lý và để lại nhiều hậu quả.

Về phía học sinh, quan điểm đánh giá này của ngành giáo dục xuất phát từ nguyên nhân thiện chí khi muốn trẻ không bị áp lực nặng nề về việc học, thành tích. Vì thế các nhà chuyên môn muốn đánh giá học sinh theo hướng động viên, tạo động lực cho các em trong học tập.

Tuy nhiên, sau 10 năm tư tưởng này đã bị làm sai và làm quá đi rất nhiều dẫn đến tình trạng “bội thực” học sinh giỏi như hiện nay.

Thực tế, các cô giáo hiện này khi đánh giá học sinh đã có xu hướng nâng cao các em lên so với khả năng thực tế. Việc dễ dàng được học sinh giỏi, đạt điểm cao khiến các em nảy sinh tâm lý tự mãn, chủ quan, thiếu tính chiến đấu.

Từ đó, việc học cũng trở nên thiếu hấp dẫn. Ý nghĩa động viên của các nhà chuyên môn cũng không còn khi hầu hết các em đều đạt học sinh giỏi.

Hơn nữa, đánh giá là phải có thể phân loại được học sinh, giỏi, khá, trung bình, kém. Nhưng hiện nay các em từ hơi khá cho đến rất giỏi đều được đánh giá đồng đều lẫn nhau.

Vì vậy, Tiến sĩ Hương thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Cách đánh giá nửa mùa này không có giá trị gì mà còn làm cho các bậc cha mẹ thêm mắc bệnh thành tích. Trên các mạng xã hội mấy ngày nay lan tràn những hình ảnh các bậc phụ huynh khoe điểm số của con. Mặc dù đều biết bé nào cũng được điểm cao nhưng họ vẫn đem khoe khắp nơi”.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh mặc dù có con được xếp loại giỏi nhưng lại thấy buồn vì lực học thực tế chỉ ở mức khá thậm chí trung bình. Ứng xử với những tình huống này, Tiến sĩ Hương khuyên các bậc cha mẹ không nên quan tâm tới thành tích của con.

“Các bậc phụ huynh nên cảm thấy vui mừng vì con đã hoàn tất một chặng đường học tập một cách trọn vẹn. Đó là điều cần phải ghi nhận và khích lệ”, vị tiến sĩ này bày tỏ.

Thay đổi cách đánh giá học sinh, giáo viên

Trước thực trạng này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng phải nhanh chóng thay đổi cách đánh giá học sinh, giáo viên.

Bà Hương cho biết: “Ở một số quốc gia, người ta đánh giá giáo viên thông qua chất lượng của học sinh. Ban thanh tra sẽ gọi 5-7 học sinh lên phòng riêng để kiểm tra. Từ đó đánh giá giáo viên đó làm việc tốt hay kém. Còn ở Việt Nam, đánh giá giáo viên dựa vào số lượng học sinh giỏi, khá nên dẫn đến tình trạng như hiện nay”.

Vị tiến sĩ này cho rằng nên đánh giá học sinh dựa vào quá trình hoạt động chứ không phải điểm số của một bài kiểm tra. Với bậc tiểu học, chúng ta chỉ cần đánh giá học sinh đã hoàn tất công việc, có tiến bộ hay không.

Như vậy, các cha mẹ cũng đỡ bị căng thẳng về việc con xếp loại giỏi hay tiên tiến, cô giáo cũng không bị áp lực về thành tích. Các em học sinh sẽ giữ được tuổi thơ vui tươi và lòng yêu thích đến trường và công việc học tập.

Bà còn chia sẻ vui: “Tại sao chúng ta không đánh giá giáo viên bằng tỷ lệ cận thị và gù lưng của trẻ nhỏ? Khi đó, nếu các cô làm cho số học sinh lớp mình tỷ lệ cận thấp nhất, học sinh nhanh nhẹn hoạt bát sẽ được xếp loại cao”.


Theo Theo Zing