Máy chạy bằng… cơm

TP - Nhà báo nổi tiếng người Na Uy Tom Egeland vừa đăng bức ảnh “Em bé Napalm” của Nick Út lên facebook, liền bị nhà mạng này khóa tài khoản vì cái tội đăng ảnh… “khỏa thân”. Cho dù đó là một trong những bức ảnh làm thay đổi lịch sử chiến tranh, từng giành giải Pulitzer, quen thuộc với hàng tỷ người trên hành tinh.

Hay chuyện, nữ Thủ tướng Na Uy Ema Solberg bức xúc bèn “úp” bức ảnh kia lên tường “phây” nhà mình kèm mấy câu càm ràm về cơ chế kiểm duyệt. Lập tức bà Thủ tướng cũng bị xóa thẳng tay.

Không lẽ phải nhắc lại lời chàng họa sĩ Goya tác giả “Maja khỏa thân” trước Tòa án giáo hội Tây Ban Nha 200 năm trước? Hay lời bà Thủ tướng quốc gia Bắc Âu liên tục dẫn đầu thế giới về Chỉ số phát triển con người. 

Rằng “Tôi muốn con tôi và con cái người khác lớn lên trong một xã hội mà lịch sử được dạy đúng với sự thật của nó”. Khi một bức ảnh giúp  nhân loại căm thù, phỉ nhổ chiến tranh, bây giờ lại phải bị cắt cúp, che đậy nếu muốn được đăng lên mạng xã hội. 

Ừ thì, đã là máy móc lập trình sẵn nào biết chừa ai!

Nhưng lại nghĩ, máy nào mà chẳng chạy bằng…cơm! Ảo mấy thì cũng được vận hành bởi cơ chế “người  trần mắt thịt”. Chưa kể trong vụ này, có tờ báo phát hiện bức ảnh bị nhân viên Facebook cố tình xóa sau khi có báo cáo vi phạm, chứ không phải xóa tự động bởi các thuật toán.

Sau khi bị truyền thông cả thế giới chỉ trích về việc lạm dụng quyền lực trong việc kiểm duyệt thông tin, Facebook vừa phải nhượng bộ, chấp nhận cho phép chia sẻ “Em bé Napalm” trên mạng xã hội của mình.

Chỉ là viên sỏi nhỏ vướng phải giữa xa lộ thông tin khổng lồ không nhìn thấy đâu bờ bến. Mà thực tình, giữa thế giới ảo nhiễu loạn này, nhiều lúc lại chỉ muốn ai đó đủ sức ra tay kiểm soát, cương tỏa thật dữ dội, để cho những con người xa lạ bớt “chém giết”, ném đá nhau hơn kẻ thù 

Để thêm chạnh lòng, khi nhìn ra xã hội xung quanh thấy toàn những con người đều đặn ăn cơm, thậm chí ăn chay trường, suốt ngày tụng niệm mà lạnh lẽo, vô cảm…