Người dân tưởng có thể thở phào vì trong một thời gian ngắn, giá xăng dầu đã giảm hai lần. Điều này, về lý thuyết sẽ dẫn tới sự giảm giá của nhiều mặt hàng vốn đã ăn theo giá xăng trong thời gian qua như cước vận tải, các loại nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng.
Nhưng trong thực tế, những thứ ăn theo xăng kia hiện vẫn “mắc” ở mức giá cao mà không chịu xuống cho người dân, doanh nghiệp dễ thở. Ví dụ, cước vận tải đường bộ, cước taxi trong đợt tăng giá xăng vừa qua cũng lên theo 10-15%.
Không chịu thua thiệt, cước vận tải biển cũng được nâng lên thêm 10%. Đó là chưa kể vô vàn những thứ ăn theo giá xăng khác ở ngoài chợ mà hơn ai hết, những bà nội trợ cảm nhận rõ nhất về phản ứng này.
Đành rằng cơ quan quản lý giá khó có thể quán xuyến được hết những sản phẩm, dịch vụ nhỏ lẻ ngoài chợ cóc như mớ rau, con cá hay tấm vé gửi xe và gần như phó mặc cho “thị trường” điều tiết như bấy lâu nay, nhưng những loại sản phẩm dịch vụ mà người kinh doanh phải đăng ký rất cụ thể, có điều kiện với cơ quan chức năng cũng có quyền tăng giá, giữ giá vô tội vạ thì quả là lạ.
Nền kinh tế nước ta, dù là “kinh tế thị trường có định hướng” thì về bản chất, theo lý thuyết, vẫn phải là một nền kinh tế thị trường. Ở bất cứ quốc gia nào có nền kinh tế thị trường, việc tăng giảm giá đối với sản phẩm, dịch vụ đều phải tuân thủ quy định về giá, phải đăng ký với cơ quan quản lý trước khi điều chỉnh giá bán sản phẩm, dịch vụ.
Về cơ bản, giá một loại sản phẩm dịch vụ được cấu thành từ giá thành (chi phí sản xuất hợp lý) cộng thêm các loại thuế, phí và một tỷ lệ lợi nhuận nhất định. Trong trường hợp các loại cước vận tải nói trên, giá thành hay chi phí sản xuất hợp lý đã giảm thì việc giảm giá dịch vụ lẽ ra là đương nhiên.
Có lẽ ít ở quốc gia có nền kinh tế thị trường nào mà người mua sản phẩm, dịch vụ phải “năn nỉ, van xin” người cung cấp dịch vụ giảm giá như chuyện giá cước vận tải mấy ngày qua.
Trong trường hợp này, quyền mặc cả của người tiêu dùng đã bị triệt tiêu. Bởi dù không phải là độc quyền, nhưng “cả làng” vận tải cùng hùa nhau không giảm giá thì người tiêu dùng chỉ còn nước khóc khi cơ quan quản lý vẫn chưa ra tay.
Một nền kinh tế thị trường nhưng vận hành méo mó, bất chấp các quy luật về chống độc quyền, về cạnh tranh và vận hành theo luật giá thì nền kinh tế ấy chỉ có lợi cho những nhóm lợi ích trong khi đa số người dân sẽ luôn thua thiệt.