Theo ông Phong, đối với các tỉnh, thành phố có dân số thấp, việc sáp nhập không gây nhiều xáo trộn và với số biên chế được phân bổ theo quy định, các văn phòng đăng ký đất đai cấp tỉnh vẫn có khả năng tiếp nhận và giải quyết tốt nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, với một đô thị đặc biệt như TPHCM, số dân thường trú chưa đến 9 triệu nhưng số dân cư trú thực tới hơn 13 triệu người, tốc độ tăng dân số cơ học rất cao thì việc sáp nhập nói trên đã tạo áp lực rất lớn, gây quá tải tại Văn phòng đăng ký đất đai của TPHCM.
Ông Phong dẫn chứng: Quận Bình Tân số đăng ký hộ khẩu khoảng 250.000 người nhưng bên công an cho biết dân số quản lý thực tế của quận là trên 750.000 người.
“Lãnh đạo TPHCM cũng rất bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị Trung ương, Bộ Nội vụ cho tách phòng đăng ký đất đai ra như cũ, tránh quá tải và có điều kiện phục vụ người dân tốt hơn, nhưng đến nay chưa được xem xét giải quyết”, ông Nguyễn Thành Phong cho hay.
Mới đây, làm việc với đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu về cải cách hành chính, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, bình quân Sở KHĐT phải giải quyết 1.000 hồ sơ/ngày; Sở Tư pháp: 2.000 hồ sơ, cơ quan thuế: 1.000 hồ sơ…
Theo ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, từ khi ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc phân cấp, phân quyền gặp nhiều khó khăn. TPHCM vấp vì sự thay đổi của trung ương dẫn đến ách tắc trong thực hiện, đơn cử như việc sáp nhập các văn phòng đăng ký đất đai 24 quận huyện về một đầu mối.
“Sáp nhập nghe rất hay nhưng không đáp ứng yêu cầu, dẫn đến Ban bồi thường các quận huyện tập trung về Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu không gắn với chính quyền địa phương thì sẽ ách tắc. Đó cũng là lý do dẫn đến bồi thường giải toả chậm, quy hoạch treo, dự án chậm triển khai. Một triệu dân ở nông thôn khác với 1 triệu dân ở TPHCM. Quy mô làm việc vì vậy cũng phải phù hợp. Nghị quyết trung ương đã xác định không nhất thiết trên có, dưới phải có nhưng TPHCM là địa phương đặc thù”, ông Lắm cho biết.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng cho biết Sở tiếp nhận 3.000 thanh tra xây dựng ở các phường, xã thị trấn, quận huyện, đã tinh giản 2.000 người, chỉ còn 1.000 người. Quản lý nhà đất chuyển hết về Sở Xây dựng. Trong khi đó giai đoạn 2014 – 2016, Sở Xây dựng phải thụ lý bình quân 70.000 hồ sơ/năm; cấp 200.000 giấy phép xây dựng/năm.
“Khối lượng công việc tăng và ngày càng nhiều nhưng biên chế ngày càng phải tinh, giảm. Vì “căng” quá, một phó giám đốc sở xin “tinh giản” biên chế nhưng không được (vì năm nào cũng chiến sỹ thi đua) đành xin nghỉ việc. Một phó giám đốc khác xin “tinh giản” không được, phải xin nghỉ hưu trước tuổi. Tinh giản biên chế rất cần nhưng phải xem TPHCM là một đô thị đặc thù, không giống như các tỉnh”, ông Hùng nói.
Phải chờ đợi, lót tay
Đại diện UBND quận 3 cho biết đã trang bị máy lấy số thứ tự tự động và 11 máy đánh giá cán bộ đặt tại phòng tiếp nhận hồ sơ. Trong số khoảng 10% ý kiến không hài lòng của người dân hầu hết là về thời gian chờ giải quyết, trong đó chủ yếu là thủ tục về đất đai, xây dựng.
“Cấp giấy chứng nhận nhà đất thẩm quyền thuộc Sở TN&MT, hồ sơ trả đi, trả lại còn nhiều, gây bức xúc cho người dân. Một số quy trình, thủ tục gây phiền hà khiến dân bức xúc”, vị này cho biết.
Từ thứ hạng 18 cả nước năm 2011, chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015 của TPHCM rơi xuống thứ 47/63 tỉnh thành. Hơn 44% số người được khảo sát cho biết phải lót tay để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng mạnh so với tỉ lệ 24% trong năm 2014.
Theo TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, thời gian qua, TPHCM có nhiều điều tra khảo sát độ hài lòng của người dân về chất lượng công vụ, phục vụ. Tuy nhiên, để thành phố trở nên “sống tốt” thì việc cải thiện chỉ số PAPI vẫn là một thách thức lớn. Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, trong nghiên cứu từ năm 2015 của UNDP về “Chỉ số PAPI - Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân” thì riêng ở khâu làm giấy tờ nhà đất của người dân ở TPHCM đã phải “lót tay” 14,5 triệu đồng.
“Ngoài việc phải “lót tay”, phản ánh của dư luận mới đây còn cho thấy nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai ở một số quận huyện của TPHCM không công khai, minh bạch trong quy trình tiếp nhận hồ sơ. Cán bộ thụ lý yêu cầu bổ sung giấy tờ nhiều lần trong quá trình giải quyết thủ tục cấp sổ đỏ khiến người dân bức xúc, phải đi lại nhiều lần tốn kém thời gian và tiền bạc”, ông Lịch cho hay.