'Ma cà rồng' chết vì bệnh tả

6 hài cốt ở Ba Lan, được chôn cất theo hình thức ngăn chặn sự hồi sinh của ma cà rồng, có dấu hiệu chết vì bệnh dịch tả.
Một hài cốt ma cà rồng, khoảng 30-39 tuổi, được phát hiện với chiếc lưỡi hãi đặt trên cổ. Ảnh: Amy Scott

Nhóm chuyên gia của Đại học Nam Alabama, Mỹ, nghiên cứu các ngôi mộ được gọi là của ma cà rồng ở thị trấn Drawsko Pomorskie, tây bắc Ba Lan. Tại đây, họ phát hiện những chiếc lưỡi hái được đặt trên phần cổ của bộ xương. Theo Lesley Gregoricka, đây là hình thức phổ biến trong niềm tin của cư dân Ba Lan trong khoảng thế kỷ 16 và 17 nhằm ngăn chặn người chết tái sinh và biến thành ma cà rồng.

Trước đây, phương pháp này được cho là áp dụng đối với người đến từ vùng đất khác và di cư đến đây. Tuy nhiên theo kết quả phân tích, họ xác định 6 hài cốt ở Drawsko Pomorskie đều là người địa phương và có thể là những trường hợp đầu tiên mắc bệnh dịch tả.

Theo IB Times, thời trung cổ, người ta tin rằng một lưỡi hái đặt trên cổ thi thể sẽ ngăn chặn ma cà rồng ra khỏi mộ hoặc khiến đầu lìa khỏi cổ. Một mảnh đá đặt dưới cằm sẽ khiến hàm đóng lại, khiến ma cà rồng không thể cắn hay ăn thịt người sống.

Dịch tả nguy hiểm từng xuất hiện ở các nước Đông Âu, khiến người mắc bệnh có thể chết nhanh chóng trong vòng 12-24 giờ. Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về các ngôi mộ ma cà rồng ở tây bắc Ba Lan trong thời kỳ này.

Theo Linh Anh

Theo VnExpress