Thay mặt Chính phủ báo cáo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV (Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới), thông thường chỉ kéo dài 2 tuần và Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự, nên Chính phủ đề nghị ưu tiên đưa vào Chương trình Kỳ họp thứ nhất 04 dự án để Quốc hội cho ý kiến, trong đó: Có 03 dự án thuộc Chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và cần sớm ban hành để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (Luật du lịch (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thủy sản; Luật thủy lợi); 01 dự án cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm đồng bộ với Luật Công an nhân dân sửa đổi vừa mới được Quốc hội khóa XIII thông qua là Luật Công an xã.
Tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án, trong đó có 02 dự án được lùi từ Chương trình năm 2015 sang là Luật về hội và Luật biểu tình.
Về đề nghị lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9, Luật về hội từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016), thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Ủy ban pháp luật nhận thấy, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này.
“Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị dự án, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội đề nghị giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật biểu tình, Luật về hội trình Quốc hội theo tiến độ” – Ông Lý cho hay.
Không nên lùi lâu quá
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, Luật biểu tình cần được chuẩn bị thật tốt và nên xây dựng càng sớm càng tốt. Nếu cần, có thể lùi lại để chuẩn bị thêm, tuy nhiên không nên lùi quá lâu. “Vừa qua nhiều ý kiến của ĐB Quốc hội cho rằng cần sớm có luật biểu tình; đặc biệt sau khi có sự kiện giàn khoan 981 hoạt động trái phép tại vùng biển Việt Nam. Việc có Luật Biểu tình càng cần thiết. Đây là mục tiêu đảm bảo an ninh quốc gia, nên luật này càng thực hiện sớm càng tốt” – Ông Khoa kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng cho biết, cần sớm sửa đổi Luật Quốc phòng và Luật An ninh quốc gia. Cần sửa Luật Quốc phòng để xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ; đối với Luật An ninh có liên quan mật thiết đến các luật khác như Luật Cảnh sát biển, Luật Công an xã, Luật Cảnh vệ.
Đồng tình quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, cần tập trung vào các dự án luật mà thực tiễn đang đặt ra, dù khó khăn, phức tạp nhưng rất cần thiết, cố gắng đưa vào sớm, không nên để quá lâu.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nhấn mạnh, Luật Biểu tình nếu không làm, dây dưa để kỳ họp sau dễ bị hiểu vì “lý do khác” chứ không phải không làm được. Một số dự án luật khác như Luật Quốc phòng, cũng là dự án luật khó, nhưng cũng rất quan trọng, cần sớm triển khai.