Lựa chọn văn minh

TP - Nỗi khiếp đảm của những người chịu bầm dập vì cảnh cướp lộc Hội Gióng lùi xa, thay vào đó là những gương mặt nhẹ nhõm trẩy hội lại vẫn có lộc trên tay mang về.

Hội Gióng đền Sóc 2018 khai hội sáng mùng 6 Tết trong không khí khác lạ. Nhà tổ chức nín thở theo dõi kịch bản mới, cánh báo chí săm soi nhất cử nhất động các đội tế lễ và người trảy hội, chỉ sợ “có biến” không trở tay kịp. Mùa hội năm nay, Sóc Sơn mạnh dạn đề xuất bỏ cướp lộc. Không dễ gì đi tới sự đồng tâm ấy, bởi hôm đoàn nhà báo chúng tôi có mặt trong buổi thương lượng giữa chính quyền và các cụ cao niên hai thôn dâng lễ hoa tre và trầu cau, các cụ cao niên vẫn rất căng. “Nói phải củ cải cũng nghe”, Ban Tổ chức trình bày phương án tất lộc nhỏ lẻ thay vì tập trung một chỗ-lệ này khiến cho dân tình chen nhau cướp lấy được gây hỗn loạn - lại thêm lí lẽ “không đi ngược lại cam kết UNESCO, lễ vật được Thánh chứng rồi”.

Nhớ những mùa trước, Hội Gióng hay bị đi kèm với các tính từ “hỗn loạn”, “bạo lực”, “phản cảm” hay “cướp có văn hóa” tràn ngập trên các mặt báo. Văn hóa đâu chưa thấy, chỉ thấy những mặt mày đằng đằng sát khí, thanh niên xăm trổ hè nhau trèo đầu cưỡi cổ người khác để cướp lộc. Nào có tôn ti trật tự gì, đám thanh niên xô các cụ cao niên ngã dúi dụi. Chẳng thế mà các cụ sau khi được đả thông chuyện bỏ cướp thì thở phào, khỏi lo ngã sấp ngã ngửa trong lúc hỗn loạn tất lộc. Các cụ hướng con cháu trong làng tán lộc cho bách gia trăm họ chứ không nên khư khư vơ lộc cho đầy túi riêng. Lộc bất tận hưởng, cho nên hơn 15.000 cành hoa tre, cây trầu cau được xé nhỏ phân phát cho mọi người xếp hàng chờ thụ lộc ngày khai hội và những ngày tiếp theo. Đông đúc, chật chội nhưng trên bảo dưới nghe, không còn tả tơi chơi hội.

Hỏi chuyện các nhà văn hóa đầu ngành về chuyện bỏ cướp lộc có lo bớt vui,  đều nhận được câu chắc nịch: Cướp lộc là phái sinh, chẳng qua do người ta sáng tác thêm và khoác thêm chiếc áo truyền thống. Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO cũng lưu ý văn hóa không bất biến. Bỏ tranh cướp, chen lấn trong lễ hội là lẽ tất yếu, bởi trong thế kỷ 21 chẳng thể nệ mãi hủ tục mông muội và man rợ. Hiến sinh như đâm trâu, chém lợn nay cũng không nên hồn nhiên trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật, thành ra dân làng Ném Thượng phải lôi vào “chém kín”. Hy vọng sự lựa chọn văn minh của các nhà tổ chức là tín hiệu cho mùa lễ hội bớt đi sự hơn thua, “buôn thần bán thánh”. Tẻ, vui chơi hội cũng do hành vi của mỗi người mà nên. Ngẫm ra, muốn cho người dân hành xử văn minh, trước hết cần có điều kiện để thực hành văn minh ấy. Bỏ cướp lộc thay vì phát lộc ở lễ hội Gióng hôm qua chính là một minh chứng.