[LONGFORM] Phú Quang - mùa hạ còn đâu

TPO - Mùa hạ còn đâu là một ca khúc thành công của Phú Quang. Hà Nội giờ là mùa đông, tin dữ ập đến không bất ngờ nhưng sao khó tiếp nhận, và không khỏi liên tưởng cái tít Mùa hạ còn đâu đầy tiếc nuối, cả ca từ và giai điệu đầy lay động: “Đường phố trong anh mùa đông/ Hãy để mùa hạ yên nghỉ”…

14 tuổi Phú Quang bị tước mất cơ hội du học sớm ở Liên xô khiến niềm tin đổ vỡ. Nhưng rồi cuộc ra đòn của số phận lại là động lực khiến anh khổ công học hành, miệt mài sáng tạo để có được tên tuổi như hôm nay.

18 tuổi anh tốt nghiệp hệ Trung cấp về kèn Cor tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội, rồi Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ra trường công tác ở Nhà hát Giao hưởng- Hợp xướng- Nhạc vũ kịch Việt Nam. Gọi là “Quang Cor”. 29 tuổi thì trở lại Nhạc viện theo chuyên ngành Chỉ huy Giao hưởng, học xong đầu quân cho Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

27 năm trước, 1994, phê bình gia Nguyễn Thụy Kha nhận xét với tôi về Phú Quang: “Toàn tài, từng là tay kèn cự phách và chỉ huy dàn nhạc tài ba”. Sự chuyển hướng sang sáng tác không hẳn chỉ do biến cố: tai nạn xe máy làm thay đổi hình dáng môi trên, trong khi nhạc công kèn đòi hỏi răng và môi rất đẹp. Phú Quang học kèn đủ lâu để biết lựa, đẩy kèn vào vị trí sao cho chơi vẫn hay như trước khi bị nạn nhưng anh biết mình khó đi xa trong nghiệp kèn.

Song, lý do này mới là chính yếu, quyết định bước ngoặt cuộc đời: Những bức xúc không thể nói bằng lời thì viết- không chỉ ca khúc mà cả khí nhạc, chính là cứu cánh. Phú Quang hiểu mình chẳng còn con đường nào khác ngoài viết, để giải tỏa những bức xúc dồn nén, tâm tư nặng trĩu về kiếp nhân sinh, về tình yêu lứa đôi, và tình yêu với mảnh đất sinh thành.

Vậy là anh tự học sáng tác, học hòa âm phối khí, để rồi 17 tuổi đã có tác phẩm khí nhạc đầu tay- Niềm tin, bắt đầu kiếm tiền bằng nhạc. 35- 40 tuổi trở đi ra album liên tục, nói vui là “đẻ như gà”. Phòng thu tại gia cũng sắm từ ba chục năm trước, rồi phòng thu bên ngoài tên là Tigon Studio, biến chủ nhân thành nhà sản xuất không chỉ sản phẩm của mình mà thôi. Song song đó, anh vẫn là cán bộ nhà nước, ngoài chặng công tác ở mấy nhà hát giao hưởng lớn nhất nước thì còn từng làm ở Phòng Ca Múa Nhạc của Sở Văn hóa Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh.

Biển của thời đã mất- Phú Quang phổ thơ Dương Thu Hương tự sự bằng giọng nữ: Những tháng năm xa dần. Giấc mơ xưa phai tàn. Em như kẻ chài mòn tay với biển… Vận vào cuộc đời vô cùng thăng giáng của người đàn ông như Phú Quang cũng hợp - cái kẻ chài mòn tay với biển này!

Hồi giữa tháng 5 năm ngoái tôi vào xóm Cò thăm Nguyễn Huy Thiệp tai biến liệt nửa người. Nguyễn Huy Thiệp hỏi thăm Phú Quang bởi nằm một chỗ song vẫn nghe đồn về sức khỏe đi xuống của anh. Nhớ câu trong tiểu luận Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn mà anh Thiệp viết năm 1989, tôi đọc:Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống và điều đó làm cho lòng ta run lên vì căm giận”. Nhà văn gật đầu: “Đang căm giận đây”.

Mới ngày nào oanh oanh liệt liệt, đi lại như lãnh chúa, thì một hai năm nay hung tin liên tiếp đến với các văn nhân tài tử Hà Nội khi chưa hẳn quá già, khiến bàng hoàng. Phú Quang lắm bệnh, toàn bệnh trọng nhiều năm nay, anh chả giấu mà còn cập nhật trên báo, cập nhật với bạn bè. Cứ tưởng người hơn một lần chết hụt như anh sẽ sống dai chứ…

Cũng tháng 5 năm ngoái nhà báo Ngô Hà Thái, cựu Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đồng sáng lập kiêm thành viên giám khảo Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội gọi điện cho tôi sau khi đọc bài Phú Quang - Cháy lên tia lửa mặt trời của tôi in Tiền Phong 30/5/2020. Anh Thái hỏi thăm tình hình sức khỏe của Phú Quang để đến mùa thu liệu vinh danh nhạc sĩ của Hà Nội ở hạng mục Giải thưởng Lớn. Cuối cùng may mà vẫn kịp (giải này chỉ dành cho người còn sống, còn Giải thưởng Nhà nước đợt này thì đang ở dạng đề cử, chưa công bố). Giờ thì kẻ chài mòn tay với biển đã mệt mỏi buông xuôi thật rồi ở tuổi chưa phải quá cao, sau một năm tám tháng chống chọi với bệnh tật.

Hà Nội và em khi thu chớm đông sang là tên một ca khúc Phú Quang phổ thơ Chu Hoạch. Trường hợp Hà Nội và Phú Quang thì sao? Thấy như thể một cặp tương hỗ khó tách chia, và xưng tụng giá trị của nhau đến lạ lùng.

Nói thêm về mảnh đất mà Phú Quang bộc lộ là nhớ và yêu đến “quay quắt”, “cháy lòng”:

Tháng 4/1994, Bùi Chí Vinh lần đầu ra Hà Nội để dự hội nghị viết văn trẻ, có đưa tôi bản viết tay bài thơ thú vị anh làm trước khi ra đây, vừa lẩy được nét đặc sắc của kinh kỳ qua văn chương vừa bộc lộ sự tò mò háo hức của một thi sĩ phương Nam với nơi chốn đặc biệt này.

Ngay khổ đầu đã rất Bùi Chí Vinh: Hà Nội chắc là ghê gớm lắm/Đêm nằm mơ thơm phức dáng Kiều/Cái ông Quang Dũng thời ra trận/Sắp chết mà tim vẫn cứ yêu”. Một phỏng đoán khác: Thảo nào thi sĩ Nguyên Sa rét/Bàn tay sen gói hết Thăng Long... Hàng loạt liên tưởng khác nữa. Và kết như sau: Cho nên anh sợ ra Hà Nội/Sợ gió sợ thơ sợ dáng Kiều/Em biết chứ nếu anh chết đuối/Hoa trôi bèo dạt uổng bao nhiêu.

Hà Nội “ghê gớm” như thế đó. Tội lỗi này (gây ra sự tưởng tượng huy hoàng)- như đã nói- bởi tại văn chương, chứ còn thủ phạm nào vào đây! Hà Nội “nguy hiểm” không kém trong âm nhạc Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương, Hoàng Giác, Anh Bằng, Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Hồng Đăng, Vũ Thanh, Nguyễn Đức Toàn, Phạm Tuyên, Nguyễn Thành (Không thể nói trời không trong hơn, và mắt em xanh khác ngày thường…), Trịnh Công Sơn, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến, Trọng Đài, Trương Quý Hải…

Phú Quang thì không chỉ một đôi ca khúc (về Hà Nội) mà thôi. Anh còn là nhạc sĩ của tình yêu nữa. Song Hà Nội- Phú Quang chính là ca Win-Win điển hình, là minh chứng cho chân lý giản đơn rằng ở cuộc đời này, người ta cho sao thì nhận vậy.

Từ mùa đông này Phú Quang và Hà Nội không còn nhau, đã chia tay vĩnh viễn. Nhưng có một thứ neo lại, chắc chắn như vậy: Tình yêu.

Quen thân Phú Quang sẽ thấy anh rất hiền, hay nhường nhịn. Cho nên bị chọc ghẹo suốt. Ví dụ hồi thập kỷ 90 thế kỷ trước chúng tôi thấy anh liên tục từ Sài Gòn ra làm các chương trình riêng chung, lên sân khấu dận pê-đan uỳnh uỳnh, nhấn phím piano pằm pằm hoặc vừa bập bùng guitar vừa hát, nên đặt cho anh biệt hiệu “Phừng Phừng”. (Phừng phừng là tiếng bật bông, liên quan đến tích một truyện tiếu lâm Việt Nam).

Lần đầu gặp Phú Quang, tôi chẳng có ấn tượng gì cả! Nom cũng sáng láng đấy nhưng người như thế (ở Hà Nội) có mà đầy! Anh chả tự nhận mình “không có chân dung, giống bất cứ ai” là gì. Trò chuyện cũng thấy không hơn lúc bật bông phừng phừng và giao lưu với khán giả trên sân khấu nên bài viết đầu tiên của tôi về nhân vật này, cứ gọi là nhạt hoen hoét.

Cuối năm 1993 tôi công tác biệt phái Sài Gòn, có lần ngồi quán cà phê của Hội Văn nghệ Thành phố ở 81 Trần Quốc Thảo thấy “người Hà Nội lập nghiệp phương Nam” quần Jeans áo kẻ tươi rói đi vào thì lờ lớ lơ không buồn vẫy, bởi không muốn nhớ về bài báo nhạt hoét. Và sợ gặp sẽ phải nặn chuyện.

Ôi từ không đến có/Xảy ra như thế nào” (Xuân Diệu). Dần dà nhiều thứ sáng tỏ nhưng bệnh nghề nghiệp (không su-pơ-soi không phải phóng viên và biên tập viên) khiến cứ chấp chới, nói đùa là “dùng dằng như quan họ chia tay” (hồi đó thôi, xa lắm rồi). Chốt lại thì: “Là núi, mà không phải là núi, mà vẫn là núi”- đại loại thế.

Cái tên Phú Quang nghe chẳng có gì độc đáo. “Chữ Phú bị nặng nên Quang khiến tên trung hòa hơn”- anh nói. Và Phú Quang năm 1994 trong trí nhớ của tôi thì thế này: Da sáng, mũi cao và gọn như Tây, hay chun mũi khi cười. Miệng duyên. Ánh mắt chói nắng. Tuổi Trâu nên sợ ánh sáng- anh cho biết như vậy. Tôi chọc: Trâu còn thích nhai lại nữa. Anh cười nhường nhịn: Nghề diễn nó thế, không thể ngày nào cũng mới. Phục trang (hồi đó) rất kỹ nhưng không kiểu đỏm dáng mà rất nghệ sĩ. Thích vận đồ Jeans nom bụi bụi. Cầu kỳ duy mỹ từ chiếc bật lửa, bút máy, hộp đựng thuốc lá, cuốn sổ tay trở đi. Mẫu mã album luôn nuột. Có lần họp báo tặng mỗi nhà báo một hộp gỗ dài cẩn bức tranh sơn mài vẽ thiếu nữ và Hà Nội phố. Tôi khen: Hộp này đựng đũa tốt đây. Khổ chủ chun mũi cười: Đểu đểu đểu.

Làm người nổi tiếng, người sang của nước, thích nhỉ? Ấy thế, cái giá phải trả không hề nhẹ đâu, nhất là xuất hiện liên miên trên phương tiện thông tin đại chúng mà không cẩn thận thì mất nhiều hơn được, là miếng mồi ngon cho thiên hạ oánh chén, nhâm nhi, rán trên lửa nhỏ. Ai còn trẻ mà trót thân các vị đình đám này dễ mang tiếng “đánh đu với tinh”, “vui lòng làm phần Phụ lục cho cuốn Từ điển của nó”… Lúc gọi “tinh” lúc lại chê “sến, nhạt đến nỗi chả có cả dấu vân tay”, “nó làm gì có bạn mà chỉ chân trái của nó bạn với chân phải của nó”. Vân vân, các thứ. Nhất là văn giới mà bình phẩm thì thôi rồi - cứ gọi là chuốt nhọn đường lê mũi súng. Khiếp lắm.

Giới ca sĩ, Phú Quang khen Lê Dung có học nhất còn văn giới anh quí Lê Đạt, Thái Thăng Long, Chu Hoạch... Có lần cùng anh đến phố Lãn Ông chơi với Lê Đạt, hai người họ vốn thân nhau song hôm ấy nhà thơ cứ nheo mắt nhìn Phú Quang rồi nửa đùa nửa thật tố tội yêu đương nhăng nhít trước kia. Tôi bèn khái quát: “Chữ bầu lên Lê Đạt, tội ác bầu lên Phú Quang” khiến Lê Đạt cười khoái chí còn Phú Quang mang vẻ mặt “oan Thị Mầu”. (Tội ác, tức là tội chinh phạt kinh niên, còn “chữ bầu lên Lê Đạt” là bởi ông nổi tiếng với mệnh đề “chữ bầu lên nhà thơ”). Sau lần đó Phú Quang về phổ bài Bóng chữ của Lê Đạt, bài này Mỹ Linh hát hay: Chia xa rồi anh mới thấy em, như một thời thơ nhỏ/ Em về trắng đầy cong khung nhớ…

Còn nhớ sau một đêm nhạc thành công, Phú Quang khoản đãi bạn bè và báo giới ở khách sạn Bảo Long 57 Quang Trung. Nhà báo nữ Hồ Hải Âu bạn tôi ưu ái nói với Phú Quang: Em thích ca từ của anh lắm. Tôi đế: Thích thật, và ca từ của anh thích nhất là “Khúc mùa thu”. Phú Quang lại chun mũi cười: Đểu đểu đểu! (Vì Khúc mùa thu là thơ Hồng Thanh Quang đấy chứ). Tuy vậy Khúc mùa thu, Đâu phải bởi mùa thu... liệu có nổi địa vị hiện nay nếu chỉ là bài thơ mà không được nâng cánh nhạc? Và trong tốp những nhạc sĩ phổ thơ thành công nhất Việt Nam đương nhiên có tên Phú Quang sau các tiền bối Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Hoàng Vân, Phạm Tuyên….

Gặp không đùa thì nhạt, chúng tôi còn đùa về cái chết cơ mà! Phú Quang cho biết từng bị tuyên án tử mấy lần nên hay nói chuyện sinh lão bệnh tử. Tôi đùa: “Khi nào chán sống thì ra ký tín ám hiệu để em liệu đăng bài cho sớm. Tít, sa-pô, bài đinh đều thủ sẵn đây rồi, kể cả ma-két”. Cả hai cười ha hả, chả thấy có gì là trù ẻo, “phỉ phui” ở đây. Nhiều năm trước thỉnh thoảng anh ghé tòa soạn gửi tặng băng đĩa, tôi nhắn tin cảm ơn, động viên: “Trông vẫn trai lơ lắm” “Mắt vẫn chói nắng chứ”. Còn một kẻ như tôi theo Phú Quang, trên mộ nên khắc dòng chữ kiểu “Em về trắng đầy cong khung nhớ” (câu thơ Lê Đạt) hoặc “Người theo chủ nghĩa Hiện Tử, một ngày mười lần dọa bóp chết tình yêu”...

Lại nói về bệnh nghề nghiệp biên tập viên, su-pơ-soi, xét nét. Mấy chục năm trước có lần Phú Quang - Trung Đức ôm guitar đến diễn hợp đồng cho một cơ quan. Trung Đức ra sân khấu phi lộ: “Sau đây tôi hát bài… của nhạc sĩ số 1 Việt Nam hiện nay, Phú Quang”. Tan cuộc tôi hỏi “Anh Đức có nhất thiết phải nói thế không, xếp hạng số mấy số mấy ấy”. Phú Quang ngần ngừ rồi đáp “Cũng không nhất thiết thật”, ngưng một lát lại nói tiếp “Nhưng cũng không oan đâu”.

Hay trình ra hình ảnh viên mãn trước công chúng nhưng Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn. (Khi phổ câu thơ này của Hữu Thỉnh, Phú Quang sửa “cậy” thành “thấy”, “vắng” thành “xa” nghe không được đắt bằng nguyên bản nhưng có lẽ ngũ cung đòi hỏi như vậy). Người dường như có mọi thứ thực ra không quá mạnh như vẻ bề ngoài. Luôn khao khát điều đẹp đẽ thiêng liêng và những gì na ná. Đòi hỏi rất cao ở người khác về văn hóa, nghệ tinh, tấm chân tình, biết đùa, nhất là có tình yêu văn chương thơ phú càng tuyệt. Chế giễu nhưng thực ra rất trân trọng người “làm ra vẻ hiện đại nhưng thực ra rất cổ điển”. Càng trải đời, mệt mỏi với đời, anh càng đánh giá cao sự trong trẻo chân thật, nói chung những gì gần với tự nhiên, thông minh duyên dáng. NSƯT Thu Hà (Bà tỷ phú về thăm quê, Người đàn bà trước vành móng ngựa...) thân Phú Quang từ thập kỉ 80 thế kỉ trước, nói với tôi: “Điều chị quý ở Phú Quang là anh ấy không yêu ai chỉ đẹp không”. (Hồi xưa thôi, chứ hai mươi mấy năm lại đây thì không biết nên không dám hứa.Cả sự cắt nghĩa con người Phú Quang nói chung, cũng đều là hồi ức hồi niệm của người viết bài này về Phú Quang của năm 1994 thôi, còn trước và sau đó thì không dám chắc).

Người đặc sệt Hà thành này (theo cả nghĩa hay lẫn suýt hay), nhạc sĩ của Hà Nội, của những tình khúc vừa ca ngợi tình yêu đẹp đẽ vừa thấu hiểu sự mong manh “như chiếc lá đậu rồi lại bay” của nó, có lẽ đã sống cuộc đời giàu sự kiện “một đời đam mê một đời giông tố” như anh muốn, tiếc thay không quá dài. Hồi tháng 5/2020 có người gửi cho tôi bức ảnh Phú Quang trên giường bệnh của khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Việt Đức. Không chấn động mới lạ. Có vẻ lần này quí nhân bó tay còn bác sĩ cũng không nhầm lẫn nữa rồi. Nghệ sĩ ấy chẳng thể lang thang hoài trên phố mà đang “chơi vơi chơi vơi chẳng nhận ra mình” (ca từ bài Sinh nhật đen). Bảy tháng sau, 12/2020 anh qua cơn mê, tỉnh lại, tôi vào thăm, thấy mọi chuyện chỉ là vấn đề thời gian. Tuyệt vọng.

Giờ này thì sao? Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya không gian dạ hương sâu thẳm, từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về (Im lặng đêm Hà Nội), Bài thánh ca cho ta cho em/ Và ngọn nến mong manh trong đêm (Ngọn nến),Một nóc nhà thờ và gió. Xa lắm rồi xin đừng gặp lại. Em về bụi đỏ tìm anh (Trong miền ký ức)

Ngọn lửa hè đã tắt thật rồi. Mùa hạ còn đâu. Xin mùa hạ yên nghỉ. Hà Nội phố nhớ anh.