Lòng dũng cảm đang ở đâu?

TP - Báo chí hàng ngày kiên trì nêu lên những tấm gương sáng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, là hiện thân của lòng dũng cảm đáng trân trọng. Nhưng cho đến nay thứ của quý đó dường như vẫn bị khuất lấp bởi những chuyện xấu.
Ngôi biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Hà Nội

Trong tầm quan sát hạn chế của mình,tôi xin nêu ra 3 địa chỉ mà ở đó sáng ngời lên lòng dũng  cảm, ngõ hầu đem lại chút hơi ấm của niềm tin cho những người chính trực.

Một địa chỉ là Tòa án

Giữa tháng 9 vừa rồi, TAND thành phố Hồ Chí Minh có một quyết định là trả lại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hồ sơ vụ án “chạy” quota ở Bộ Thương mại, một vụ án mà có thể nói dân Việt Nam ai cũng biết. Cáo trạng của Viện KSNDTC truy tố 14 bị cáo với các tội danh nhận hối lộ, làm môi giới hối lộ, đưa hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi…

Mới nghe thì có vẻ nhiều, cả về số lượng bị cáo và tội danh, nhưng thực ra là chưa đủ, và đó là lý do để TAND thành phố Hồ Chí Minh trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung vì bản cáo trạng này có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Theo quý Tòa cấp thành phố này thì phải truy tố thêm 9 đối tượng và tăng khung hình phạt đối với hai bị can Mai Văn Dâu và Lê Văn Thắng. Chỉ ra được đến 9 đối tượng đúng ra phải truy tố mà bị bỏ sót là dũng cảm.

Chỉ ra được lý do để tăng khung hình phạt đối với hai bị can chính, là dũng cảm. Tòa án cấp dưới mà trả lại hồ sơ vụ án cho cơ quan kiểm sát cấp trên, là dũng cảm.

Ba hành động trên đây lại được thực hiện với cơ quan kiểm sát cấp cao nhất, là dũng cảm. Và sau cùng, xét trong phạm vi nội bộ ngành tư pháp, với lòng tự ái về tính chuyên môn và bản lĩnh nghề nghiệp, thì đó là quá dũng cảm.

Một địa chỉ là Chi cục Kiểm lâm

Cũng giữa tháng 9 này, ở vùng đất rừng nổi tiếng về gỗ quý và cũng nổi tiếng về những vụ án phá rừng nghiêm trọng nhất – Bình Thuận – nổi lên một hành động vô cùng dũng cảm.

Ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm của tỉnh có báo cáo gửi các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính T.Ư đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm minh trước pháp luật vụ phá rừng rất nghiêm trọng tại xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Bản báo cáo mang  những nội dung tố cáo rất cụ thể đối với UBND tỉnh Bình Thuận: Cho phép khai thác hàng ngàn mét khối gỗ, bao che tội phạm, trù dập người đấu tranh chống tham nhũng, ém nhẹm và báo cáo không đúng sự thật với Chính phủ về sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong quản lý đất có rừng, làm mất hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên.

Điều đáng nói là, trước đó, các cơ quan chức năng là Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Thanh tra Nhà nước tỉnh đều đã kiến nghị UBND chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra xử lý nghiêm theo pháp luật.

Vào thời điểm đó, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu xử lý nghiêm, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội thì phải chuyển cơ quan điều tra.

Nhưng đã một năm trôi qua, đến nay UBND tỉnh vẫn không chuyển, không giải thích lý do, ngược lại, còn có những chỉ đạo áp đặt và trù dập để xử lý kỷ luật lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm.

Trong tình thế đó, đủ bản lĩnh để chịu đựng được cả một năm vừa qua, là dũng cảm. Chịu đựng và đi đến quyết định tố cáo với cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước, là dũng cảm.

Biết phải tiếp tục chịu đựng nhiều nữa cho đến khi sự việc được giải quyết triệt để, mà vẫn tố cáo, là dũng cảm. Và hơn nữa, xét về sự an toàn tính mạng của một cá nhân, ở một địa phương mà “luật rừng” vẫn đang được bọn lâm tặc sử dụng, thì đó là lòng dũng cảm còn tuyệt vời hơn.

Một địa chỉ là tờ báo

Báo Tiền phong ngày 27/9/2006 đăng bài “Hà Nội: Bán biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa cho ông Hoàng Văn Nghiên”.

Bài báo hay đến mức: Ngày tiếp theo, báo này và các tờ báo khác đưa tin về các ý kiến giải thích của một số quan chức bậc thấp trực tiếp liên quan đến vụ việc, mà bạn đọc chỉ cần đọc báo là nhận ra ngay ra sự chống chế vừa thô thiển, vừa ngớ ngẩn.

Và đến ngày thứ ba, thì các báo đồng loạt đưa tin: UBND thành phố Hà Nội đã họp với các ban, ngành và ông Phó Chủ tịch khẳng định thành phố chưa có chủ trương bán biệt thự này cho ông Hoàng Văn Nghiên.

Để cho các quan chức giải bày, xin bạn đọc cứ hiểu trước cho rằng: Chữ “chưa” ở đây phải được hiểu là “không”; chắc chắn Thành ủy với ông tân Bí thư, vào một ngày gần đây, cũng sẽ nói không.

Còn chúng ta thì nói thẳng: Không những là “không”, mà còn là “không bao giờ”, “không được phép”!

May quá, hơn một triệu rưỡi đô la của thành phố, tức là của dân giao cho Nhà nước quản lý, may ra còn có cơ hội được ở lại với chủ của nó.

Khui ra một việc có nhiều dấu hiệu nhập nhèm có hại cho dân  tại chính mảnh đất mình đang đứng chân, là dũng cảm.

Chỉ một bài báo ngắn mà bảo vệ được một khối lượng lớn tài sản của Nhà nước, là hiệu quả tính bằng tiền của hành động dũng cảm này.

Nhiều tờ báo đồng loạt vào cuộc, đã mang lại kết quả tức thì, là hiệu quả xã hội có tính cảnh báo rất cao cho những ai vẫn đang nuôi ý định nhập nhèm đánh lận con đen trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy cam go này.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng với nhiều mất mát, thiệt thòi, thậm chí hy sinh thầm lặng, đang nhọc nhằn dấn bước đến đích. Cuộc đấu tranh đó rất cần có lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm đang hiện diện trong tất cả chúng ta.