Lời thề

TP - Sáng qua, ông Trần Đại Quang là người thứ hai đứng trước Quốc hội đặt tay lên cuốn Hiến pháp bìa đỏ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước. Trước đó, ngày 31/3, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tuyên thệ trong nghi lễ đón nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội do ĐBQH khóa 13 bầu.
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức vào sáng ngày 2/4.

Theo kế hoạch, ngày 7/4 tới đây, tân Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ nói lời tuyên thệ nhậm chức.

Sau lời tuyên thệ nhậm chức đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thành lập Chính phủ kháng chiến năm 1946, thì đây là lần thứ hai, những vị lãnh đạo cao nhất của đất nước lại tuyên thệ trong lễ nhậm chức. Để từ đây sẽ trở thành thông lệ, bốn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Chánh án Toà án nhân dân tối cao sẽ lần lượt tuyên thệ trước Quốc hội sau khi được bầu. Với một ý chí chung bất di bất dịch: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp”, cùng những lời hứa theo chức trách khác nhau của từng người.

Tuyên thệ, chính là thề. “Thề” nghe phổ biến, quen thuộc hơn. Sức nặng hơn.

Như suốt mấy mươi năm qua, với Mười lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và Năm lời thề danh dự của Công an nhân dân. Những chiến sĩ mới sau khóa huấn luyện đều quỳ xuống hôn lên Quân kỳ và đọc lời thề.

Như 5 lời thề bi tráng của Tổng bí thư Lê Duẩn trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Như ngày 30/4/1946, những thẩm phán đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa long trọng đọc lời thề trong lễ bổ nhiệm. Như lời thề của mỗi đảng viên mới trong lễ kết nạp. Lời thề của kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân khi bổ nhiệm…

Như hàng ngàn năm trước hội thề Nghĩa Lĩnh thời Hùng vương. Hội thề Đông Quan thời Lê… Thề đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm.

Năm 2009, Tổng thống Obama trong bài tuyên thệ nhậm chức (lần thứ nhất), cho rằng những tuyên thệ của các đời Tổng thống Mỹ thường “được thực hiện trong bối cảnh mây bão và giông tố bao trùm”. Trước thách thức ấy, nước Mỹ phát triển “không chỉ dựa vào kỹ năng và tầm nhìn của những người nắm giữ chức vụ cao nhất”, mà còn bởi họ luôn “trung thành với tư tưởng của tổ tiên và làm theo những văn bản đã được ban hành”. Rất đầy đủ và sâu sắc về hai khái niệm Nhân dân và Nhà nước, chỉ trong mấy chữ. Cũng là trọng trách cần tuân thủ và thượng tôn của bất kỳ lãnh đạo quốc gia nào.

Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cho rằng về hình thức nghi lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao, do chưa có kinh nghiệm nên có thể còn phải chỉnh sửa. Nghi thức có thể rút kinh nghiệm để sửa. Nhưng những quyết sách liên quan đến vận mệnh đất nước, và quyền của toàn thể nhân dân, thì rất khó để sửa mỗi khi sai lầm.

Lưu Quang Vũ mượn “lời thề thứ 9” trong 10 lời thề của Quân đội nhân dân Việt Nam để viết nên vở kịch lừng danh cùng tên. Đó là lời thề vì dân. Do vậy, đó sẽ là lời thề sống mãi.