Sáng 31/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp thứ nhất của Tiểu ban Xây dựng chuyên đề ''Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam'' (Tiểu ban số 01).
Tiểu ban số 1 được thành lập theo quyết định của Đảng đoàn Quốc hội, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chủ trì, chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Phó trưởng Tiểu ban Thường trực; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Phó Trưởng Tiểu ban.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công, Trưởng Tiểu ban số 01 cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” phân công cho Đảng đoàn Quốc hội nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.
Bên cạnh đó, Đảng đoàn Quốc hội cũng có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo vào đôn đốc thực hiện chuyên đề về tiếp tục đổi mới và hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Vừa qua, Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã có phiên họp thứ nhất.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Thường trực Tiểu ban đã công bố Quyết định thành lập Tiểu ban và báo cáo một số vấn đề để xem xét, quyết định trong Phiên thứ nhất.
Về kế hoạch triển khai, ông Tùng cho biết, dự thảo đề cương báo cáo chuyên đề hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/9; triển khai xây dựng các nội dung báo cáo theo đề cương hoàn thành trước ngày 1/11; hoàn thiện dự thảo báo cáo chuyên đề chậm nhất ngày 30/12; tiếp thu ý kiến của Ban Chỉ đạo, báo cáo Đảng đoàn Quốc hội thông qua chuyên đề để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương chậm nhất ngày 15/1/2022.
Dự thảo đề cương báo cáo chuyên gồm 5 phần, bao gồm: Sự cần thiết, mục đích, nhiệm vụ của chiến lược và tổ chức xây dựng chiến lược; một số vấn đề lý luận về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; thực trạng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật; quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và tổ chức thực hiện.
Xác định trọng tâm, trung tâm, đột phá
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Tiểu ban cho rằng, nội dung chuyên đề phức tạp với nhiều nội dung mới, liên quan đến nhiều nội dung nghiên cứu của Tiểu ban khác nên cần đặt trong tổng thể đề án chung.
Trong khi đó, thời gian thực hiện gấp rút, đòi hỏi tổ chức nghiên cứu phân công nhiệm vụ một cách khoa học, có tính kế thừa các nghiên cứu đã có; phối hợp nhịp nhàng hiệu quả với các Tiểu ban khác; tăng cường tổ chức nhiều hội thảo tọa đàm, lấy ý kiến để huy động trí tuệ các chuyên gia…
Đặc biệt, đề cương báo cáo chuyên đề cần phải được dự thảo càng chi tiết càng tốt. Do đó cần xác định rõ phạm vi về thời gian và nội dung, đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, lưu ý đến đánh giá thực tiễn và đổi mới quy trình lập pháp.
Các thành viên Tiểu ban đề nghị lưu ý quá trình xây dựng Báo cáo chuyên đề cần bảo đảm yêu cầu bám sát chủ trương đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; phản ánh đúng thực tiễn; đảm bảo sự toàn diện, đồng bộ, hiện đại khả thi, minh bạch, lưu ý chất lượng xây dựng pháp luật; vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế vào Việt Nam và thích ứng với pháp luật quốc tế.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan thường trực tiếp thu tối đa ý kiến để hoàn thiện kế hoạch. Đề cương báo cáo chuyên đề mang tính chất đề án nên đề cao tính ứng dụng thực tiễn, thống nhất phạm vi nội dung của chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến tính kế thừa trong quá trình thực hiện tận dụng tối đa kết quả tổng kết Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị; học hỏi kinh nghiệm quốc tế về nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật, những mô hình tương tự; tính đến sự phát triển trong bối cảnh mới, yêu cầu mới; những điểm mới về nội dung, xác định trọng tâm, trung tâm, đột phá.
Dựa trên cơ sở chính trị Chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Văn kiện đại hội Đảng…trên cơ sở đó cụ thể hóa yêu cầu của hệ thống pháp luật nói chung; xây dựng hệ thống pháp luật của đất nước đang trong quá trình phát triển, một mặt đi sau kế thừa, mặt khác vừa tận dụng đi tắt đón đầu; hệ thống pháp luật có tính dự báo xu hướng phát triển gắn với bối cảnh trong nước, quốc tế ở tất cả các lĩnh vực.