Lo ngại phường có 7 vạn dân

TP - Hôm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nhiều cử tri đã kiến nghị tình trạng quá tải của các công trình phục vụ dân sinh, sự yếu kém trong quản lý các khu chung cư cao tầng…
Cả trăm người dân chung cư 102 Thái Thịnh tập trung phản đối chủ đầu tư vi phạm quyền lợi của người dân. Ảnh: Minh Tuấn

Dân số tăng vọt, hạ tầng đi xuống


Tình trạng thiếu trường học, thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng diễn ra tại nhiều phường, nhiều tổ dân phố của quận Hai Bà Trưng. Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết chỉ tính riêng phường Vĩnh Tuy sau khi một số khu đô thị lớn đi vào hoạt động thì dân số thường trú đã tăng lên tới 7 vạn người, tức là gấp 4 lần dân số của một phường quy mô trung bình trong nội đô.

Trong khi đó tại đây hệ thống các trường mầm non, tiểu học công lập thì không tăng thêm dẫn đến quá tải nghiêm trọng về hạ tầng. “Nhiều nhà máy đã và đang thực hiện di dời và thay vào đó là các dự án cao ốc sẽ tiếp tục làm tăng dân số. Nhiều cử tri đã đề nghị tách phường Vĩnh Tuy vì quá đông dân”, ông Tuấn nói.

Tại quận Đống Đa, cử tri đề nghị cần dành đất đầu tư nâng cấp các chợ dân sinh thiết thực phục vụ người dân. Cử tri phường Kim Liên cho rằng hiện nay các trung tâm thương mại mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, còn lại đa số người dân vẫn mong muốn được sử dụng chợ dân sinh.

Tuy nhiên nhiều chợ đã xuống cấp, ô nhiễm, nhếch nhác cần được quan tâm đầu tư thêm. Trả lời cử tri, ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết quận đã quyết định dành hơn 700 m2 đất tại phố Đặng Văn Ngữ để xây dựng chợ dân sinh.

Khổ sở như ở chung cư

Tại buổi tiếp xúc cử tri hai quận, khá nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước thực trạng quản lý các khu căn hộ cao tầng hiện nay. Sự tham gia vào cuộc của chính quyền với các tranh chấp, các vướng mắc nảy sinh tại đây thường rất chậm và không hiệu quả.

Ông Vũ Tiến Sửu, cử tri phường Minh Khai phản ánh khu căn hộ 310 Minh Khai quản lý rất kém. Đất dành xây trường học rộng hàng ngàn mét vuông nhiều năm qua vẫn chưa triển khai, hạ tầng chậm hoàn thiện, quản lý tòa nhà thiếu chuyên nghiệp. Trong khi đó việc thành lập Ban quản trị chưa biết đến khi nào mới thành hiện thực. Trong khi nước sạch của tòa nhà không đảm bảo vệ sinh.

Ông Phạm Ngọc Quyết, cử tri phường Kim Liên phản ánh tiến độ cải tạo chung cư cũ của Hà Nội quá chậm, tác động xấu đến cuộc sống của người dân. Một số dự án cải tạo chung cư cũ được triển khai lại nảy sinh nhiều khiếu kiện, tranh chấp. Cử tri phường Ô Chợ Dừa nêu nhiều thực trạng các khu nhà cao tầng xây xong dân về ở nhưng nhiều năm mới nhập được hộ khẩu, gặp khó khăn trong ổn định cuộc sống, nơi học hành cho con cái.

Ông Lâm Anh Tuấn, đề nghị Sở Xây dựng cần có biện pháp mạnh hơn trong quản lý các khu căn hộ cao tầng. Thực tế tại quận Hai Bà Trưng, trong 20 dự án căn hộ đã đưa vào hoạt động thì mới có 2 dự án thành lập được Ban quản trị.

Phát biểu trước cử tri, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, trước tình trạng quá tải hạ tầng, gia tăng dân số quá mạnh, thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ lập phương án tách một số phường, xã.

Đối với việc quản lý tại các khu căn hộ cao tầng, cải tạo chung cư cũ, Bí thư Thành ủy cho biết, thành phố đang cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành Quy chế quản lý và chính sách cải tạo chung cư cũ cho phù hợp hơn

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng chiều qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã lưu ý ban tổ chức hội nghị cần rút kinh nghiệm, lần sau phải bố trí hai dãy bàn ghế, cử tri ngồi một bên, đại diện lãnh đạo sở ngành, quận, phường ngồi một bên để cử tri được ngồi ngang hàng với cán bộ, tạo điều kiện để cử tri thể hiện tâm tư nguyện vọng…