Ngày 29/1, tạo hình linh vật rồng trang trí Tết Giáp Thìn 2024 bắt đầu được lắp đặt tại không gian trước cổng Trường THPT Chuyên Quốc học Huế (TP. Huế), cạnh bờ sông Hương, bia Quốc học và đường Lê Lợi.
Tạo hình rồng trang trí Tết tại Huế có chiều dài 30m.
Tạo hình rồng này được dựng đặt tại không gian trước Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, gồm đôi rồng lớn đối diện nhau. Đến chiều 29/1, một trong hai tạo hình rồng đang trong quá trình hoàn thiện lắp đặt.
Thân rồng được làm bằng khung thép tròn, có nhiều đoạn uốn lượn từ đầu, thân, đến phần đuôi.
Đầu rồng mang sắc vàng chủ đạo.
Phía ngoài mình rồng được làm bằng xốp dẻo. Vảy rồng có hình chữ "Thọ" cách điệu với các màu đỏ, vàng, huyết dụ.
Toàn thân rồng phần thấp nhất đặt nổi so với mặt đất khoảng hơn 2m. Phần đầu và đuôi nhô cao hơn. Phía dưới thân rồng bay lượn sẽ được trang trí bởi các cây hoa, vật trang trí tượng trưng cho những đám mây, trăm hoa đua nở.
Phần thân và đầu rồng nhìn từ phía dưới lên.
Hoàn thiện phần ngoài thân rồng.
Tỉ mỉ lắp ghép, trang trí vảy rồng.
Theo cơ quan chức năng TP. Huế, linh vật rồng được chọn đặt tại bia Quốc học Huế là rồng triều Nguyễn, với thiết kế là sự tổng hòa của hình tượng rồng lớn, kết hợp với tạo hình trăm hoa đua nở.
Dự kiến, khi hoàn thành lắp đặt, không gian bia Quốc học Huế với linh vật rồng sẽ là điểm "check-in", tham quan dành cho người dân và du khách.
Trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Ban Dân vận Thành ủy Huế sẽ tổ chức chương trình Tết Huế từ ngày 1 đến 5/2. Ngoài ra, còn có Hội hoa Xuân, chương trình Tết, các hoạt động văn hóa, giải trí, vui Xuân tại các địa điểm trên địa bàn do UBND TP. Huế và các cơ quan chức năng địa phương tổ chức. Dọc bờ sông Hương từ Bảo tàng Hồ Chí Minh đến cầu Trường Tiền được trang trí nhiều loại hoa, cây cảnh, đèn lồng, sinh vật cảnh và các tạo hình khác. Hoạt động vui Tết còn được tổ chức tại các tuyến phố đi bộ Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, công viên - đường đi bộ hai bên bờ sông Hương, Quảng trường Ngọ môn, phố đêm Hoàng thành Huế…
Ngọc Văn