SAS được thành lập trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi các nhóm binh lính nhỏ được để lại phía sau chiến tuyến của kẻ thù ở Bắc Phi và châu Âu. Kể từ đó, SAS được triển khai trong hầu hết các cuộc chiến của Anh.
Nguồn gốc sa mạc
SAS có nguồn gốc từ sa mạc Bắc Phi. Nó được thành lập với tên gọi 62 Biệt kích vào tháng 7/1941 để thực hiện các cuộc đột kích quy mô nhỏ phía sau phòng tuyến của kẻ thù. Thành viên của đội đến từ nhóm Biệt kích số 7 và cũng hoạt động dưới tên hiệu Biệt đội L - Lữ đoàn Không quân Đặc biệt. Một lữ đoàn thường bao gồm khoảng 5.000 người, vì vậy cái tên này được bịa ra để đánh lừa kẻ thù.
Hai tháng sau khi thành lập, Biệt đội L được đổi tên thành Lực lượng Đột kích quy mô nhỏ số 1. Nhóm này tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sân bay và bến cảng của đối phương trong chiến dịch Bắc Phi (1940-1943), thường phối hợp chặt chẽ với Nhóm Sa mạc tầm xa.
Hoạt động ở châu Âu
Tháng 10/1942, đơn vị được đổi tên thành Lực lượng không quân đặc biệt số 1. Tháng 4 năm sau, nó được tái tổ chức thành Phi đội Đột kích đặc biệt và thực hiện các cuộc đột kích ở Sicily, Ý cùng với Lực lượng không quân đặc biệt số 2, ra đời vào tháng 5/1943 tại Algeria.
Năm 1944, hai đơn vị này được đặt dưới quyền của Lữ đoàn Không quân đặc biệt và có thêm các Lực lượng Không quân đặc biệt số 3, 4 và 5. Ba lực lượng sau được thành lập bằng cách đổi tên các đơn vị nhảy dù.
Đội hình của lữ đoàn đã tham gia nhiều hoạt động, thường xuyên ở phía sau phòng tuyến của kẻ thù, từ Cuộc đổ bộ Normandy (tháng 6/1944) đến khi Đức đầu hàng vào tháng 5/1945. Nhưng ngay sau chiến tranh, SAS đã bị giải tán.
Thành lập lại
Năm 1947, SAS được thành lập lại. Lần này nó chỉ bao gồm một đơn vị quân địa phương - Tiểu đoàn 21, Trung đoàn Không quân đặc biệt. Năm 1951, Phi đội Z của SAS 21 được triển khai trong Cuộc nổi dậy Malaya (1948-1960) ở Borneo thuộc Malaysia. Phi đội Z đã chiến đấu dưới cái tên Đội hướng đạo Malay.
Năm 1952, đơn vị được đưa vào quân chính quy với tên gọi Trung đoàn 22 SAS. Đây là lần duy nhất một đơn vị chính quy được hình thành từ một đơn vị quân địa phương. Nhiều tình nguyện viên đầu tiên là người Rhodesia (ở châu Phi) và người New Zealand.
Năm 1959, đơn vị SAS thứ ba được thành lập - một lần nữa là lực lượng quân địa phương - được gọi là Trung đoàn 23 SAS. Đây là sự đổi tên của Đơn vị Trinh sát dự bị, kế nhiệm của MI9, với thành viên là các chuyên gia lẩn tránh, trốn thoát.
Một số chiến dịch lớn
Các đơn vị SAS phục vụ trong Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-1991), nơi họ được giao nhiệm vụ săn lùng và giải giáp các đơn vị tên lửa di động. Trung đoàn trở lại Iraq năm 2003 sau khi được triển khai nhiệm vụ giải cứu con tin ở Sierra Leone (2000). SAS cũng tham gia nhiều chiến dịch chống lại Taliban ở Afghanistan (2001-2014).
Trước đó, SAS thực hiện các chiến dịch ở Borneo, Oman, Indonesia, Yemen, Ireland, quần đảo Falkland (mà Argentina gọi là Malvinas)…
Năm 1980, một đơn vị SAS giải cứu 19 con tin bị một nhóm khủng bố (theo quan điểm của phía Anh) bắt giữ tại Đại sứ quán Iran ở thủ đô London của Anh. Trong cuộc đột kích kéo dài 17 phút (từ 7h23 tối đến 7h40 tối 5/5/1980), SAS giải cứu 19 con tin, tiêu diệt 5 trong tổng số 6 tay súng thuộc Phong trào Cách mạng Dân chủ cho Giải phóng Arabistan (DRFLA). Một con tin bị giết trong cuộc giải cứu.
Ngày 23/4, hãng RIA dẫn nguồn tin từ cơ quan an ninh nước này nói rằng khoảng 20 thành viên của SAS đã được điều đến tỉnh Lviv của Ukraine. Ủy ban điều tra của Nga cho biết họ sẽ xác minh thông tin lính SAS được đưa đến Ukraine để “hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm Ukraine tổ chức hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Ukraine”.