Lệ rơi vì sức lao động rẻ

TP - Sự nghẹn ngào và cả nước mắt đã rơi trên nghị trường trong sáng 23/10, khi các đại biểu Quốc hội tranh luận về việc giữ nguyên hay tăng giờ làm thêm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm được quy định trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Hầu hết các đại biểu khi đưa ra ý kiến đều có những lập luận phù hợp theo quan điểm, góc nhìn lĩnh vực mà mình hoạt động. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông bày tỏ sự đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm. Theo ông Lộc, làm thêm là “cực chẳng đã với doanh nghiệp”, song đó là nhu cầu tự nguyện của người lao động.

“Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 99% làm thêm giờ ở nước ta là có sự thỏa thuận tự nguyện của cả hai bên. Tăng giờ làm thêm là yêu cầu của cuộc sống, phù hợp lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động”, ông Lộc cho biết.

Không đồng tình với lập luận trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã sử dụng quyền tranh luận để lật ngược lại vấn đề rằng: “Những người làm công tác công đoàn cho biết, người lao động không muốn làm thêm giờ”. Thực tế theo bà Tâm, người lao động không muốn làm thêm nhưng buộc phải làm thêm do tiền lương không đủ để trang trải cuộc sống tối thiểu. Đời sống nhiều lao động còn khó khăn, chật vật.

Với sự nghẹn ngào, rơi nước mắt, bà Tâm đề nghị các đại biểu “hãy nhìn những đứa trẻ con của công nhân phải gửi con về quê cho ông bà chăm sóc, có cha mẹ nào nỡ lòng xa con. Có những người già phải chăm cháu để con đi xa làm ăn. Chúng ta phải trân trọng những người như thế.

Họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng nên họ phải đi tìm việc làm. Nếu nói họ tự nguyện để làm quần quật cả ngày thì tôi cho rằng, phải tranh luận”, bà Tâm nghẹn ngào và đề nghị “hãy nhìn vào đời sống thực tế của công nhân”…

Những năm qua, với sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống về vật chất và tinh thần của công nhân lao động đã không ngừng cải thiện. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, thu nhập của công nhân, người lao động vẫn còn thấp, chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng/ tháng.

Họ hiếm có thời gian dành cho sinh hoạt văn hóa tinh thần, chăm sóc con cái… Có nhiều người, sau nhiều năm “bán sức” lao động giá rẻ, sức khỏe sa sút, họ phải đối diện với nguy cơ bị sa thải, phải trở lại quê với 2 bàn tay trắng: không nhà cửa, không tiền, không của cải dự trữ…

Việc xây dựng Bộ luật Lao động suy cho cùng phải hướng đến sự hài hòa lợi ích, sự tiến bộ của xã hội chứ không phải tăng trưởng bằng việc sử dụng tăng giờ lao động. Năm 2012, khi xây dựng Luật Lao động, Quốc hội đã quy định thời gian làm thêm tối đa một năm là không quá 300 giờ.

7 năm sau, kinh tế đất nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, song vấn đề đặt ra là những thành tựu này mang lại những lợi ích gì cho người lao động khi mà mục tiêu “giảm giờ làm” đang ngày càng xa vời.

Một nền kinh tế muốn mạnh, muốn vững thì không thể chăm chăm thu hút đầu tư bằng cách bán rẻ, “vắt” kiệt sức tuổi trẻ của người lao động. Nhưng ở nước ta vẫn tồn tại thực tế này.