> Tội ác 'nảy sinh' mùa lễ hội
> Lễ hội phản chiếu nhân tâm xã hội
> Lễ hội vứt tiền
> Thất vọng với Lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình
Để đạt được quyền chức- cái mà cầu luôn vượt gấp nhiều lần cung- đương nhiên là khó khăn, phải giành giật, thậm chí giẫm đạp lên nhau, phải viện tới những thế lực cao hơn... Và tất cả những điều đó in dấu vào những lễ hội truyền thống nhưng rất đương đại kiểu “khai ấn”. Rất đặc sản Việt Nam. Người ta đến đó không phải để vui chơi mà với sự nghiêm trang khác thường, chuẩn bị sẵn tâm lý để chen lấn, xin xỏ…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Kiên từng phát biểu: “Về cái gọi là lễ khai ấn, từ năm 2010 tôi đã chứng minh rằng, đó là một sự xuyên tạc lịch sử. Không có lễ khai ấn đền Trần nào đã từng tồn tại trước khi người ta phải bịa ra nó, rồi phải giải quyết rất nhiều hệ lụy rất rắc rối về mặt xã hội”.
Nhưng biết đâu cũng có thể coi đây là lễ hội có yếu tố sáng tạo dựa trên truyền thống? Và nó được thiết kế để phù hợp với nhu cầu cấp thiết của con người hiện đại. Sự hứa hẹn về một quyền lực mà người ta đang không biết cách nào chiếm hữu nhanh nhất, bỗng dưng có được trong tầm tay qua hình thức lá ấn.
Theo như báo chí mô tả thì việc xin ấn không phải là quá khó. Bạn chỉ cần chịu khó đi sớm, nếu ở xa thì tốt nhất đến từ đêm hôm trước, chịu khó xô đẩy một tí, và bỏ ra 10-20 nghìn công đức là có được lá ấn. Tuy nhiên, nếu bạn muộn cũng không sao, có những người “đầu cơ” ấn và bán lại cho bạn với giá cũng chỉ 50-100 nghìn. Tuy nhiên cẩn thận nhất, bạn nên đặt ấn từ rằm tháng 8 năm trước và mang hóa đơn đến lấy sau giờ khai hội.
Nhà tâm lý học Gustave le Bon nhận định: “Đám đông chỉ có thể suy nghĩ bằng hình ảnh, chỉ bị ấn tượng bởi hình ảnh”. Nếu có một tác giả của lễ khai ấn đền Trần thì đó là một người đại tài vì đã nắm vững tâm lý và nhu cầu của đám đông qua việc đưa ra lá ấn. Nếu trong xã hội, không ai dám chắc quyền lực hay chức tước có thể mua được thì lễ hội khai ấn đền Trần đã vật chất hóa ý tưởng này qua việc biểu tượng hóa đồng thời thương mại hóa một mảnh giấy gọi là lá ấn- một “sản phẩm” có thể nói là vô giá theo cả nghĩa đen và bóng. Hơn nữa, nó lại mang tính độc quyền, vì ý nghĩa tâm linh không thể kiếm được ở đâu khác ngoài đền Trần.
Nhưng rồi có lẽ vì thấy ấn đền Trần- Nam Định phát quá chạy, nên một số đền Trần ở địa phương khác cũng khuếch trương lễ hội của họ, nếu không phát ấn được một cách chính thức thì phát lương (túi thóc giống) chẳng hạn. Có nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động như thế là “cạnh tranh tín ngưỡng thương mại”, là “báng bổ lịch sử”. Nhưng nhìn theo con mắt trần tục thì đấy cũng là một cách giảm tải cho lễ khai ấn đã quá thành công về lượng người tham dự. Nếu nói một cách thô thiển thì lại vẫn là: Có cung ắt có cầu.
Bạn có thể là một người lãnh đạo, giám đốc doanh nghiệp hay là người làm báo, làm ruộng… nhưng về chí tiến thủ thì chúng ta đều bình đẳng. Thời trước, đã có người khái quát: “Mỗi người Việt Nam có một ông quan trong bụng.” Dân ta xưa chịu khó học chữ, học làm văn làm thơ phần nhiều không phải để trở thành nhà văn nhà thơ, mà để ra làm quan. Đâm ra Việt Nam cho đến ngày nay vẫn không đào đâu ra văn hào.
Vì văn chương bị coi là cách lập thân tối hạ. Còn quan lộ chắc mới là con đường duy nhất đúng đắn. Khi ai cũng chỉ chăm chăm làm quan, lấy ai tập trung làm chuyên môn, làm trí thức, lấy ai sản xuất… Phải chăng vì thế mà từ kinh tế đến khoa học Việt Nam vẫn thuộc loại chậm phát triển.
Gần đây, một lễ hội cấp làng mới được khôi phục được báo chí nhắc tới, chắc vì nội dung mang tính thời sự. Đó là lễ hội Minh Thệ ở đền Hòa Liễu (Kiến Thụy, Hải Phòng). Được biết, hịch văn hội Minh Thệ quy định 4 nội dung chính cho đại diện của mỗi tầng lớp những điều được và không được làm: Đối với những người có chức sắc trong làng phải quyết tâm giữ gìn của công. Nếu lấy của công làm của tư thì “nguyện chư thần đả tử” (bị thần linh đánh chết); người dân thì phải thật thà, không ai lấy của ai bất kể lúa má, hoa màu, vườn cây, hoa quả. Nếu lấy cắp của nhau “nguyện chư thần đả tử”; những người làm công chức, nông dân, tri thức thì phải ăn ở phân minh, không dùng quyền uy để chèn ép người khác, không bao che kẻ trộm cắp, người nào không thực hiện được điều này, sẽ bị thần linh soi xét, xử phạt.
Để cam kết thực hiện đúng những quy định này, các vị chức sắc, cao niên và đại diện cho các giới trong làng cùng cắt máu (gà) ăn thề tại lễ khai hội. Đây là lễ hội có lẽ phù hợp với những ai muốn làm người tốt dù ở bất cứ vị trí nào. Cũng có chút liên quan tới quyền lực, không biết trong tương lai, hội Minh Thệ có mở rộng quy mô?