Sau khi ông Trump đưa ra quan điểm “Mỹ trước tiên” và trách cứ các hãng lớn như General Motors, Lockheed Martin, United Technologies… vì sản xuất hàng ở Mexico hoặc vì giá sản phẩm của họ, các lãnh đạo chính trị và các hãng lớn có mặt tại Davos năm nay cho biết họ đang chuẩn bị cho việc điều chỉnh cho phù hợp với thời kỳ của ông Trump. “Thông điệp cơ bản là phải có tính quốc gia hơn, chứ không chỉ toàn cầu”, Reuters dẫn lời ông Richard Edelman, Tổng giám đốc điều hành của hãng tiếp thị truyền thông Edelman.
General Motors đầu tuần này thông báo họ sẽ tạo ra gần 2.000 việc làm trong ngành chế tạo ở Mỹ, bao gồm việc chuyển một số hoạt động sản xuất từ Mexico về Mỹ. Hãng xe hơi này nói rằng họ muốn “sản xuất ở nơi bán hàng”. “Chúng tôi cần thích nghi là điều không có gì phải nghi ngờ”, ông Carlos Ghosn, Giám đốc điều hành của Renault-Nissan, nói với Reuters. “Mọi hãng chế tạo ô tô đều phải xem lại chiến lược của họ trước những điều sắp xảy ra”, ông Ghosn nói.
Thêm một động lực để các hãng gia tăng hoạt động sản xuất trên đất Mỹ là hứa hẹn hạ thuế thu nhập doanh nghiệp dưới thời chính quyền Trump. “Điều đó có nghĩa là tăng cường đầu tư vào Mỹ”, Tổng giám đốc điều hành hãng dược Novartis, ông Joe Jimenez, nói.
Động thái chuyển từ toàn cầu hóa về địa phương hóa để thích nghi với chính sách của ông Trump đã biểu hiện rõ rệt trong một số ngành công nghiệp như thực phẩm và thời trang, khi các ngành này đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu khách hàng bằng vật liệu nội địa và sản xuất trong nước. Những doanh nghiệp khác cũng đang nghĩ về con đường địa phương hóa để giảm bớt tác động của rủi ro tiền tệ trong một số thị trường cụ thể. Ví dụ, các công ty thực phẩm ở Anh sau khi hứng chịu chi phí sản xuất tăng vọt vì đồng bảng sụt giảm trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu về việc Anh rời khỏi EU (Brexit) đã bắt đầu quay về với các nhà cung cấp địa phương nhằm giảm chi phí.