Làng tái chế rác giữa Thủ đô

TP - Rác, phế liệu ngổn ngang chất cao ngập đầu người khắp làng, vào tận trong các ngõ ngách; mùi nhựa tái chế, lông, da,... bốc lên khét lẹt, hôi tanh khó chịu tại thôn Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì) và phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm).
Nhựa phế liệu được người dân để dọc đường thôn Triều Khúc. Ảnh : M.Q

Sống chung với rác

Ngay trước Hội trường UBND xã Tân Triều là điểm tập kết nhựa phế thải. Chốc chốc lại thấy người dân vận chuyển những bao tải phế liệu lớn, nhem nhuốc, chất thành đống để ngay đó. Cách trụ sở UBND xã Tân Triều không xa là nơi tập trung nhiều cơ sở thu gom, sản xuất, kinh doanh phế liệu. Những chuyến xe chở nhựa phế liệu tấp nập ra vào. Rác tràn ngập, vứt ngổn ngang cao ngập đầu người, mùi hôi, tanh khó chịu.

Theo báo cáo của xã Tân Triều, đến năm 2015 trên địa bàn còn khoảng 130 cơ sở sản xuất kinh doanh tái chế phế liệu. Có 47 hộ gia đình, cá nhân thu mua phế liệu nhựa, đồng nát trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. 

Có 70 hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động sơ chế. Hoạt động này chủ yếu là phân loại, băm chặt nhỏ và rửa sạch nhựa rồi bán cho các cơ sở sản xuất. Trong quá trình sản xuất có gây ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn và nước thải khi rửa sạch nhựa. Có 11 hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động tái chế nhựa, bởi vậy trong quá trình hoạt động có gây ô nhiễm môi trường.

Một địa điểm khác cũng đang gây ô nhiễm, tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), ngay dưới chân cổng chào là một đống nilon phế liệu to lù lù chất cao ngập đầu người. Người dân ở đây phơi những phế phẩm bao tải, nilong ngay tại đường giao thông. Nhiều đống nilon, bao tải lớn được chất khắp đường làng, ngõ xóm.

Ô nhiễm vẫn chấp nhận được(?!)

Ông Bùi Văn Phúc, cán bộ phòng Địa chính – Môi trường, UBND xã Tân Triều, Thanh Trì khẳng định xanh rờn, “mức độ ô nhiễm ở xã hiện nay là chấp nhận được. Nếu không có nghề này thì không biết bao nhiêu người chết đói? Nếu không có cơ sở thu gom như ở Triều Khúc thì vật liệu cả Thủ đô Hà Nội này đổ đi đâu? Chẳng có một thôn nào mà trung bình 1 ngày có khoảng 20 tấn rác”, ông Phúc nói.

Đối với phường Trung Văn, ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, hiện trên địa bàn phường Trung Văn còn 25 hộ thu gom, tái chế phế liệu, túi nilon, bao tải để làm thành sản phẩm là dây thừng, dây nhựa. Hoạt động này vẫn được thực hiện một cách thủ công, không xử lý được khí thải gây ô nhiễm môi trường.