Làng nghề đặc sản vào Tết

TP - Các làng nghề chế biến đặc sản từ chót mũi Cà Mau đến tận bưng biền Đồng Tháp Mười… đang hối hả cho ra đời từ món đặc sản phục vụ thị trường Tết. Dù đã tăng cường nhân lực, nhịp độ sản xuất nhưng sản phẩm làm ra vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.
Làng khô cá biển cửa Sông Đốc. Ảnh: Tiến Hưng.

Khô cá, tôm Cà Mau được giá

Những ngày này, làng tôm khô Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đang tất bật làm tôm khô mùa Tết đến, tiếng đập bỏ tôm bình bịch, mùi tôm khô xông lên mũi. Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, Trưởng Ban quản lý nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc cho biết, từ năm 2011, tôm khô Rạch Gốc được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể. Bà con nơi đây mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất như lò sấy, máy tách vỏ, máy phân cỡ, máy sàng lọc để nâng năng suất, chất lượng tôm khô.

Huyện Ngọc Hiển hiện có trên 15 cơ sở sản xuất tôm khô, thu hút 200-300 lao động và mỗi tháng sản xuất 20- 30 tấn tôm khô thành phẩm. Trong đó, 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể tôm khô Rạch Gốc.

Ông Bùi Hoàng Chương, cơ sở sản xuất tôm khô xã Tân Ân Tây (Ngọc Hiển) cho biết, quy trình làm tôm khô gồm các công đoạn mua tôm nguyên liệu tươi, phân loại kích cỡ, rửa sạch, luộc, phơi hoặc sấy, tách vỏ, sàng lọc, lau bóng, phân loại, đóng gói. Ông Chương tiết lộ bí quyết: “Để tôm khô có màu hồng tự nhiên, thịt khô dẻo, vị ngọt đậm đà… thì phải luộc tôm tươi cách thủy”.

Mùa cá đồng vùng ngọt hóa U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời (Cà Mau) cũng đang vào vụ thu hoạch và chế biến. Khô cá bổi, cá lóc được phơi từ nhà ra ngõ và tràn cả ra đường. Ông Lê Minh Đức, chủ cơ sở khô cá bổi Ba Đức, ở khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời) cho biết, mỗi năm cơ sở của ông tiêu thụ khoảng 60 tấn cá bổi, riêng tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán khoảng 2 tấn.

Thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) là nơi cung cấp nguồn khô biển hàng đầu tỉnh Cà Mau với hơn 1.200 tàu cá tấp nập người mua bán. Bà Nguyễn Thị Nghĩa chủ sạp khô mực tại chợ Sông Đốc cho biết, dịp này giá các loại khô biển đều tăng khoảng 10%, riêng khô mực tăng hơn 100.000 đồng/kg mỗi loại. Hiện nay, mực khô loại 1 (8-12 con/kg) giá 900.000 đồng/kg.

Hoạt động của các cửa hàng đặc sản khô tôm, cá tại Chợ Nông sản TP Cà Mau cũng sôi động không kém. Bà Trần Hằng Ly, chủ một của hàng khô tại đây cho biết, giá các loại tôm khô dao động từ 400.000 đến 1.200.000 đồng/kg. Người mua ưa chuộng nhất là loại cỡ lớn, giá từ 700.000 trở lên để làm quà biếu. Các chủ vựa khô ở chợ này cho biết giá cả các mặt hàng khô cũng bắt đầu nhích lên từng ngày và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung. Cụ thể, giá khô khoai tăng gần 100.000 đồng/kg so với năm trước, loại khô trung bình đã 220.000 đồng/kg vì cá khoai bị thất mùa, tăng gần 70.000 đồng/kg so với năm ngoái.

Riêng các loại khô cá đồng có xu hướng giảm mạnh do nguồn cung dào dồi. Chủ vựa khô Liêm Biển cho biết, vì giá cá bổi nguyên liệu tươi giảm chỉ còn 35.000 đồng/kg nên khô cá bổi cũng giảm còn khoảng 250.000 đồng loại lớn.

Đặc sản tôm khô Cà Mau mùa Tết.

Đặc sản bưng biền Đồng Tháp Mười: Làm không đủ bán

Các làng nghề đặc sản vùng bưng biền Đồng Tháp Mười cũng đang vào mùa cao điểm, hối hả làm ra sản phẩm cung cấp cho thị trường Tết. Làng làm khô cá lóc ở xã Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) có 15 cơ sở chế biến và trên 30 điểm bán cá khô các loại. Mỗi cơ sở chế biến thu hút 10 - 15 lao động làm việc ngày đêm. Trung bình, mỗi cơ sở chế biến trên 200 kg khô cá lóc, cá sặc rằn thành phẩm/ngày, thậm chí trên 300 kg sản phẩm vào lúc cao điểm, tăng gấp 2 - 3 lần so với Tết năm ngoái. Mặc dù vậy, sản phẩm làm ra tới đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty CP Tứ Quý cho biết, năm nay lượng khách hàng đặt cá khô sớm hơn năm vừa rồi. Những ngày đầu Tết dương lịch 2017, công ty đã giao theo đơn đặt hàng trên 1,5 tấn khô cá lóc và khô cá sặc rằn. Công ty đang chuẩn bị giao tiếp cho các cửa hàng, đại lý, siêu thị trên 500 kg cá khô các loại. Dự kiến, trong dịp Tết năm nay, công ty sẽ sản xuất và bán ra thị trường khoảng 9 tấn khô cá lóc và khô cá sặc rằn các loại. Ông Bình cũng cho biết, giá cá lóc nguyên liệu dao động mức 25.000 đồng/kg giảm hơn cùng kỳ năm trước từ 10.000đồng/kg do nguồn nguyên liệu dồi dào. Giá cá lóc khô cũng giảm 30.000 - 50.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và nằm ở mức 120.000 - 150.000 đồng/kg.

Năm nay, cơ sở sản xuất khô cá lóc Kim Liên thuê thêm nhân công và tăng hết công suất hoạt động để làm nhiều sản phẩm khô cá lóc bán ra thị trường, nhưng vẫn không đủ cung cấp. Ông Nguyễn Ngọc Quý, chủ cơ sở Kim Liên bộc bạch: “Năm rồi, vào thời điểm này bình quân mỗi ngày cơ sở của tôi chỉ bán khoảng 100 kg khô cá lóc các loại; còn năm nay bán tăng hơn gấp đôi. Mỗi ngày tiêu thụ trên 200 kg khô cá lóc các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TPHCM, Bình Dương và các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) có một tổ thanh niên hợp tác làm dưa kiệu với trên 10 cơ sở, quy mộ 7 đến 10 lao động. Trung bình mỗi cơ sở cho ra đời 50 - 70 keo dưa kiệu thành phẩm/ngày. “Làm không đủ bán”- bà Nguyễn Thị Cưng, chủ cơ sở chế biến dưa kiệu Thành Công 2 nói. Bà cho biết, năm nay giá củ kiệu tươi tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg, giá thuê nhân công cũng tăng nên giá bán dưa kiệu tăng từ 7.000 - 10.000 đồng/keo so cùng kỳ năm trước.

Dù giá tăng, nhưng dưa kiệu ở đây thơm, ngon và có hương vị riêng, không có chất bảo quản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên khách hàng rất ưa chuộng. Chỉ trong 2 ngày nghỉ Tết dương lịch vừa qua, cơ sở sản xuất dưa kiệu Thành Công 2 đã bán được trên 250 keo dưa kiệu các loại.

Anh Trần Minh Tân, chủ cơ sở chế biến dưa kiệu Tân Quyến (xã Phú Hiệp) cũng cho biết, cơ sở của anh chỉ sản xuất ra 2 loại dưa kiệu trong hộp nhựa 300gram và 700gram với giá bán 60.000 và 120.000 đồng/hộp. Anh đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu đặc sản dưa kiệu Tân Quyến nên được nhiều khách hàng tin dùng. Anh Tân cũng cho biết, khoảng một tuần nay, cơ sở của anh đã bán cho thị trường TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… trên 500 hộp dưa kiệu. Hiện tại, cơ sở dưa kiệu của anh Tân đang có hợp đồng đặt mua 700 hộp dưa kiệu các loại.

Cùng với kiệu, mặt hàng sen cũng đang rất hút hàng trong dịp Tết và các cơ sở chế biến đang tất bật để cung cấp cho thị trường các sản phẩm chế biến từ sen. Cơ sở chế biến sữa hạt sen Ba Tre (xã Phú Cường, huyện Tam Nông) đang tăng nhịp độ sản xuất nhiều sản phẩm để cung cấp cho thị trường Tết.

Chủ cơ sở Ba Tre cho biết, sữa hạt sen được làm thủ công. Hạt sen được chọn chế biến là hạt tươi đã già, đủ độ béo. Sau khi lột sạch vỏ, bỏ phần tâm sen, hạt sen được xay nhuyễn cùng với nước sạch. Hỗn hợp sau khi xay, được nấu sôi, sau đó được lược lọc sạch bã, cho đường vào rồi nấu thêm chừng khoảng 5 phút nữa là sẽ có sữa sen. Để sữa sen nguội và cho vào chai. Giá bán một chai sữa hạt sen từ 10.000 đến 12.000đồng/chai 400 ml. Đây là một loại nước uống mới đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng trong mùa Tết này vì có hương vị đậm đà, thơm ngon và bổ dưỡng…

Theo các cơ sở sản xuất, chế biến đặc sản, mấu chốt để các sản phẩm làng nghề được người tiêu dùng ưa chuộng là sản phẩm làm thủ công, hợp vệ sinh, thơm, ngon và có hương vị riêng, không sử dụng chất bảo quản trong khi giá bán phải chăng. Riêng các sản phẩm khô chủ yếu được phơi dưới ánh nắng mặt trời.