Làm việc hay là chết... vì COVID-19?!

TP - SARS-CoV-2 rõ ràng rất khó hiểu khi có tới 8 biến thể hoạt động trong mọi môi trường khí hậu. Từ mùa Đông vắt qua mùa Hè, những bộ óc thông minh nhất loài người vẫn chưa tìm ra thuốc giải. Sự khó hiểu của giống virus này có lẽ sánh ngang được với… người. Thế nên mới dính nhau dai dẳng đến vậy(!)

Khó hiểu như người Mỹ: Trong khi số lượng người nhiễm và người chết vì COVID-19 dẫn đầu thế giới, thay vì giãn cách xã hội, vẫn hăng hái xuống đường biểu tình đòi đi làm. Một số người mặc quân phục, mang cả vũ khí thể hiện lập trường “Sống tự do hay là chết”! Người đeo mặt nạ phòng độc, người thì khẩu trang, phần lớn chả đeo gì.

Hẳn là một kiểu tham công tiếc việc hay không chịu ngồi nhà, chứ được biết có tới 90% dân Mỹ được nhận trợ cấp của chính phủ từ 1.000 đến 1.200 đô la tùy thu nhập, trẻ con cũng được 500 đô. Nếu tình trạng khẩn cấp kéo dài sẽ còn được cho nữa, ai thất nghiệp vẫn tiếp tục có trợ cấp với mức nhiều hơn bình thường.

Thực ra mỗi cuộc biểu tình ở Mỹ nhiều lắm thu hút cũng vài trăm người. Nhằm nhò gì so với 3.000 người đi đưa đám con bò 10 tuổi tại thành phố Madurai, Ấn Độ hôm 12/4. Hẳn là địa phương không đủ cảnh sát và roi để dẹp vụ này. Con này trở thành bò thiêng sau khi chiến thắng tại một lễ hội đấu bò… Mấy ngày sau tại Bangladesh, lại diễn ra lễ tang của một giáo sĩ Hồi giáo với 100 ngàn tín đồ tham gia. Kệ chính phủ cấm tụ tập 5 người trở lên, tháng trước, 25 ngàn dân Bangladesh vẫn tập trung cầu nguyện cho đất nước thoát khỏi COVID-19. Sớm muộn thì nước nào cũng thoát khỏi đại dịch cả. Có điều tổn thất nhân mạng là bao nhiêu...

Ở những nước phát triển, nhu cầu đi làm mang tính tinh thần, thể hiện văn hóa là chính. Chẳng hạn người Nhật bấy lâu vẫn đo trách nhiệm và sự mẫn cán bằng thời gian lao động tại công sở. Nay bỗng loay hoay vì không chuẩn bị phương tiện cơ sở cho làm việc từ xa. “Nhiều nhân viên không có máy tính xách tay để mang về nhà, các công ty không có mạng riêng ảo (VPN) hoặc khả năng truy cập từ xa vào máy chủ, có nghĩa là mọi thứ chỉ có thể được truy cập trực tiếp tại văn phòng”, một chuyên gia cho hay. Mới đây một nam MC Nhật Bản bị chỉ trích dữ dội khi đã có triệu chứng bệnh vẫn hăng hái đi ghi hình và truyền COVID-19 cho ít nhất hai đồng nghiệp, làm đài truyền hình phải đóng cửa khử trùng, nhân viên phải cách ly… Nhiều người Nhật bắt đầu nhận ra ưu thế của làm việc từ xa. Đúng là chỉ COVID-19 mới có thể khiến họ cai nghiện công việc.

Ở Việt Nam, tôi tin rằng những chị bán hoa, bán rau… phải ra đường không vì nghiện công việc gì cả, mà đại dịch đang tác động từng ngày đến mâm cơm gia đình họ. Vì vậy việc vận dụng quy định chống dịch cũng cần linh hoạt, căn cứ tình hình cụ thể. Sẽ tốt hơn cho người dân ra chợ mua rau hay được vận chuyển tới tận cửa? Hay bán rong có nguy cơ lây nhiễm virus hơn so với bán tập trung? Nói về nguy cơ thì kể cả đi lĩnh gạo phát chẩn cũng chưa chắc đã an toàn hơn.