Thông tin gửi đến các phóng viên: Bộ phim Hương Ga của đạo diễn Cường Ngô do diễn viên Trương Ngọc Ánh sản xuất đã giành giải “Phim xuất sắc nhất” (The Best Feature Southeast Asia Panorama) tại Liên hoan phim Thế giới (Film Festival of Globe). Trương Ngọc Ánh cũng đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” (Actress for Excellent Achievement).
Tuy nhiên, khi tra cứu trong danh mục giải thưởng, giải Diễn viên xuất sắc nhất lại thuộc về Richa Chadda trong phim Masaan. Trương Ngọc Ánh được ghi danh ở giải Best actress People Choice Award. Đây là giải thưởng do người xem bình chọn. Điều đáng nói giải thưởng dành cho Trương Ngọc Ánh rất lạc lõng trong danh sách giải thưởng. Cứ như giải này được thửa riêng cho cô.
Nhờ Hương Ga, Trương Ngọc Ánh kiếm được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Cánh diều vàng 2014. Trong bộ phim về cuộc đời một bà trùm xã hội đen, Trương Ngọc Ánh vốn diễn xuất không tệ. Chỉ tiếc gương mặt chỉnh trang hơi quá khiến các nét biểu cảm qua từng cơ mặt không còn. Trông cô nhiều khi như búp bê sáp di động trên màn ảnh.
Hỏi một người làm điện ảnh nước nhà về giải thưởng này, nhận được câu trả lời, cứ nhìn kiểu giải khán giả bình chọn ở LHP Quốc tế Hà Nội 3 vừa rồi thì rõ. Hiệp sĩ mù bị chê tơi tả, nhanh chóng rời phòng vé nhưng vẫn được giải bình chọn, vì có Đàm Vĩnh Hưng chống lưng.
Theo thông cáo báo chí gửi đến giới truyền thông, Liên hoan phim Thế giới có sự tham gia của hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. “Hương Ga được vinh danh ở hạng mục xuất sắc nhất với nhiều dư luận tích cực từ giới chuyên môn”. Tuy nhiên, tìm kiếm thông tin liên hoan phim này không dễ dàng, kết quả thu được rất nghèo nàn, hầu như chỉ có thông tin tự quảng bá. Trang web của LHP là FOGsv.org thiết kế đơn giản, thông tin sơ sài.
Đây là liên hoan phim chủ yếu dành cho người gốc Ấn Độ ở Mỹ, do Liên đoàn người Mỹ gốc Ấn tổ chức. Hơn 100 phim điện ảnh, tài liệu, phim ngắn được trình chiếu trong 10 ngày tại thành phố San Jose từ 7-16/8. Bên cạnh trình chiếu phim và một đêm trao giải thưởng còn có hội chợ, hoạt động trình diễn nghệ thuật khác. Trước đây, giải thưởng này dành cho điện ảnh Bollywood (Ấn Độ) ở Mỹ, nay có thêm một số nước châu Á khác tham gia.
Hương Ga được giải “Best of Fest-Best Feature”, Tony Bùi được giải đạo diễn xuất sắc với phim Throw Away. Cả hai phim này đều được ghi chú “world cinema” bên cạnh, để phân biệt với Đạo diễn xuất sắc đến từ Nam Á, Mỹ. Khẩu hiệu cũng cho thấy rõ tính chất giao lưu là chính của liên hoan phim ít danh tiếng này, hướng tới sự đa dạng văn hóa qua các hoạt động nghệ thuật, hoạt động xã hội khác.
Một sự vơ vào là thông tin “Trương Ngọc Ánh hội ngộ Bạch Linh”. Đứng chụp chung ảnh với ngôi sao Hoa ngữ nổi danh Hollywood Bạch Linh cũng là lẽ thường, nhưng không đến mức phải vống lên là hội ngộ. Nhiều người trong giới showbiz nước nhà, hễ được mời đến LHP danh tiếng như Cannes (dù chỉ theo diện khách mời của hãng rượu) liền coi đó là sự xuất hiện danh giá, sánh vai với các ngôi sao điện ảnh thực thụ tầm cỡ quốc tế.
Thêm một giải thưởng ở ngoài biên giới Việt Nam cho một bộ phim Việt có thể là điều đáng mừng, nhưng người trong cuộc cũng nên sòng phẳng. Không thể chỉ lấp lửng, nói chung chung và lấy mác “thế giới”, “toàn cầu” ra để đánh bóng tên tuổi của mình. Phim hay, diễn viên giỏi không cần chiêu trò vẫn cứ lan tỏa, được dư luận ghi nhận như thường.
Liên hoan phim Thế giới từng mời được cả người nổi tiếng như Thành Long, Sharone Stone, Jane Fonda… bên cạnh những tên tuổi của Bollywood. Trong đoàn Việt Nam dịp này có diễn viên Kathy Uyên. Trong phần người nổi tiếng, BTC nhắc tới diễn viên Kiều Chinh, ca sỹ Thanh Lan.