Người “giải mật”
Anh Lâm Hồng Tiên (49 tuổi, Hà Nội) là kỹ sư giao thông, sở hữu kho thông tin khổng lồ về hồ sơ chiến tranh Việt Nam. Xuất phát từ sở thích cá nhân với các loại bản đồ, đặc biệt là bản đồ quân sự, anh Tiên vô tình đọc được những tài liệu về hồ sơ chiến tranh do Đại học Texas công khai từ năm 2006. Từ đó, anh tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến kỷ vật của liệt sĩ.
Năm 2013, anh Tiên lập một trang web có tên Kỷ vật kháng chiến để đăng tải lại các thông tin mà Đại học Texas cung cấp. Các thông tin này được anh sàng lọc, diễn giải một cách khoa học, dễ hiểu, phục vụ việc tìm kiếm thân nhân liệt sĩ, hoặc các cựu chiến binh còn sống. Năm 2023, anh chính thức cộng tác với tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, có nhiều đóng góp cho tổ chức nhờ kho tư liệu quý giá của mình.
Số lượng hồ sơ do anh Tiên đã “giải mật” mỗi ngày lại dày lên. Suốt chục năm qua, trang web Kỷ vật kháng chiến đã có 1.559 bài đăng (gồm hình ảnh thư, nhật ký, giấy tờ liên quan đến công tác, bản đồ,…). Với mỗi tư liệu khai thác được, anh Lâm Đình Tiên cẩn thận diễn giải tối đa lượng thông tin.
Hành trình không dễ dàng
Nhiều trường hợp éo le cũng xảy ra trong những chuyến tìm kiếm của các cộng tác viên. Chị Xuyến kể, có trường hợp gia đình ở Khe Sanh (Quảng Trị) không tin, thậm chí dọa báo công an vì nghĩ chị lừa đảo. Gia đình chọn tin theo nhà ngoại cảm, dù chị Xuyến đã liên lạc được với đồng đội của liệt sĩ và biết chính xác nơi liệt sĩ hi sinh. Cuối cùng, họ không đồng ý liên lạc với cựu chiến binh cung cấp thông tin để xác nhận. Nhiều lần, chị cũng gặp khó khi tiếp cận với thông tin về liệt sĩ là lính đặc công. Vì tên, tuổi thật của họ được giữ bí mật.
Ví dụ, một quyết định phong cấp bậc hàm được chú thích thông tin kèm ảnh: “Tháng 9/1968, lực lượng biệt kích quân Sài Gòn thu giữ nhiều giấy tờ của Đại đội 11 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 24 Mặt trận B3 Tây Nguyên. Đó là các quyết định phong cấp hàm từ binh nhất lên hạ sĩ, từ hạ sĩ lên trung sĩ, chủ yếu do Thủ trưởng Tiểu đoàn 6 Tiêu Văn Mẫn ký…”. Từ năm 2013 đến nay, trang thông tin của anh có gần 1 triệu lượt truy cập. Nhiều thân nhân liệt sĩ phản hồi tài liệu anh đăng lên, có người chủ động truy cập để đăng tìm thông tin về người thân.
Không đam mê tìm hiểu về bản đồ, thông tin quân sự như anh Tiên, chị Đỗ Thị Xuyến (39 tuổi) ở Thanh Oai (Hà Nội) bắt đầu công cuộc tìm kiếm thông tin liệt sĩ vì có người thân ra đi trong chiến tranh. Hiểu rõ nỗi khắc khoải đợi chờ thông tin của người thân, từ năm 2018, chị quyết định hỗ trợ những gia đình cùng hoàn cảnh.
Chị Xuyến là công nhân, điều kiện hạn chế nên chủ yếu kết nối với gia đình liệt sĩ qua mạng xã hội. “Khi nhận thông tin về bia mộ hoặc kỷ vật của liệt sĩ, tôi tìm hiểu quê quán, nơi họ đóng quân... trên cổng thông tin điện tử ngành Chính sách Quân đội, từ đó khớp thông tin trên cổng và thông tin mình có. Nhiệm vụ tiếp theo là tra soát các địa danh và gửi thông tin mình tìm được tới các đơn vị, tổ chức ở địa phương để họ tiếp tục xác minh, kết nối với gia đình liệt sĩ”, chị Đỗ Thị Xuyến kể.
Không rành công nghệ để quản lý một nhóm trên mạng xã hội nên chị Xuyến chỉ tham gia các nhóm tìm kiếm đã được thành lập sẵn. Thời gian đầu khi mới sử dụng mạng xã hội để đăng tin, chị liên tục nhận được tin nhắn, cuộc gọi từ khắp nơi đổ về. Từ đó, chị Xuyến quen biết và nhiều lần gửi thông tin về liệt sĩ cho tổ chức Trái tim người lính Việt Nam. Tình cờ trong danh sách trao trả năm 2024, chị phát hiện có thể kết nối được với một số người.
Chị Đỗ Thị Xuyến vừa kết nối và trao trả thành công hai hồ sơ cho gia đình liệt sĩ Trần Trọng Tải (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) và gia đình cựu chiến binh Đỗ Xuân Thuyên (tỉnh Thái Bình). Hồ sơ của ông Tải bao gồm một cuốn sổ tay, có tiêu đề Nhật ký đời lính với các trang ghi chép từ ngày 25/7/1966 đến tháng 1/1968. Hồ sơ của ông Đỗ Xuân Thuyên là cuốn sổ tay chứa các danh sách cá nhân, bản tường trình lịch sử cá nhân, 7 trang nhật ký và 8 trang ghi chú. Chị Xuyến tự nhận mình là “chân lon ton”, biết đến đâu giúp đến đó. Sự nhiệt huyết, bền bỉ đã tạo nên thương hiệu của chị Đỗ Thị Xuyến trong Trái tim người lính Việt Nam.
Kỷ niệm giúp cựu chiến binh Phan Tiến Khoa (Thanh Oai, Hà Nội) kết nối được với gia đình đồng đội xưa - liệt sĩ Nguyễn Văn Phê (Việt Hòa, Bắc Giang) khiến chị Xuyến nhớ mãi. Thời điểm đó, chị Xuyến làm quen, kết bạn với cựu chiến binh Phan Tiến Khoa qua mạng xã hội. Ban đầu chị Xuyến chỉ nhắn tin, gọi điện qua mạng để nghe ông Khoa kể về những câu chuyện thời chiến. Sau này thân thiết hơn, ông kể cho chị nghe về tâm niệm chưa thể hoàn thành.
Chị Xuyến kể, năm 2018, ông Khoa nói rằng từ ngày giải phóng năm 1975 đến nay không tài nào liên lạc được với gia đình liệt sĩ Phê - đồng đội cũ của mình. Chị rất muốn giúp nhưng thông tin chỉ có cái tên Phê. Ông Khoa và người đồng đội tên Phê từng tâm sự rất lâu vào đêm trước khi ra trận. Sau trận chiến, chỉ có mình ông Khoa sống sót. Để tìm đồng đội cũ, ông Khoa gửi thông tin đi nhiều nơi nhưng không được hồi âm.
“Lần nào tôi gọi điện đến, bác Khoa cũng khóc vì không thể liên lạc với gia đình bác Phê. Sau đó, tôi được giới thiệu cho một người mong muốn tìm liệt sĩ đã mất ở chiến trường Quảng Ngãi. Đối chiếu với thông tin về liệt sĩ Phê, tôi ngỡ ngàng vì trùng khớp với những gì gia đình vừa cung cấp”, chị Xuyến nhớ lại. Gia đình ông Nguyễn Văn Phê ngay lập tức tìm đến nhà cựu chiến binh Phan Tiến Khoa chỉ để nghe những câu chuyện về người thân trong những ngày chiến đấu. Một phần hồi ức như sống lại, giúp họ xoa dịu nỗi mất mát.
Nếu đã biết, phải làm đến cùng
Say mê với công việc không lương đặc biệt, nhưng anh Lâm Hồng Tiên thú nhận rất “ngại” lộ diện gặp trực tiếp thân nhân liệt sĩ. Mọi thông tin chủ yếu trao đổi qua mạng xã hội hoặc nhờ cậy thêm tình nguyện viên ở địa phương. Tuy nhiên, năm 2018, một trường hợp đặc biệt thôi thúc anh đồng hành với thân nhân từ những ngày đầu tiên.
Liệt sĩ Đặng Thành Tuấn (quê quán Bình Định) nhập ngũ năm 1965, được biên chế vào đơn vị 1360 thuộc Bộ Tư lệnh pháo. Đầu năm 1966, ông hành quân vào Nam. Từ đó, gia đình bặt tin. Khi chiến tranh kết thúc, người thân mỏi mòn chờ đợi nhưng không có cuộc hội ngộ nào, cũng chẳng có một dòng thư báo tử. Hàng chục năm gia đình tìm kiếm, gửi đơn lên nhiều cơ quan nhờ xác minh nhưng không nơi nào có thông tin về trường hợp của chiến sĩ tên Đặng Thành Tuấn.
Năm 2018, anh Lâm Hồng Tiên tìm thấy bản danh sách báo tử 59 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 724 pháo binh, hy sinh năm 1966, do phía Mỹ thu giữ. Trong danh sách có tên liệt sĩ Đặng Thành Tuấn, ghi lý do mất vì sốt rét. Bản chụp lưu tại trang web của Đại học Texas (Mỹ). Từ các phiên hiệu đơn vị, anh Tuấn và các tình nguyện viên liên lạc được với đồng đội cũ của liệt sĩ Đặng Thành Tuấn.
“Biết về trường hợp của gia đình liệt sĩ Tuấn, tôi kết nối với gia đình ông và đồng hành với họ trong quá trình xác minh thông tin, gửi cho chính quyền địa phương để ông Đặng Thành Tuấn được công nhận là liệt sĩ. Đó là việc chưa từng có tiền lệ, bởi không dễ để thuyết phục mọi người tin vào một tài liệu nước ngoài”, anh Tiên kể.
Sau ngày tìm được bản danh sách có tên ông Tuấn là quãng thời gian anh Tiên cùng gia đình đi khắp nơi tìm nguồn chứng thực. Tháng 2/2020, với sự hỗ trợ của anh Lâm Hồng Tiên, em trai liệt sĩ Đặng Thành Tuấn gửi đơn tới Đại sứ quán (ĐSQ) Hoa Kỳ ở Hà Nội nhờ giúp kiểm tra thông tin từ các văn bản do quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh - đang lưu bản chụp tại trang web Đại học Texas. Sau hơn 5 tháng, đại diện ĐSQ Hoa Kỳ xác nhận thông tin trong tài liệu là sự thật.
Ngày 9/8/2022, tấm bằng Tổ quốc ghi công được truy tặng cho liệt sĩ Đặng Thành Tuấn. Hành trình trở về của liệt sĩ Đặng Thành Tuấn là cảm hứng cho bộ phim tài liệu Niềm tin của Điện ảnh Quân đội nhân dân, phát sóng đúng dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ năm 2022.
“Quá trình xác minh thông tin cho liệt sĩ Đặng Thành Tuấn có nhiều điều không tưởng, gây bất ngờ cho cả phía Mỹ lẫn gia đình liệt sĩ. Không ai ngờ rằng những giấy tờ, tài liệu này tồn tại, lại là bằng chứng quan trọng để gia đình tìm được thông tin về liệt sĩ Tuấn sau hàng chục năm bặt vô âm tín”, anh Tiên kể.
Có cựu chiến binh may mắn trở về từ chiến tranh, từng bán tín bán nghi khi thấy bản sao giấy khen của ông bị thất lạc từ năm 1967. Trang tin của Đại học Texas từng đăng tải 13 giấy khen của cán bộ chiến sĩ C23 đặc công Phân khu 4. Trong đó có giấy khen đề tên ông Phạm Đức Để, tiểu đội trưởng thuộc C23. Năm 2017, nhờ sự kết nối của anh Tiên, cựu chiến binh Phạm Đức Để (75 tuổi) lần đầu nhìn thấy giấy khen của mình sau 50 năm kể từ ngày ký.
Biết việc mình đang làm như “vác tù và hàng tổng” nhưng anh Tiên chưa từng nghĩ tới chuyện dừng lại. “Thông tin về liệt sĩ đã không biết thì thôi, nếu biết phải làm đến cùng. Nhiều chiến sĩ hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, tôi tin họ rất thiêng. Đôi khi tôi nghĩ như có người phù hộ. Mỗi khi cuộc tìm kiếm đi vào bế tắc, lại có manh mối mới xuất hiện”, anh Tiên kể.
Từ ngày tiếp cận những tài liệu về bộ đội, anh tự tin mình có khả năng đọc giấy báo tử chuyên nghiệp. Những phiên hiệu, tọa độ được đánh dấu bằng ký hiệu đặc biệt, anh cũng lần ra và ghi lại vào bảng chú thích. Nỗ lực của những người như anh Tiên, chị Xuyến đem đến niềm vui, thắp lên hy vọng cho hàng trăm gia đình chịu mất mát trong chiến tranh.
(Còn nữa)