Anh quen thuộc với thế giới bằng cái tên Dinh Q. Lê. Sinh năm 1968 tại Hà Tiên, nhưng nghệ sĩ di cư sang Mỹ từ năm 10 tuổi. Ký ức gửi ngày mai của anh được coi là triển lãm quy mô lớn đầu tiên tại châu Á. Năm 2015, chiến tranh đã rời xa Việt Nam 40 năm, và kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II. Đó là cái cớ để Đỉnh ra triển lãm.
“Tôi bắt đầu sử dụng kỹ thuật thảm dệt bằng các sợi ảnh rất lâu rồi, từ khi tôi đang ngồi trong trường nghệ thuật. Tôi yêu nhiếp ảnh, nhưng tôi muốn mang gốc gác của tôi vào những thực hành của riêng mình. Đan mọi thứ vào nhau để tạo ra sự khác biệt”, Đỉnh tâm sự.
Đỉnh học được cách dệt chiếu từ bà thím. “Xuất phát từ ý tưởng đó, thật tự nhiên, tôi có thể cắt gọt những tấm hình và đan cài chúng vào nhau, theo cách dệt cói truyền thống, quyện vào nhau chặt chẽ”, anh giải thích. Cảm hứng những tác phẩm của anh trong triển lãm lần này được lấy từ bộ phim Người Mỹ trầm lặng dựa theo tiểu thuyết của Graham Greene thực hiện những năm 2000. Phim nói về chiến tranh Việt Nam và có rất nhiều cảnh quay về Việt Nam.
Lê Quang Đỉnh kể lại câu chuyện cô gái Việt trong bộ phim bằng cách thể hiện hình ảnh cô gái Việt đương thời trên nền diễn viên trong phim. Bằng nhiều nghiên cứu, và những cuộc phỏng vấn kỹ lưỡng, Đỉnh đã gợi mở miền ký ức của người xem thông qua trải nghiệm thực tế của chính anh.
Anh còn sử dụng kỹ thuật cuộn một cách sáng tạo. Tác phẩm của anh in ra dài tới 50m. Anh in chúng ra giấy ảnh và tạo thành những tác phẩm cuộn. Chúng được kết thành từng chuỗi và được treo thòng từ trần nhà xuống. Có những hình ảnh của nhà sư, Đức phật.
Trong triển lãm, Lê Quang Đỉnh còn phát video cuộc đối thoại giữa anh và nghệ sĩ Nhật Bản Nakaura. Triển lãm bắt đầu cuối tháng 7, kéo dài đến 12/10.
“Ký ức gửi ngày mai dẫn dắt người xem bằng những câu chuyện hình ảnh, để họ tự cảm nhận, mà không cần một giải thích cụ thể nào”, Darryl Wee viết. Tốt nghiệp ĐH California ngành mỹ thuật năm 1989, nhận bằng thạc sĩ năm 1992, Lê Quang Đỉnh có nhiều triển lãm tại Mỹ, Úc, Ý, Đức, Hàn Quốc, Đức.