Ký ức cô giáo Nga từng nâng bước “hạt giống đỏ” Việt Nam

Năm nay đã 92 tuổi nhưng trong ký ức của bà là Sofia Lenidovna Korchikova, PGS.PTS Ngôn ngữ học, cô giáo đầu tiên của 100 “hạt giống đỏ” Việt Nam được cử sang Liên Xô đào tạo, vẫn còn in dấu.
Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga trao thư cảm ơn cho bà Sofia Lenidovna Korchikova. Ảnh: Duy Trinh/Vietnam+.

Năm 1954, 200 sinh viên "hạt giống đỏ" Việt Nam lần đầu tiên được cử sang Liên Xô đào tạo. Nhóm các chàng trai, cô gái từ 15-19 tuổi này gồm 100 người học trường Lomonosov, 100 người học tại lớp tiếng Nga thuộc Viện bồi dưỡng trình độ cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục nhân dân, nơi một cô giáo năm nay đã 92 tuổi dạy tiếng Nga cho họ. 

Căn hộ số 125, tầng 5, nhà 75, phố Công đoàn ở thủ đô Moskva đã cũ kỹ song rất nhiều sách, hai bên tường treo rất nhiều bức tranh, và cả một góc Việt Nam xinh xắn.

Tuy nhiên người chủ của căn hộ mới thật đặc biệt, bà là Sofia Lenidovna Korchikova, phó giáo sư-phó tiến sỹ Ngôn ngữ học, cô giáo đầu tiên của 100 “hạt giống đỏ” được cử sang Liên Xô đào tạo.

Trong suốt cuộc đời dạy học của mình, bà Sofia dạy tiếng Nga cho sinh viên hơn 50 quốc gia trên thế giới, cũng như dạy văn học cho các sinh viên Nga và tận năm ngoái (2013) mới thôi giảng dạy.

Tuy vậy, đối với bà, giai đoạn dạy các sinh viên Việt Nam giai đoạn 1954-1956 và quãng thời gian sau đó dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt Nam là những ký ức đáng nhớ nhất.

Bà bồi hồi nhớ lại: "Việc dạy từ tiếng Nga khi đó phải chỉ cụ thể, ví dụ đây là bức tranh, tôi ngồi, tôi đứng, rồi tôi đi, anh ấy đi, ban đầu phải chỉ mọi thứ cho họ. Tuy nhiên không phải mọi thứ đều có thể chỉ được, ví dụ như từ cách mạng, chiến tranh làm sao để giải thích đây, và chúng tôi phải thông qua tiếng Trung hay tiếng Pháp, bởi một số sinh viên biết tiếng Trung còn một số khác biết tiếng Pháp."

Đánh giá về 100 "hạt giống đỏ" đầu tiên, Sofia cho biết: "Chúng tôi rất khâm phục tính kỷ luật, sự hiếu học, trách nhiệm đối với học tập của họ. Họ rất nỗ lực học và thực hiện tất cả các bài tập được giao. Cả cô giáo lẫn học sinh đến nay vẫn lưu giữ những kỷ niệm học tập tươi sáng, đẹp đẽ. Và nhiều năm sau đó, khi chúng tôi tiếp tục giảng dạy tiếng Nga, và thường xuyên dạy cho sinh viên Việt Nam thế hệ khác, chúng tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam rất nghiêm túc trong học tập, rất có kỷ luật và hăng say học tập."

Chính những tình cảm này đã thôi thúc bà Sofia biên soạn và bỏ tiền túi ra xuất bản 200 cuốn sách dạy tiếng Nga dành riêng cho người Việt Nam mới học kèm theo băng. Trong số này, 100 cuốn được bà giao do Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga để chuyển về nước tặng cho các cơ sở dạy tiếng Nga.

Kể về ý tưởng này, bà Sofia cho biết: "Tôi đã giảng dạy 50 năm tại Đại học Mỏ Moskva, Chúng tôi thường tiếp nhận sinh viên Việt Nam. Và trong tôi nảy ra ý tưởng biên soạn cuốn giáo trình cho sinh viên Việt Nam. Cuốn sách xuất bản lần đầu tiên, năm 2011, hiện đã được giảng dạy tại Đại học Mỏ Moskva. Tuy nhiên nguyên nhân tôi chú trọng tới tiếng Việt là bởi thứ nhất tôi khá gần gũi và giảng dạy nhiều sinh viên Việt Nam; thứ hai là theo tôi, người biết tiếng Việt khi học tiếng Nga sẽ gặp nhiều khó khăn nhất, ví dụ như trọng âm và ngữ pháp."

Chúng tôi tới nhà bà Sofia trùng với thời điểm các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tới chuyển cho bà thư cảm ơn của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, Nguyễn Thanh Sơn, kèm thông tin chi tiết việc chuyển 100 cuốn sách bà gửi tặng về Việt Nam.

Cùng với đó là thư của bà Đinh Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cảm ơn bà sau khi nhận được 30 cuốn giáo trình. Bức thư của bà Đinh Thị Thu Hiền viết: "Tôi tin tưởng cuốn sách của bà, được soạn thảo dựa trên kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tiếng Nga và kiến thức sâu sắc về những đặc điểm tiếng Việt, sẽ là món quà quý giá với tất cả những người Việt nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga."

Giáo trình mang tên “Làm quen” của bà Sofia quả đáng giá khi năm nay cũng kỷ niệm 60 năm ngày bà lần đầu tiên dạy tiếng Nga cho các sinh viên Việt Nam mà trong số đó rất nhiều người nay đã thành danh như nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, nguyên phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồ Thể Lan, dịch giả Hoàng Thúy Toàn, Nguyễn Tuyết Minh....

Nó càng đáng giá hơn trước thềm ngày hiến chương các nhà giáo 20/11. Hy vọng, ngày càng nhiều sinh viên Việt Nam học tiếng Nga được tiếp cận cuốn “Làm quen” của bà Sofia.

Theo Theo VietNam+