Ký ức chiến tranh của Thiếu tướng Quân y

TP - Tiếng bom rền, đạn nổ, sức chịu đựng của thương binh, màu xanh bát ngát nơi núi rừng và tình đồng đội trong cuộc chiến hơn 40 năm trước như dội về trong đôi mắt của vị Thiếu tướng đã từng phẫu thuật cho hàng ngàn người lính khi tôi được nghe ông kể về những tháng năm tuổi trẻ ông để lại nơi chiến trường khốc liệt. Ông là Thiếu tướng Đặng Ngọc Hùng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y.
Thiếu tướng Đặng Ngọc Hùng.

Một ngày cuối năm 1969, khi đang miệt mài trên giảng đường Đại học Y Hà Nội, cậu sinh viên năm thứ 4 Đặng Ngọc Hùng và bạn bè nhận được lệnh tổng động viên nhập ngũ. Gần một trăm bác sĩ tương lai lên đường vào chiến trường mà hành trang còn có thêm những cuốn sách, quyển vở ghi lời giảng của thầy cô. Bỏ lại phía sau bao tháng năm đèn sách, những sinh viên y khoa chưa kịp hoàn thành khóa học, chưa kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp vẫn đầy nhiệt huyết lên đường bởi, trong tâm trí họ luôn thôi thúc một điều, được cùng chung sức giành lại hòa bình cho đất nước.

Sinh viên Đặng Ngọc Hùng được điều về làm nhiệm vụ tại chiến trường B1 mà ngày nay vẫn được mọi người nhớ tới với tên gọi Khu 5. Từ chàng sinh viên có gương mặt thư sinh và vóc người nhỏ nhắn, Hùng trở thành chiến sĩ áo trắng tại bệnh xá B23, tỉnh đội Quảng Ngãi với quân hàm chuẩn úy. Sau thời gian ngắn, Hùng được điều động lên vùng núi quanh đỉnh Cà Đam (Quảng Ngãi) hẻo lánh, nơi đã gắn bó và chịu nhiều đau thương suốt dặm dài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Địa hình hiểm trở, rừng núi điệp trùng này trở thành thiên la địa võng đối với kẻ thù, che chở cho bộ đội và cũng là nơi chàng trai trẻ Đặng Ngọc Hùng khôn nguôi ám ảnh về những thương bệnh binh cùng sự tàn phá kinh khủng của bom đạn.

Ngày còn trên ghế nhà trường, Hùng chỉ biết đến chiến tranh qua những bài báo, giờ tận mắt chứng kiến cuộc chiến với vô vàn đau thương, mất mát, trái tim người lính trẻ không khỏi thắt lại trước nỗi đau và sức chịu đựng của đồng đội…

Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng (giữa) tại chiến trường Khu 5.

Đêm ấy, Trung đoàn bảo vệ hành lang vùng Quảng Ngãi có 6 chiến sĩ cần phải phẫu thuật. Nhớ lại ca bệnh đặc biệt đêm đó, Thiếu tướng Hùng kể: “Người thương binh đó tên là Hoàng Công Trần, bị vết thương vỡ khớp háng và nhiều vết thương khác. Nhưng đồng chí ấy lại không hợp tác chữa bệnh vì tinh thần bị ảnh hưởng do người yêu chia tay. Từ người khoảng 58kg, Trần sút chỉ còn 38-39kg. Lúc bấy giờ chúng tôi phải bàn mọi cách để cứu chữa thương binh này. Ngày đó những cuốn sách như “Thép đã tôi thế đấy”, “Ruồi Trâu” đã giúp chúng tôi định hướng tinh thần cho Trần và cậu ấy đã hiểu ra dù thế nào thì lý tưởng vẫn là phải vươn tới tương lai. Giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi có về quê Trần ở thị trấn Thắng (tỉnh Bắc Giang), thấy cậu ấy có cuộc sống rất tốt mà mừng”.

Máu của đồng đội thấm vào ông, vào trái tim của người lính - bác sĩ đã góp công sức mình đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc, để thời bình ông lại quay về tiếp tục công việc cứu người.

Năm 1972 là thời điểm diễn ra những trận đánh lớn. Quảng Ngãi bị chia cắt, đường 1 là nơi quân địch thường xuyên thả bom, bắn phá nên bộ đội chỉ có thể lên đường tác chiến vào ban đêm, còn ban ngày lại hoạt động sát biển. Các cuộc chiến thường diễn ra khoảng 4-5 giờ sáng, rất nhiều bộ đội bị thương nhưng để đưa được lên bệnh xá trên rừng điều trị vô cùng khó khăn vì ban ngày địch quần thảo dữ dội. Hùng đề đạt với cấp trên cho tổ phẫu thuật A100 xuống chốt sát biển để kịp thời cứu chữa thương binh.

Từ năm 1970-1975, bác sĩ Hùng là người duy nhất có khả năng tiến hành các cuộc phẫu thuật tại chiến trường Quảng Ngãi khốc liệt. Anh liên tục cơ động di chuyển đến những nơi được báo trước sẽ diễn ra trận đánh để làm nhiệm vụ. Đêm đi bộ băng rừng, ngày đứng mổ, đôi chân phồng rộp nhưng chưa phút giây nào khiến người chiến sĩ áo trắng nản lòng. Tháng 4/1974, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng trở thành đại biểu tham dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ Thi đua Quân khu 5, ở tuổi 27.

Bác sĩ Đặng Ngọc Hùng (bên trái) và đồng đội tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua cơ sở Quân khu 5 tháng 4/1974.

Nhìn gương mặt hồn hậu, dáng người nhỏ nhắn của Thiếu tướng Đặng Ngọc Hùng, ít ai ngờ được sức chịu đựng của ông khi trải 4 ngày đêm liên tục đứng cứu chữa cho cả trăm thương binh. Đợt đó, năm 1972, tỉnh đội Quảng Ngãi phối hợp với Sư đoàn 2 tổ chức chiến dịch đánh địch từ Ba Tơ, Mộ Đức đến Đức Phổ. Cuộc chiến diễn ra dữ dội và tàn khốc. Có thời điểm chỉ 2-3 ngày, hơn 300 thương binh được dồn dập chuyển về đội phẫu nhỏ bé của ông đứng bên bờ sông Vệ.

Khẽ nhíu mày khi nghĩ về quá khứ, Thiếu tướng Hùng trải lòng: “Cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, mất mát đau thương diễn ra từng phút đã đặt những người lính khoác áo blouse như chúng tôi vào thế chỉ tiến, không được lùi cho dù kiệt sức, để máu của đồng đội đã đổ xuống không trở thành vô ích”. Lúc đó, bác sĩ Hùng đề nghị mọi người khẩn trương lập 7 bàn mổ liên hoàn. Gọi là bàn mổ nhưng chỉ là những thanh tre ghép lại thành cái chõng. Duy nhất bộ dụng cụ mổ để tiến hành phẫu thuật cho các thương binh. Cứ xong mỗi ca, dụng cụ lại được rửa, luộc trong nồi nước sôi ùng ục để tiệt trùng và lại mổ tiếp. Ngày ấy, bác sĩ và y sĩ tự pha chế dịch truyền, chủ yếu là huyết thanh mặn và ngọt. Thuốc kháng sinh quá hạn sử dụng vẫn phải dùng vì thuốc men thiếu trầm trọng. Chỉ khâu nhiều lúc là chỉ may quần áo hoặc những sợi chỉ bạt dù của Mỹ. Thuốc gây mê rất hiếm nên chỉ có thể gây tê tại chỗ để mổ. Nhiều ca mổ lớn như mổ bụng, khâu vết thương gan, mạch máu cho thấy sức chịu đựng của bộ đội phi thường thế nào khi họ phải cắn răng chịu đau để cuộc mổ được hoàn thành. Bác sĩ cũng khổ không kém gì bộ đội. Đôi lúc những nguyên tắc của ngành y không thể được đáp ứng trong chiến trường. Áo dùng để mặc trong quá trình phẫu thuật chỉ có một chiếc nên thấm đẫm máu thương binh, cứ lớp máu này chưa kịp khô đã thêm lớp máu khác phủ lên. Bác sĩ Hùng chỉ uống sữa và nước đường giữ sức để khỏi gục ngã.

Hòa bình lập lại, khi trở thành bác sĩ chuyên phẫu thuật lồng ngực tim mạch sau thời gian học và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Liên Xô, bác sĩ Hùng càng thấm thía những vất vả khó khăn trong thời chiến đã cho mình thêm kinh nghiệm và bài học ở hiện tại.

Bác sĩ Hùng trong một ca phẫu thuật cho thương binh.

Ký ức không thôi chảy trong ông: “Lúc ấy cơ thể rã rời nhưng tinh thần lên rất cao vì bằng mọi giá mình phải cứu đồng đội. Sau 4 ngày đêm căng sức cứu chữa cho thương binh, quá mệt tôi lao vào bụi rậm ngủ. Tỉnh dậy thấy kiến bu đầy vì áo quần thấm đẫm máu. Tôi lao xuống sông Vệ tắm, máu loang đỏ mặt nước. Khoảnh khắc đó không thể nào quên suốt cuộc đời tôi bởi sự hy sinh của đồng đội hiện hữu và thấm đẫm cơ thể mình”. Máu của đồng đội thấm vào ông, vào trái tim của người lính - bác sĩ đã góp công sức mình đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc, để thời bình ông lại quay về tiếp tục công việc cứu người.

Tôi nhìn ông, nghĩ hẳn niềm vui cứu người đúng như thiên lương và trách nhiệm thầy thuốc là lớn lao, nhưng vết máu loang của những người lính cho ngày mai yên bình ấy không thôi cựa quậy trong nỗi nhớ hơn 40 năm qua, đeo bám và dấy lên trong ông nỗi day dứt cũng như ý thức trách nhiệm. Vệt máu loang ấy là ánh sáng nhân văn dằng dặc hướng đôi bàn tay từng thấm máu chiến trường của ông đi tiếp vào thời bình với hành xử và nghĩ suy cao cả không thẹn với lòng mình, với kỳ vọng của bao người khao khát sống đến cháy lòng, dội lên từ những đôi mắt cận kề cái chết ám ảnh ông hơn 40 năm trước trên bàn mổ dã chiến ở những cánh rừng khét lẹt mùi bom đạn. Để giờ đây, sau bộn bề cuộc sống, ông vẫn dành khoảng thời gian quý giá gặp gỡ và nhớ về những đồng đội đã cùng ông đi qua cuộc chiến tranh tàn khốc, để hoài niệm về những người đồng chí đã ngã xuống khi tuổi đời còn quá trẻ...