Nói “một trong những” là để nhắc đến 3 tờ báo mà tôi, và chắc chắn không chỉ riêng tôi, mỗi ngày nếu không đọc sẽ cảm thấy thiêu thiếu, nhất là thời kỳ chưa có báo mạng. Cả 3 tờ, từ cái tên đến cơ quan chủ quản đều thuộc về giới trẻ: Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ. Dễ hiểu, vì những tờ báo của giới trẻ luôn toát lên cái chất trẻ trung mà không chỉ lúc mình còn trẻ mà nay khi không còn trẻ nữa vẫn cảm thấy như một nhu cầu trong cuộc sống.
Với 3 tờ báo của giới trẻ ấy, phải nhận rằng Tiền Phong là tờ báo mỏng trang nhất, giữ nét cổ điển hơn 2 tờ báo kia, nhưng nó không kém phần hấp dẫn và đôi khi sự hấp dẫn lại bắt nguồn từ chính những cái riêng ấy của Tiền Phong. Hôm nay, nhân báo tròn 65 tuổi, tôi mong cho Tiền Phong ngày một trưởng thành, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được những “nét xưa” không kém phần duyên dáng và hiện đại của mình.
Nhân dịp này, tôi muốn nhắc lại 2 kỷ niệm sâu sắc với Tiền Phong. Đó là bức thư ngỏ gửi ông thị trưởng Hà Nội (tiền nhiệm của vị chủ tịch đương nhiệm). Vào thời điểm, Hà Nội sau khi giải tỏa được Chợ Âm Phủ, ngôi chợ “cóc” tụ họp trên không gian vốn là dẫy hầm chống bom thời chống Mỹ, kéo dài suốt con phố nằm kề bên Khu Tòa án thông từ phố Hai Bà Trưng qua Lý Thường Kiệt. Trước khi xây hầm thì địa điểm ấy vốn là một ngôi mộ chung chôn cất những xác chết (dân thường và có thể có cả các tử sĩ) được gom lại sau 60 ngày đêm chiến tranh khốc liệt khởi đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (12/1946-2/1947). Sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), ngôi mộ tập thể được di dời ra ngoại thành… Sau chiến tranh phá hoại và đất nước thống nhất (1976), dãy hầm trú ẩn được tháo dỡ tạo ra một khoảng trống rợp bóng cây long não rất đẹp bỗng mọc lên một cái chợ tự phát ngày càng sầm uất. Vì nhớ lại nền xưa mà dân gọi “Chợ Âm Phủ”, còn nhà nước vẫn đặt tên là “Chợ 19-12”. Vì lọt giữa những công sở và khách sạn nên cái chợ cũng gây ra sự bất ổn trên tiến trình chỉnh trang thủ đô ngày càng khang trang hơn to đẹp hơn. Nhưng hình như ý niệm về sự khang trang, to đẹp của giới lãnh đạo chỉ chăm chăm tìm mặt bằng tạo nguồn xây bất động sản… nên rất nhanh nhạy, sau khi giải tán chợ, thành phố cấp đất và cấp phép cho một doanh nghiệp rục rịch xây một tòa siêu thị phủ kín khu đất vàng ấy.
Dân tình bắt đầu bầy tỏ sự không đồng tình trên nhiều trang báo trong đó có Tiền Phong. Tôi bèn viết “lá thư ngỏ gửi ông thị trưởng” trong đó kể rằng mình vừa có dịp làm việc tại tỉnh Bắc Ninh, nơi vừa là quê lại vừa là nơi ông ấy vừa làm người lãnh đạo trước khi được đề bạt về Thủ đô, lại là kiến trúc sư. Mình khen thành phố Bắc Ninh biết quy hoạch, nhất là tại khu trung tâm, quanh tượng đài cụ Lý Thái Tổ là những công trình kiến trúc lớn, hợp lý, khang trang, đẹp đẽ… Nay ở cương vị mới, sao ông thị trưởng đã từng làm đẹp quê hương Kinh Bắc lại nỡ làm xấu Thủ đô Hà Nội… Tôi gửi bài báo cho Tiền Phong trước khi lên đường đi công tác xa. Rất nhanh chóng, tôi nhận được thư của ông thị trưởng trong đó khẳng định Hà Nội sẽ xem xét lại… Và một thời gian sau thì, dự án siêu thị được điều chỉnh và phần lớn không gian ấy được đầu tư để trở thành một con phố đẹp. Điều gây cảm xúc cho tôi là khi thi công hạ tầng, dưới lòng con đường ấy, người ta đã khai quật được hàng mấy trăm bộ hài cốt còn sót lại. Thành phố đã tổ chức lễ cầu siêu và di dời chu đáo. Qua vị thị trưởng kế tiếp (nay là đương nhiệm) tôi viết thư gợi ý nên dùng con phố ấy làm “phố sách” như thành phố Hồ Chí Minh đã làm và nay nó đã thành hiện thực bắt đầu từ một bài đăng trên báo Tiền Phong.
Kỷ niệm thứ hai là trong vài năm gần đây, vì từng có ít nhiều trải nghiệm trong việc tham gia chấm các cuộc thi người đẹp (thể thao, các dân tộc ít người, quý bà, nam vương...) nên tôi được anh bạn Tổng biên tập đương nhiệm của Tiền Phong mời làm trưởng ban giám khảo 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam gần đây nhất, trong đó có cuộc thi kỷ niệm 30 năm mới đây. Đó là một vinh dự và cũng là một trách nhiệm nặng nề vì tầm vóc cuộc thi mang tính chất quốc gia này. Kết quả như thế nào mọi người đều rõ và đánh giá của xã hội, nhất là hiệu ứng của người đoạt giải khiến tôi và các bạn giám khảo 2 cuộc thi cảm thấy yên lòng. Riêng tôi nhận thấy, tính chuyên nghiệp rất cao và sự tôn trọng nguyên tắc dân chủ của Ban tổ chức mà hạt nhân là những người đứng đầu Tiền Phong chính là yếu tố quan trọng nhất giúp sự kiện vượt qua được những áp lực và giữ vững được tôn chỉ của cuộc thi cũng như giành được ấn tượng tích cực của công chúng.
Những kỷ niệm ấy, cũng như nhiều vụ việc khác từ viết bài, trả lời phỏng vấn… làm tôi gắn bó với Tiền Phong suốt từ khi mình còn trẻ cho tới hôm nay khi đã vượt qua ngưỡng “cổ lai hy”. Nhưng sẽ là thiếu sót nếu nhân dịp này không viết đôi lời cảm ơn Tiền Phong đã góp phần cùng với công luận khi gia đình tôi đặt vấn đề “đòi lại” đôi chục thước vuông của ngôi nhà hương hỏa của liệt sĩ giữa lòng phố cổ, mà tính đến năm nay gia đình tôi sinh sống vừa tròn một thế kỷ (ông nội tôi tậu năm 1917). Tôi không nhắc lại chi tiết để làm bận lòng bạn đọc trên số báo vui này, nhưng tôi phải nhắc lại bài báo của người bạn già, cây bút gạo cội của Tiền Phong là anh Xuân Ba đã viết một bài với cái đầu đề đầy ý tứ “dao sắc không gọt được chuôi” cùng các bài viết của các đồng nghiệp trên các tờ báo khác khi đó đã chia sẻ, góp phần mang lại sự công bằng cho gia đình tôi, cũng giống như rất nhiều vụ việc khác mà Tiền Phong đã làm như một trong những sứ mệnh của mình. Vụ việc ngôi nhà của gia đình tôi kết thúc “có hậu” đến nay vừa tròn một giáp (2006), nhờ vậy mà mẹ tôi có niềm vui sống, đến nay đã bước vào tuổi 95. Xin cảm ơn các đồng nghiệp và một lần nữa chúc mừng tuổi 65 của Tiền Phong thân quý.