Kỳ bí Tết nhảy giữa Hà Nội

Vạn vật chập chờn, hư ảo đến rùng người. Tiếng nhạc mơ màng, cảnh múa chuông, mua kiếm, múa rùa, những điệu nhảy đơn giản, hoang dã, nguyên thủy.

Phong tục kỳ bí

Khi trời còn giá lạnh rát mặt, các đầu ngón tay buốt như kim châm nhưng chúng tôi vẫn không thể cưỡng lại được trước lời mời của một người bạn: lên đỉnh Ba Vì ăn Tết nhảy với người Dao quần chẹt.

Mới chỉ mờ sáng thôi ngôi nhà anh Thắng đã rộn tiếng cười. Tiếng người cười nói, tiếng dao thớt, lợn gà như xua tan đi cái lạnh nơi rẻo cao này. Nơi đầu nương, cuối xóm đám trẻ con ríu rít, tung tăng áo mới theo chân cha mẹ đi ăn Tết nhảy. Giữ vẻ mặt nghiêm nghị, thầy mo Triệu Phú Thành đang lật giở những trang sách cũ dày đặc chữ Hán. Đây là cuốn sách ghi chép lại nguồn gốc, lịch sử của người Dao quần chẹt.

Mo Thành cho biết, không phải ai cũng có thể tổ chức được Tết nhảy mà phải phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế. Thường thì 15 năm, Tết nhảy mới được tổ chức một lần, chính vì thế việc cúng lễ tổ tiên cũng vô cùng cẩn trọng. Nếu sơ suất sẽ bị các ngài quở trách. Thầy mo Thành kể, thuở xưa, sau lần hạn hán kinh hoàng, tổ tiên của người Dao quần chẹt đóng thuyền vượt biển tìm miền đất mới.

Đang trên cuộc hành trình thì dông tố nổi lên, sức mạnh khủng khiếp như muốn nhấn chìm tất cả. Cả đoàn thuyền bê bát hương ra mui đồng loạt quỳ lạy đất trời, thần linh để được an toàn. Họ hứa nếu được sống sót, họ và con cháu sẽ tổ chức Tết nhảy trong nhiều ngày để tạ lễ. Trên thuyền lúc đó có 12 dòng họ. Để tạ ơn thánh thần, bốn nhánh họ Triệu và 11 họ khác làm Tết nhảy. Họ mổ lợn, giết gà và múa hát suốt ba ngày ba đêm để tạ ơn.

Với người Dao nơi đây Tết nhảy được coi là cái Tết quan trọng nhất và lớn nhất. Nó là cái tết để tẩy oan, tết cầu may, cầu phúc, cầu mưa thuận gió hòa. Họ quan niệm rằng: Con người phải trải qua nhiều trắc trở, rủi ro trong cuộc sống. Vì vậy hằng năm cần phải khấn trời đất, thần linh, tổ tiên để được cứu giúp, trừ giải những oan trái, bất hạnh và ban cho những điều may mắn, hạnh phúc. Mặc dù Tết nhảy là tết của gia đình nhưng lại được cả bản, cả vùng coi như tết chung, ngoại trừ những người kiêng kị, còn tất cả phải tham gia.

Việc quan trọng nhất nhì trong những ngày tổ chức Tết nhảy là phải tìm được thầy mo uyên thâm về tục lệ để thầy ôn lại 12 bài cúng. Từ khi được gia chủ mời cúng lễ, thầy mo phải cách ly tuyệt đối với chuyện chăn gối để giữ được thân thể "tinh khiết".

Thầy mo phải thức suốt 3 ngày tết để điều hành việc hát - nhảy sao cho đúng bài. Phần đạo cụ không kém quan trọng trong phần nhảy là những thanh kiếm gỗ, lệnh bài, thuổng… Anh Thắng giải thích: "Đây là những đồ vật tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên người Dao dùng để đánh giặc, lao động sản xuất".

Mọi thứ đã được chuẩn bị đủ đầy, gia chủ bày biện hơn chục mâm cỗ từ nhà ra sân để khao họ hàng, làng xóm. Chẳng có sơn hào hải vị mà chỉ có thịt lợn vun đầy mâm, rượu ủ men lá nhưng khi nhấp chén rượu cùng bà con nơi đây mới cảm nhận được sự hiếu khách và lòng thành kính với tổ tiên. Sau bữa rượu thịt đầu tiên, hai bộ Tam thanh với nhiều màu sắc, nét vẽ các thần linh kỳ bí và dữ tợn được treo lên vách nhà.

Hai thầy mo đang chuẩn bị những thủ tục đầu tiên cho Tết nhảy.

Những bức tranh kỳ bí này không phải ai cũng biết và hiểu về nó, chỉ có thầy mo là người tường tận nhất. 15 bức tranh là những câu chuyện bằng hình ảnh trong thế giới tâm linh của người Dao. Thầy mo Thành chỉ vào 1 bức tranh và nói: "Ví dụ như bức này muốn răn dạy mọi người sống phải "tốt cái bụng". Nếu sống ác, khi chết đi sẽ bị trừng phạt như: ném vào vạc dầu, bị quỷ thần dùng cưa cắt đôi thân người, qua cầu bị rắn rết lôi xuống sông".

Hai thầy mo vận bộ lễ phục sặc sỡ nhiều thứ màu sắc, đầu đội mũ giấy và thực hiện bài cúng tế trong suốt 4 giờ đồng hồ. Họ cất cao giọng của người Dao mời các vị thánh thần về chứng kiến Tết nhảy của gia chủ, mở đầu cho đêm nhảy múa. Chiêng được vang lên, trống được đánh, kèn cất cao giọng… Họ bắt đầu những điệu múa của một cái Tết nhảy rộn ràng.

Ngọn lửa bập bùng, âm thanh rộn rã, chũm chọe, phèng phèng, trang phục truyền thống của người Dao quần chẹt như thêu dệt sắc màu. Thịt lợn, thịt gà, bánh nếp được bày ra lá chuối giữa nhà, hết đêm rồi đến ngày họ nhảy múa triền miên. Vạn vật chập chờn, hư ảo đến rùng người. Tiếng nhạc mơ màng, cảnh múa chuông, mua kiếm, múa rùa, những điệu nhảy đơn giản, hoang dã, nguyên thủy.

Cứ hai nhịp nhảy lại một nhịp bày cỗ. Những bức tranh thờ đỏ rực hình các vị thần mặt đỏ, râu dài, khi dữ tợn khi lại hiền từ. 12 bài hát lần lượt được xướng lên, mô tả quá trình vượt biển di cư của tổ tiên người Dao, cầu mong chư vị thần linh phù hộ. Thầy mo bước ra xúng xính trang phục và dụng cụ, ông cầm tù và rền vang mời thần linh xuống chứng kiến.

Lời ông cất lên như rền vàng cả một miền sơn cước tĩnh mịch: Tổ tiên người Dao chúng tôi từ phương Bắc vượt biển vào đất này, đường đi ngàn vạn gian lao, con cu ly (dòng họ khỉ) báo gió bão trước mũi thuyền. 12 dòng họ vượt biển kinh sợ… Chúng con hứa sẽ dâng lễ vật hát ca làm tết lễ tạ ơn đời đời kiếp kiếp.

Cho dù nợ nần, khánh kiệt vẫn ao ước tổ chức được Tết nhảy

Ở Yên Sơn ai cũng tự hào khi được tổ chức Tết nhảy, được mời mọi người nhảy múa, cũng lễ, ăn uống linh đình thông suốt ba ngày ba đêm. Anh Triệu Văn Thắng nói đầy tự hào: "Dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng phải lo đủ tổ chức một cái Tết nhảy. Đây là niềm tự hào của bản thân và gia đình. Bây giờ kinh tế khá giả hơn, chứ trước đây để tổ chức 1 cái Tết nhảy có nhà phải chuẩn bị cả 10 năm mới đủ tiền mua rượu, thịt đấy.

Nếu gia đình nào khó khăn quá không lo được chi phí cho Tết nhảy thì phải làm lễ khất. Các ngài đồng ý thì mới được. Nếu không đồng ý mà vẫn không làm thì lên rừng kiếm củi, kiếm cây thuốc sẽ gặp nhiều tai ương. Cái này đúng lắm rồi đó!". Có tìm hiểu, có tiếp xúc với họ, chúng tôi mới cảm nhận được sự tự hào tột bậc của những gia đình tổ chức được Tết nhảy. Người nào chưa tổ chức vui cho cả bản một lần, thì ao ước, thèm muốn và tủi phận lắm. Có người làm xong, nợ nần, khánh kiệt cho đến suốt đời.

Cuốn sách chữ nho ghi lại nguồn gốc lịch sử của người Dao.

Với lối "diễn" không điệu đà, chỉ ăn cơm trên lá chuối, uống rượu men lá, nhảy múa bên bếp lửa… nhưng tôi cảm nhận được niềm thành kính, tự hào, sự đắm say tự tận đáy lòng của người Dao nơi đây. Tiếng hát nhẹ như suối, rồi tiếng nhạc tự chế của họ thật thô sơ và đơn điệu. Cho đến bước nhảy cũng giản dị, được lặp đi lặp lại vài động tác ai cũng có thể "diễn" được; thế nhưng chính vì sự thành kính một cách tự nhiên đó mà Tết nhảy càng lung linh, huyền bí hơn.

Và đến cả những thầy mo mặc áo đỏ vàng, thêu rồng kết phượng và các linh vật oai phong, dữ tợn. Tiếng tù và hú vang cả núi rừng của ông thầy cúng có gì khiến Tết nhảy thật hoang sơ, nguyên thủy. Ngồi tựa thềm cửa khu bếp, bà Triệu Thị Xuân cười mộc mạc: "Chỉ có thế thôi nhưng nó là cả niềm tự hào, là tinh hoa của cả dân tộc Dao chúng tôi".

Xưa kia ở nơi đây vẫn còn phá rừng, du canh du cư. Nhiều lần cán bộ cho loa thông báo, cho người vận động bà con xuống núi để bảo vệ rừng. Thế rồi cũng chẳng được bao lâu họ lại nhớ đại ngàn, lại thượng sơn. Nhưng bây giờ khác rồi, bà con khấm khá bằng nghề hái thuốc.

Kinh tế khá giả, bản sắc văn hóa độc đáo được tôn vinh, Tết nhảy "ăn" to hơn, tổ chức đều đặn hơn. Bà con vui lắm, tự hào lắm. Khi người Dao đã uống chung mạch nước ngầm tâm linh ấy rồi, sau có thế nào, đi đâu, giàu sang thế nào đi nữa thì họ vẫn ngẩng đầu tự hào mình là đứa con đích thực của núi rừng thiêng liêng. Họ mãi là con dân của Non Tản kỳ bí, bản sắc đặc biệt ấy luôn là một giá trị đầy kiêu hãnh.

Theo Phong Anh

Theo Cảnh sát toàn cầu