Đoàn cũng đã làm việc với Hội đồng thành viên (HĐTV) Vinachem kiểm tra công tác quản lý cán bộ, việc ban hành và thực hiện các quy chế, quyết định, văn bản điều hành. Đồng thời, yêu cầu báo cáo về quá trình làm việc của ông Vũ Đình Duy tại tập đoàn, việc tham gia họp HĐTV cũng như các việc tập đoàn đã thực hiện sau khi ông Vũ Đình Duy vắng mặt tại cơ quan và hướng xử lý đối với vấn đề trên.
Kết quả kiểm tra cho thấy, HĐTV Vinachem hiện có 7 thành viên. Các thành viên HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn (trừ ông Vũ Đình Duy) trong thời gian qua thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động, quy chế làm việc của tập đoàn. Tại các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên HĐTV Tập đoàn các năm 2013-2015 đều được đánh giá ở mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Về các nội dung liên quan đến trường hợp của ông Vũ Đình Duy, HĐTV Vinachem cho biết, ông Duy được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ tại Tập đoàn theo Quyết định số 1369 ngày 8/4/2016. Ông Duy được HĐTV phân công trực tiếp phụ trách các lĩnh vực: Khoa học kỹ thuật - Công nghệ, an toàn lao động và môi trường, chất lượng sản phẩm, công tác định mức kỹ thuật và các nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên HĐTV.
Về mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao, Vinachem cho biết: “Do ông Duy đến công tác từ tháng 4/2016 nên chưa có đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Dự kiến hết năm 2016 mới có đánh giá hàng năm. Ông Duy là thành viên mới, hiện đang trong giai đoạn tìm hiểu, bước đầu làm quen với công việc nên mức độ hoàn thành nhiệm vụ ở mức trung bình”.
Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 8/4 (thời điểm ông Duy được bổ nhiệm) đến nay, đã có tổng cộng 17 cuộc họp của HĐTV tập đoàn. Ông Duy tham gia họp 9 cuộc họp, vắng mặt 8 cuộc họp. Trong đó có một cuộc họp ngày 22/6/2016 (trong biên bản nêu rõ đi công tác nước ngoài), 4 cuộc họp trong tháng 9 (biên bản họp nêu lý do đi học lớp Quốc phòng đối tượng 1) và 3 cuộc họp từ ngày 27/10 đến nay. Tổ công tác nhận thấy các ý kiến tham gia của ông Duy mới dừng ở mức độ nhất trí với các ý kiến của các thành viên khác.
Ông Vũ Đình Duy từng xin nghỉ việc không lương
Về việc ông Duy không đến cơ quan làm việc từ ngày 24/10, Vinachem đã nhận được 3 đơn đề tên ông Duy. Trong đó một đơn (không đề ngày tháng) nhận ngày 25/10 xin nghỉ ốm từ 26-28/10; một đơn đề ngày 31/10 xin nghỉ phép 30 ngày kể từ 1/11/2016 để đi khám bệnh tại nước ngoài và 1 đơn đề ngày 2/11 xin nghỉ phép năm, hoặc được nghỉ việc không hưởng lương.
“Tập đoàn đã liên lạc qua điện thoại với ông Duy nhưng không liên lạc được và đã cử hai tổ (ngày 25 và 28/10) đến tìm ông Duy tại các địa chỉ nơi ở hiện nay, địa chỉ hộ khẩu thường trú (trong tờ khai sơ yếu lý lịch) và địa chỉ mẹ đẻ của ông Duy nhưng đều không liên lạc được. HĐTV tập đoàn đã họp ngày 27, 28, 31/10, sau đó mới báo cáo Bộ Công Thương”, thông tin từ Bộ Công Thương.
Sau khi làm việc với Vinachem, Tổ công tác đã làm việc với 2 Kiểm soát viên chuyên ngành tại tập đoàn này và đề nghị mở cửa phòng làm việc của ông Vũ Đình Duy nhưng không phát hiện các dấu hiệu bất thường. “Hiện Tổ công tác đang tập hợp dữ liệu để báo cáo Bộ trưởng xin phương án xử lý tiếp theo.
Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Vinachem tiến hành xem xét làm rõ việc chấp hành kỷ luật lao động của ông Vũ Đình Duy theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Công Thương xem xét tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy”, Bộ Công Thương cho biết.
Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư Nhà máy Xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu..., gây thất thoát, lãng phí lớn. Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp và khối lượng phát sinh không đúng quy định. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
PVN từng xin 7 giải pháp để giải cứu PvTex
Liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của Nhà máy Xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ, trong một bản báo cáo gửi Bộ Tài chính và Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN tại thời điểm năm 2015 là ông Nguyễn Xuân Sơn đã đề xuất 7 giải pháp để vực đậy hoạt động của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ.
Cụ thể, để gỡ khó cho PvTex, lãnh đạo PVN đề xuất Bộ Công Thương cho phép xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm trong nước đối với hàng sản xuất ra của nhà máy theo hướng các doanh nghiệp dệt may phải sử dụng sản phẩm của PvTex, góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm dệt may xuất khẩu. Các nhà máy kéo sợi trong nước phải dùng xơ PSF nội địa còn nhà máy dệt phải dùng sợi DTY nội địa với tỷ lệ ít nhất là 30% trong năm đầu tiên. Đây được xem là điều kiện trong việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi của ngân hàng, cũng như trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Giải pháp khác được đưa ra đó là Bộ Công Thương cần xây dựng hàng rào thuế quan và chống phá giá, áp dụng cơ chế hạn ngạch đối với hàng xơ sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc...
Việc đề xuất miễn giảm chi phí điện nước, chi phí thuê đất, chi phí quản lý, chi phí xử lý nước thải của Khu công nghiệp Đình Vũ cho PvTex trong vòng 2 năm cũng được đưa ra như là giải pháp để giúp nhà máy thoát khỏi khó khăn. Thậm chí, PVN còn đề xuất kiến nghị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) và các doanh nghiệp dệt may trực thuộc Vinatex hỗ trợ mua sản phẩm xơ sợi polyester với giá bằng giá của các sản phẩm có chất lượng tương đương trên thị trường.
Thục Quyên